Phong cách

Công Trí: 'Tôi làm việc với Phạm Hương là một sự tình cờ'

Nhà thiết kế thẳng thắn cho biết, anh không có nàng thơ nào trong sự nghiệp thiết kế của mình.

- Năm 2015, mọi hoạt động thời trang của anh gần như không sôi nổi so với những năm trước, lý do nằm ở đâu?

- Năm vừa qua tôi vẫn tham gia thiết kế trang phục cho chương trình Thử thách cùng bước nhảy, công việc này chiếm khá nhiều thời gian, tiếp đến tham gia thiết kế phục trang cho Ional Show tại Hà Nội. Đó là một chương trình giải trí tổng hợp giống Lasvegas đòi hỏi đầu tư thời gian và công sức rất nhiều. Hai chương trình gần như chiếm chọn kế hoạch làm việc của tôi và không còn thời giờ để thực hiện bộ sưu tập theo số thứ tự như mọi năm. Cuối năm 2015, tôi cũng có dự định trình làng bộ sưu tập No:09, nhưng lại nhận được lời mời của ban tổ chứcTokyo Fashion Week, vì thế phải gác lại để hoàn thiện bộ sưu tập tham dự tuần lễ thời trang.

- Cũng trong năm qua, hoa hậu Phạm Hương sử dụng khá nhiều các sản phẩm do anh thiết kế, anh suy nghĩ thế nào trước nhận xét Phạm Hương là nàng thơ mới của mình?

- Từ trước đến nay tôi không có nàng thơ, mỗi thời điểm mình thấy phù hợp thì sẽ cùng hợp tác. Tôi làm việc với Phạm Hương là một sự tình cờ, từ việc giúp cô ấy lo về mặt trang phục tại cuộc thi hoa hậu tổ chức ở Việt Nam. Đến phút cuối, Phạm Hương gặp phải trục trặc và không có trang phục dự thi nên đã gọi điện nhờ tôi. Trong lúc khẩn cấp, tôi thấy giúp được gì thì giúp chứ không quan tâm lắm đến chuyện “trục trặc hậu trường”. Sau đó, Phạm Hương đoạt giải và đi thi quốc tế, tôi vẫn giúp về mặt trang phục dạ hội chứ cô ấy không phải nàng thơ của tôi.

- Hoạt động nhiều nhưng thông tin không được phổ biến rộng rãi, anh đánh giá thế nào về cách PR của mình?

- Thực ra, khi làm việc mỗi người sẽ có một cách làm riêng, tôi thường PR những công việc mang yếu tố chủ đạo và liên quan chặt chẽ đến vai trò nhà thiết kế của mình. Tôi không thể nào “kể lể” tất cả mọi việc về hoạt động và PR một cách khoa trương cũng không phải phong cách của tôi.

cong-tri-toi-khong-pr-mot-cach-khoa-truong

Mở đầu cho các dự án trong năm 2016, Công Trí rất hào hứng với việc mang bộ sưu tập mới nhất trình diễn tại 'Tokyo Fashion Week 2016'.

- Theo anh việc PR và đẩy mạnh hình ảnh trên phương tiện truyền thông đối với một nhà thiết kế có những cái lợi và cái hại nào?

- Tôi nghĩ tính chất của việc PR là có lợi, còn lợi hay hại thế nào là do đơn vị chủ quản việc PR ấy muốn điều gì, vô hình chung có những cái ngoài tầm kiểm soát sẽ dẫn đến những điều không hay. PR có cái lợi lớn nhất là giúp công chúng, khách hàng biết đến các dự án của mình, tính chất của nó ra sao và những công trình nghệ thuật phải thông qua PR thì độc giả mới biết được nhiều hơn. Đó là một việc tốt còn đường hướng ra sao mỗi người lại có những lựa chọn riêng.

- Trong thời đại thông tin bùng nổ, các nhà thiết kế đều có những chiến lược quảng bá thương hiệu rầm rộ, quy tắc ‘hữu xạ tự nhiên hương’ của anh còn phát huy tác dụng?

- Mỗi thời cuộc đều có những sắc thái khác nhau và bản thân mỗi người sẽ có những cách nghĩ mới. Có thể những tiêu chí hay quy tắc của ngày xưa sẽ không còn phù hợp với thời đại mới, ngày nay là thời đại của công nghệ, của các trang mạng xã hội thì tôi nghĩ công việc PR rất quan trọng. Bởi nếu bạn làm mọi thứ đều tốt nhưng không có được chiến lược quảng bá tốt thì chắc chắc không ai biết đến thành quả lao động của mình, tầm ảnh hưởng của bạn cũng không được mong muốn.

- Trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự 'Tokyo Fashion Week Fall/Winter 2016', theo anh lý do ban tổ chức lựa chọn mình là nhờ những điểm nổi bật nào?

- Ban tổ chức có tìm hiểu về các nhà thiết kế Việt Nam và thông qua viện mẫu thời trang Fadin, họ tìm kiếm những gương mặt có khả năng đáp ứng được những yêu cầu của tuần lễ thời trang và họ chọn liên lạc trực tiếp với tôi.

Nhận được nhiều lời mời tham gia các sự kiện thời trang uy tín tại thế giới, nhưng chuyến đi lần này của tôi khác hơn nhiều. Tôi sẽ trình diễn bộ sưu tập mới nhất của mình tại tuần lễ thời trang Tokyo chính thống chứ không phải các hoạt động bên lề. Khi nhận được lời mời, tôi cũng khá đắn đo, suy nghĩ rất nhiều và nghĩ đó là áp lực. Nhưng khi bắt tay vào việc làm bộ sưu tập mới, đi được một nửa chặng đường tôi thấy bình thường và sẽ cố gắng làm thật tốt bởi đây cũng là một buổi trình diễn mà chính tôi cũng mong đợi.

- Sau sự sinh sôi của nấm, nét thuần Việt của chiếc áo tơi, kỹ thuật đan nong tre… hình ảnh đặc trưng được anh đưa vào bộ sưu tập No:09 là gì?

- Thực ra tất cả các bộ sưu tập của tôi đều gần gũi với thiên nhiên và Việt Nam, bởi mình sinh ra và lớn lên ở đây. Chủ đề tôi chọn cho bộ sưu tập lần này là “Lúa”, từ hình ảnh người phụ nữ nông thôn trong chiếc áo bà ba trên cánh đồng lúa đến hình ảnh người nữ du kích cũng trong chiếc áo bà ba đã tác động mạnh và để lại ấn tượng trong tôi. Hơn nữa ngoài vẻ đẹp của chiếc áo dài, áo bà bà lại ít được nhắc đến, ít được khai thác nhưng tôi lại cảm thấy thú vị và từ đó xây dựng ý tưởng để mang đến các mẫu thiết kế cho bộ sưu tập No:09.

cong-tri-toi-khong-pr-mot-cach-khoa-truong-1

Công Trí đến tận xưởng dệt để theo sát quá trình tạo nên nguyên liệu vải lãnh Mỹ A - một trong những chất liệu đã dần bị lãng quên ở thị trường may mặc Việt Nam để chuẩn bị cho bộ sưu tập mới.

- Điều khiến anh hứng thú với chất liệu vải lãnh Mỹ A và đưa nó vào bộ sưu tập mới nhất?

- Để cho ra đời một mét vải lãnh Mỹ A rất là khó khăn và phải trải qua rất nhiều công đoạn, không đơn giản là dệt vải và nhuộm một cách đơn thuần là có được loại vải này. Qua sự giới thiệu của người bạn, một lần đến xưởng sản xuất lãnh Mỹ A, tôi bị thuyết phục bởi sự cầu kỳ trong việc tạo ra nó. Một năm chỉ làm được một mùa, khi thu hoạch trái mặc nưa thì phải sử dụng ngay để nhuộm vải. Chính vì thế tôi đã lựa chọn lãnh Mỹ A cho bộ sưu tập mới của mình.

- Trên chất liệu đen nhánh đặc trưng của chất liệu vải lãnh Mỹ A, anh xử lý thế nào để mang đến sự mới mẻ và nét riêng?

- Bộ sưu tập này 90 % là vải được sản xuất tại Việt Nam, ngoài lãnh Mỹ A còn có các chất liệu như: lụa tơ tằm, chiffon, satin, đũi …Tôi sẽ sử dụng các kỹ thuật đính kết để tránh sự đơn điệu một màu đen của lãnh Mỹ A, chắc chắn khi khán giả theo dõi sẽ thấy được việc xử lý chất liệu của tôi. Đồng thời trong quá trình dệt vải, tôi cũng theo sát và tính toán về số lượng sợi dệt khác nhau để mang đến bề mặt chất liệu vải lãnh Mỹ A độc đáo hơn.

- Vốn theo đuổi phong cách thời trang cao cấp, điểm nào khiến anh hứng thú với dòng thời trang bình dân có giá thành ‘mềm mại’?

- Tôi mở dòng thời trang ứng dụng dành cho giới trẻ, nam nữ từ 16 tuổi đến 35 tuổi. Sản phẩm là đồ mặc hàng ngày và có giá thành vừa phải. Đây là đất dành cho các bạn thiết kế trẻ có cơ hội làm việc và thể hiện tài năng thiết kế của mình. Ngoài công việc kinh doanh và đào tạo, tôi cũng muốn có một sân chơi để giúp các bạn trẻ tham gia với niềm đam mê thời trang của mình.

- Cái khó trong việc xây dựng và phát triển dòng thời trang phục vụ cho nhu cầu ăn mặc hàng ngày?

- Tôi thấy, khó nhất là việc làm sao cho các bạn thiết kế phải tỉnh táo và cho ra những mẫu mang tính ứng dụng cao. Các bạn trẻ thường bay bổng và có những ý tưởng táo bạo, nhưng đôi khi những luồng suy nghĩ ấy đem vào thời trang ứng dụng không hề dễ dàng về mặt thực hiện lẫn lợi nhuận kinh tế. Tôi vẫn phải đào tạo thêm về kỹ thuật, đồng thời cho các bạn trẻ làm việc kết hợp cùng với những stylist chuyên nghiệp của làng thời trang để cho ra đời những sản phẩm thời trang với tính thương mại cao.

Duy Khánh thực hiện

NgoiSao.net

công trí, tuần lễ thời trang tokyo, nhà thiết kế việt - Công Trí: 'Tôi làm việc với Phạm Hương là một sự tình cờ'


© 2021 FAP
  5,100,325       19/976