Khi con đã lớn

Vì nghĩ "Con mình không bao giờ hư..."

PN - Cứ vài tháng, người chị họ của chồng tôi từ quê vào với lỉnh kỉnh hành lý, phần nhiều là những món đặc sản quê nhà. Có món chỉ ăn trong vài ba ngày...

Chị kể, lần trước vào thăm, nghe con bảo phải vác cả bó mía, hay phải đi làm đồng từ sáng sớm, ăn uống thì lại kham khổ..., nhìn thằng nhỏ tiều tụy, gương mặt buồn hiu, tỏ ra ăn năn hối hận, chị “đứt ruột” lắm. Chồng tôi thì bảo đó là môi trường giáo dục tốt nhất cho con chị lúc bấy giờ. Cái chính hiện nay là chị cần thay đổi quan niệm “thương con”. Con trai gần 20 tuổi, nó cần phải biết lao động, thay vì ham chơi; phải biết gánh chịu hậu quả những việc mình làm.

Chị tôi nước mắt ngắn dài, chỉ vì quá nhớ con, và muốn được tận mắt nhìn thấy con để nói những lời động viên, mà chị phải đích thân bỏ hết công việc, lặn lội gần cả ngàn cây số thăm con, dù trong này các con chị vẫn thăm nuôi em mỗi tháng. Vợ chồng chị ly hôn khi đứa con trai út mới đang học lớp năm. Khi ba đứa con lớn theo cha vào thành phố sinh sống, chị gửi con trai út cho ngoại để đi làm ăn xa.

Hàng tháng chị đều đặn gửi tiền để mong bù đắp tình thương cho con. Đến năm lớp 9, nó nghỉ học, tụ tập bạn bè ăn chơi, quậy phá. Hai năm sau, chị quyết định đưa con vào sống với cha và các anh chị. Mới chân ướt chân ráo vào thành phố, nó tham gia vụ đánh người gây thương tích, nhận mức án hai năm tù.

Đi thăm con, chị bảo mệt rũ cả người mà tối về vẫn không sao chợp mắt. Tôi nghe tiếng chị lên xuống cầu thang, tiếng nước chảy từ phòng vệ sinh, tiếng ho khan giữa đêm khuya thanh vắng. Hôm sau chị đòi về, vì phải đi làm. Ở bến xe, chị còn nhắc: nó dặn chị về quê đừng cho ai biết nó đi tù.

Xem ra nó biết xấu hổ, biết việc làm của mình là sai, nên chị hy vọng con chỉ một lần lỡ dại. Tôi nghĩ dù sao thì sự việc cũng đã rồi, mong từ nay chị đừng quá chủ quan rằng con mình không bao giờ hư, trong khi trẻ con mới lớn rất cần cha mẹ bên cạnh để dạy bảo, uốn nắn; huống gì vợ chồng chị ly hôn, gia đình tứ tán, gây cho trẻ một cú sốc tâm lý rất nặng nề.

Ngày trước, tiền bạc và quần áo đẹp chị mua không thể bù đắp sự thiếu thốn tình cảm của con. Bây giờ, mấy món quà thăm nuôi với toàn những món ngon, cũng sẽ chẳng giúp được gì cho con ngoài sự thể hiện tình cảm của một người mẹ. Những lời “phải chi...” tỏ ra muộn màng, hy vọng chị tôi sẽ hiểu con và yêu con phù hợp hơn. Thương con đứt lòng nhưng chị cần để con trai trải qua lao khổ, thấm thía lỗi lầm, với những ngày gặm nhấm nỗi đau trong trại giam, nó hiểu ra được nhiều điều về giá trị cuộc sống, biết nhận lỗi và sống tốt.

Tôi nói với chị lời cuối về câu chuyện của mẹ con chị ngay tại bến xe, thay lời chào tạm biệt, mong chị hãy an tâm khi thằng bé đang lớn lên trong trại giam, điều đó sẽ tốt hơn thay vì nó thản nhiên sống theo bản năng của một đứa trẻ mới lớn mà không có sự quản lý của cha mẹ, sẽ không khỏi nảy sinh hệ lụy. Tôi muốn chị phải quan tâm tới sức khỏe của mình, lo tích cóp thay vì lặn lội đường xa thăm con, để mai này mẹ con gặp lại nhau, còn phải lo cho nhau, sống bù lại những tháng ngày đau khổ vừa qua.

KHÁNH THI

www.phunuonline.com.vn

trại giam, thương con, ly hôn, đau khổ, đi tù, tâm lý


© 2021 FAP
  873,603       1/857