Khi con đã lớn

'Dạy con theo cách cha tôi đã từng dạy tôi'

PN - Đó là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” theo đạo ngũ thường. Con người vốn “nhân chi sơ tính bản thiện”, sinh ra như tờ giấy trắng nên gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

“Làm thơ tự do cuối năm

Làm thơ tự do trước khi rời thành phố

Thơ đắp mền cho phu nhân

Thơ lau mặt cho quý tử

Thơ có túi như con đại thử

Nhét nhân gian bốn cõi vào lòng

Thơ cuồng nộ như cơn lũ

Móng vuốt thành trăm sông

Con trai ta chịu chơi hơn ta

Nó có vương quốc riêng hết sẩy

Vũ trụ chứa một tỷ người máy

Hành tinh gom một tỷ quân bài

Nó bấm video game bằng một tỷ ngón tay

Ác thú, quái nhân đều nằm chỏng gọng

Nó trả thù trong trật tự riêng

Trật tự của một ngài tổng thống

Đừng cười anh nghe em

Anh vẫn là gia trưởng

Đừng khi dễ ba nghe con

Ba vẫn là kẻ di truyền sự sống

Có làm cha thiên hạ vẫn muôn đời nói ngọng

Áo mặc không qua khỏi đầu

Sau này con lỡ làm thiên tử Nhớ đừng quên gia phả chăn trâu!”.

Đó là trích đoạn một bài thơ mà nhà thơ Bùi Chí Vinh viết tặng con trai mình - Bùi Vương.

PV: Anh có đề ra nguyên tắc trong việc nuôi dạy con trai? Nếu có, nguyên tắc đó có khi nào bị phá vỡ? Vì sao?

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Tôi dạy con trai theo cách cha tôi thuở còn sống thường dạy tôi. Đó là “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” theo đạo ngũ thường. Con người vốn “nhân chi sơ tính bản thiện”, sinh ra như tờ giấy trắng nên gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ngoài những điều nhân nghĩa lễ giáo, mưu trí quả cảm và giữ chữ tín, tôi còn dạy con tôi về lòng yêu nước qua những tấm gương anh hùng vệ quốc trong lịch sử, con tôi hầu như thuộc nằm lòng. Tôi hạnh phúc vì trí nhớ đặc biệt của Bùi Vương và sự căm ghét giặc ngoại xâm phương Bắc của nó. Chính những điều đó bảo đảm các nguyên tắc không bị phá vỡ.

 Nhà thơ Bùi Chí Vinh

* Con trai anh gần gũi mẹ nhiều hơn hay gần gũi cha nhiều hơn? Có khi nào anh và vợ bất đồng quan điểm trong việc dạy con?

- Bùi Vương gần gũi mẹ nhiều hơn theo đúng quy luật âm dương “con gái theo cha, con trai theo mẹ”. Cách giáo dục của tôi mang nặng tính trực giác, cảm xúc và khắc nghiệt theo sự đòi hỏi tuyệt đối của hoài bão, lý tưởng nên không dễ dàng thuyết phục con trai bằng mẹ nó. Ở chiều hướng ngược lại, vợ tôi với lý trí và tình mẫu tử có sự săn sóc linh hoạt hơn khiến con trai dễ tâm sự với mẹ. Tôi chấp nhận sự bất đồng quan điểm nhất định này để cùng đi đến điểm chung là thời gian và sự va chạm đời sống sẽ tự hoàn thiện cho con trai mình trong cuộc hành trình.
* Anh đánh giá cao nhất đặc điểm nào ở Bùi Vương? Nhược điểm nào ở con mà anh muốn uốn nắn?

- Khoa học và lòng yêu nước là hai đặc điểm nổi bật của Bùi Vương. Nó luôn luôn có cách phân tích và bảo vệ lập trường bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ trên nền tảng văn minh nhân loại. Nó tự tin với những phát kiến và kế hoạch lẫn dự án tương lai của mình. Nó không ưa thói “ỷ mạnh hiếp yếu” của ngoại bang phương Bắc lẫn người trong nước. Tôi chỉ cảnh giác duy nhất ở Bùi Vương là sự thành công quá nhanh dễ dẫn đến kiêu ngạo. Sự tự tin thái quá cũng là một dạng kiêu ngạo cần phải tránh.

* Con trai có tâm sự với anh về chuyện bạn bè, tình yêu và những gút mắc khác của bản thân? Anh có tư vấn cho con?

- Chẳng bao giờ con trai tôi hé răng với tôi về chuyện tình yêu, bạn bè và những băn khoăn. Để tìm hiểu vấn đề này, tôi thường trao đổi riêng với bà xã; bắt buộc phải trao đổi để nếu xảy ra bất cứ chuyện gì thì tôi cũng có thể hỗ trợ tinh thần cho con bằng kinh nghiệm sống trải qua trong chiến tranh, trong quãng đời cơ cực. Nói tóm tắt, Bùi Vương thuộc loại thanh niên cao lớn, đẹp trai, có vóc dáng lực sĩ, có nhiều thiếu nữ đồng nghiệp mến mộ nhưng lại chưa hề biết yêu. Hiện giờ Bùi Vương đã 25 tuổi, là kỹ sư công nghệ thông tin, đang nỗ lực nuôi sống bản thân cũng như giúp đỡ kinh tế gia đình.

Nhà thơ Bùi Chí Vinh và con trai Bùi Vương - lúc 10 tuổi

* Có khi nào anh cảm thấy con trai không hiểu mình và mình cũng không hiểu nổi con?

- Con trai tôi không quan tâm đến văn học nghệ thuật nhưng không vì vậy mà con không hiểu thơ văn nhạc họa. Bằng chứng là khi tôi ra mắt những bộ phim chiếu rạp do mình biên kịch thì Bùi Vương cũng sốt sắng tham dự. Một bằng chứng khác là trong cả hai cuộc triển lãm tranh cá nhân của tôi mang tên Ngày sinh của ngựa trong hai năm liên tiếp vào tháng 11/2012 và tháng 11/2013 tại Bảo tàng TP.HCM, Nhà trưng bày triển lãm TP.HCM đều có mặt Bùi Vương cùng các bạn của con tham gia phụ giúp. Những lần có mặt hiếm hoi đó của con trai làm tôi rất cảm động. Nhưng đừng hòng mong thằng bé xuất hiện thường xuyên ở chỗ đông người. Nó lạnh lùng và kín tiếng tối đa. Con càng không thích tôi khen trước mặt người khác.

* Đã bao giờ cha con anh mâu thuẫn, xung đột? Trong trường hợp đó, anh hóa giải bằng cách nào?

- Có vài lần do tính tôi lẫn Bùi Vương đều nóng nảy. Những lúc đó rất cần bà xã tôi can thiệp. Trong cơn thịnh nộ không kềm chế, nếu với nhân sự khác ngoài xã hội chắc chắn thế nào cũng xảy ra cảnh “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”. Cũng may có bà xã làm trung gian, tôi thường quát lớn rồi lánh mặt chỗ khác để khỏi bị stress.

Ngược lại, Bùi Vương cũng tìm cách giải thoát bằng cách tung nắm đấm vào tường gạch rồi mới chịu im lặng. Nắm đấm Bùi Vương thì khỏi phải bàn. Có một lần trên xe đò Sài Gòn - Vũng Tàu cách đây tám năm lúc mới 17 tuổi, Bùi Vương đã từng đấm tụi xã hội đen một trận tơi tả khi chúng trấn lột hành khách trên xe. Tuy nhiên, tính tình hai cha con tôi “dễ nóng dễ nguội”. Thông thường sau cơn quá giận mất khôn, Bùi Vương lại nhờ mẹ chuyển lời xin lỗi của nó đến tôi, hoặc chính nó làm lành bằng cách biểu lộ sự ăn năn rất đặc biệt chỉ gia đình tôi biết.

* Con trai anh có yêu thích thơ của cha? Anh có thất vọng khi con trai không nối nghiệp thơ của mình mà lại theo đuổi ngành khoa học kỹ thuật?

- Như đã nói, con trai tôi hiểu sự nghiệp thơ, văn, hội họa của cha nhưng không hề mảy may quan tâm đến những thứ “xa xí phẩm” đó. Thú thật, tôi chẳng những không thất vọng mà còn mừng vì nó biết chọn con đường phù hợp với mình.

* Tự đánh giá, anh thấy mình là một người cha như thế nào?

- Tôi đang làm những gì mà cha tôi thuở còn sống muốn truyền đạt cho tôi. Cha tôi mất năm 1971 lúc tôi mới 17 tuổi. Ông mất trong cảnh “anh hùng mạt lộ” của một người sa cơ bỏ lại sáu đứa con cho người vợ gánh gồng. Tôi không thể để cuộc đời lặp lại hình ảnh của mẹ mình qua bà xã tôi bây giờ, cũng như không thể để con trai tôi phải hy sinh lao vào đời mưu sinh kiếm sống như tôi thời binh lửa chiến tranh. Tôi hãnh diện thấy mình còn là một người cha đáng tin cậy qua ánh mắt con trai mình.

* Với anh, có một cậu con trai đã là đủ hay anh vẫn luôn mơ ước có thêm một cô con gái?

- Ai lại không mơ ước thêm một cô con gái cho đủ nam đủ nữ, nhưng trời cho có vậy cũng chẳng sao. Vấn đề là sinh ra một đứa con trai đáng mặt “đàn ông” còn hơn đẻ vô số con cái nhưng lớn lên sống hèn, sống nhục.

Vợ chồng nhà thơ Bùi Chí Vinh và con trai Bùi Vương

* Xin cám ơn anh!

NGUYỄN DIỄM

(thực hiện)

www.phunuonline.com.vn

nhà thơ Bùi Chí Vinh, Bùi Vương, con trai


© 2021 FAP
  297,575       1/346