Phong cách

Văn hóa giao thông qua 'Tiếng thở dài của một cảnh sát'

'CSGT và dân vốn dĩ ở cùng một phe đều không muốn tắc đường. Nhưng khi CSGT vất vả tạo ra trật tự trong hỗn loạn thì rất nhiều người cố gắng khiến cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ thêm'.

Câu chuyện về ý thực tham gia giao thông là một chủ đề luôn thu hút sự quan tâm bình luận của đông đảo cộng đồng. Mới đây, trên Facebook nickname của T. Long có chia sẻ một câu chuyện tạo nên cuộc tranh luận không hồi kết.

T. Long chia sẻ đó là câu chuyện giao thông vào giờ tan tầm. Dòng người ùn ùn đổ từ các hướng về, mặc dù đã có chỉ dần của CSGT ở các ngã tư nhưng vì sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông nên tình trạng ùn tắc vẫn tiếp diễn. Hình ảnh người CSGT thở dài khiến nhiều Facebooker suy ngẫm.

van-hoa-giao-thong-qua-bai-viet-tieng-tho-dai-cua-mot-csgt

Chia sẻ thu hút sự quan tâm của Facebooker T.Long:

"Ngã tư Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương, một buổi chiều tan tầm. Một bạn CSGT còn khá trẻ đang tất tả chạy qua chạy lại để cố ngăn cản dòng xe đang chực lao vào ngã tư khi đèn đỏ vẫn còn tới 4-5 giây. Phía bên kia đèn xanh, các phương tiện vẫn đan nhau như mắc cửi.

Nhưng bạn CSGT đó bịt chỗ này thì chỗ kia lại thủng. 2-3 xe, 4-5 xe và rồi cả chục xe máy cố gắng len lên, vòng ra sau lưng bạn CSGT đó phi lên phía trước. Và rồi cảnh tượng mà chúng ta vẫn thường thấy: Đám xe cố đi khi đèn đỏ chỉ còn một giây, vướng với đám xe cố vượt đèn đỏ, đan nhau cứng giữa ngã tư. Tất cả cùng dừng lại.

Từ phía đèn đỏ, vài chiếc taxi, vài chiếc xe con, một chiếc xe bus cũng lao về ngã tư mà không cần quan tâm đám đông phía trước. Vậy là tắc đường.

Ngay thời điểm đó, em liếc nhanh về phía bạn CSGT. Một tiếng thở dài, tay buông thõng chiếc gậy. Hành động thể hiện sự bất lực. Ngay lúc đó, em thật sự cảm thấy đồng cảm với bạn CSGT đó. Trong khoảnh khắc này, CSGT và dân vốn dĩ ở cùng một phe. Tất cả đều không muốn tắc đường. Nhưng trong khi CSGT đang vất vả tạo ra một sự trật tự trong hỗn loạn thì rất nhiều người trong số chúng ta cố gắng khiến cho sự hỗn loạn trở nên tồi tệ thêm, bằng thái độ vô ý thức, ích kỷ của mình.

Em thầm nghĩ: Không biết bao nhiêu người trong số những chiếc xe máy, xe ô tô cố vượt đèn đỏ, cố đi sớm khi đèn đỏ còn 1, 2 giây… từng lên các trang mạng phán như thánh như tướng khi báo chí đề cập đến chuyện tắc đường. Họ chỉ trích như một cái máy về “hạ tầng giao thông xuống cấp”, về “quy hoạch giao thông thiển cận”. Họ mang nước Nhật, nước Hàn, nước Mỹ ra so sánh, họ copy trên mạng những bức ảnh cầu vượt chồng chéo nhau ở Mỹ để mỉa mai, so sánh.

Nhưng họ không tự so sánh bản thân với người Nhật, người Mỹ. Họ thiếu sự kiên nhẫn tối thiểu. Họ thừa hiểu nếu họ lao về phía ngã tư đang đầy các phương tiện giao thông, tắc đường là khó tránh khỏi. Nhưng họ cứ thoát khỏi cái đám đông đó đã, phía sau lưng tắc đường thì mặc kệ. Rồi chính cái cảnh tắc đường đó được một phóng viên chụp lại và chính những kẻ gián tiếp gây ra tắc đường sẽ lên mạng bình luận về bức ảnh đó. Một vòng tròn lố bịch.

Em từng chứng kiến cảnh một anh đi SH xăm trổ, đứng quát CSGT: 'Đèn xanh thì tao có quyền đi, mày quyền đếch gì mà cản tao lại. Luật cho phép mày làm thế à', rồi cứ thế phóng đi, chui vào giữa đám đông đang đan cứng nhau ở ngã tư, luồn lách, chửi bới để thoát đi.

Vâng, khi động đến quyền lợi của mình thì mang luật ra phán như thánh. Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… hình như không nằm trong luật thì phải. Thiết nghĩ, trước khi đòi hỏi được hưởng sự quy hoạch giao thông như nước người ta, hãy tập cho mình ý thức của nước người ta đã".

van-hoa-giao-thong-qua-bai-viet-tieng-tho-dai-cua-mot-csgt-1

Không biết bao nhiêu người trong số những chiếc xe máy, xe ô tô cố vượt đèn đỏ, cố đi sớm khi đèn đỏ còn 1, 2 giây… từng lên các trang mạng phán như thánh như tướng khi báo chí đề cập đến chuyện tắc đường. Ảnh: Bá Đô.

Bài viết nhận được nhiều tranh luận sôi nổi từ người đọc. Nhiều ý kiến cho rằng ý thức chỉ là một phần còn nhiều yếu tố khác tác động lại như: cơ sở hạ tầng, cách thức phân luồng, quy hoạch... Bạn Hương.Nt viết: "Không thể đổ lỗi hết cho người tham gia được".

"Em sợ thủ đô, sợ các thành phố lớn, sợ đến nỗi không dám nghĩ đến giờ tan tầm. Nhất là hôm nào trời mưa, từ cụ già đến thanh niên, nam nữ, béo gầy, xe to xe nhỏ, ai đi cũng phi như thể đường đua nhà mình, mỗi người chen lấn một tý thôi là tắc nghẽn cả đoạn đường. Mỗi người vì tiếc 2-3 giây nên ngày nào cũng vật lộn cả tiếng đồng hồ giữ dòng xe lộn nhộn. Dân mình bị chứng "đói không gian" khi tham gia giao thông. Ai cũng muốn chiếm một chút dù là nhỏ nhất. Nghĩ đến là hãi hùng", bạn Chung Nguyễn than thở tâm sự.

Rất nhiều bình luận lại đồng cảm và cho rằng cũng từng chứng kiến rất nhiều lần CSGT bất lực vì ý thức của người dân. H. Huan chia sẻ bạn từng chứng kiến cảnh "một anh CSGT khóc đúng nghĩa và gọi bộ đàm liên tục giữa ngã tư Trần Duy Hưng giao Phạm Hùng nên tưởng tượng được cảnh buông gậy thở dài của anh cảnh sát trong bài viết. Mong mọi người tham gia giao thông có ý thức".

"Ai cũng nói và hiểu là hạ tầng giao thông kém nhưng rất, rất ít người tự nâng cao ý thức để cùng nhau khắc phục điều đó. Có cái khe nào là rúc đầu thẳng tắp vào kệ những người còn lại. Ý thức kém, cộng các thứ khác đều kém thì trách sao. Mình hoàn toàn đồng cảm với anh CSGT trong bài viết trên. Mọi người chấn chỉnh và nhắc nhở nhau cùng nâng cao ý thức khi tham gia giao thông", độc giả Bao Ngoc thẳng thắn nêu ý kiến.

Lam Dương

NgoiSao.net

Văn hóa giao thông qua 'Tiếng thở dài của một cảnh sát' - Ngôi sao


© 2021 FAP
  5,349,461       23/834