Kinh tế

Nông nghiệp cả nước giảm, Đồng Nai vẫn tăng

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên sau nhiều năm nông nghiệp cả nước tăng trưởng âm 0,18% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng Đồng Nai vẫn giữ được giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,6%.

Đồng Nai dẫn đầu cả nước về tổng đàn heo gần 1,7 triệu con.  Trong ảnh: Một trang trại heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) nuôi theo mô hình khép kín.
Đồng Nai dẫn đầu cả nước về tổng đàn heo gần 1,7 triệu con. Trong ảnh: Một trang trại heo tại xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) nuôi theo mô hình khép kín.

Dù bị ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn ở một số địa phương trong tỉnh, nhưng các ngành chức năng và địa phương đã khắc phục kịp thời nên ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng gần 0,7%; chăn nuôi tăng hơn 6%; dịch vụ tăng gần 6%; lâm nghiệp, thủy sản đều giữ mức tăng trưởng gần 3%.

* Vượt qua sóng gió

Đồng Nai cũng chịu chung những ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết, song sự cố gắng của người dân và chỉ đạo kịp thời của tỉnh, huyện, xã nên nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ được tăng trưởng ổn định.

Ông Lý Phát Sinh, nông dân ở ấp Tây Minh (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc), nói: “Thời tiết năm nay khô hạn hơn mọi năm, nhưng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và xuống giống đúng thời vụ theo khuyến cáo của huyện nên sản lượng bắp, lúa của tôi vẫn khá cao. Bắp đạt 12-14 tấn/hécta/vụ, lúa 6-7 tấn/hécta/vụ nên lợi nhuận vẫn cao”.

Một số nông dân ở huyện Xuân Lộc, TX.Long Khánh, Cẩm Mỹ... cũng khẳng định mùa khô 2015-2016 gần như không có mưa trái mùa nên khô hạn diễn ra ở nhiều nơi. Với cây trồng ngắn ngày, nông dân chuyển đổi sang những cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, giá trị kinh tế cao, như: bắp, đậu, rau màu nên ít bị ảnh hưởng hơn. Cây trồng lâu năm thì người dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, do đó trồng trọt của tỉnh vẫn giữ mức tăng trưởng gần 1%. 

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, cho biết: “Do có dự báo trước về tình hình thời tiết nên tỉnh cùng các địa phương chủ động tốt về giống, phân bón, nước tưới thủy lợi để phục vụ sản xuất và gieo trồng đúng thời vụ né hạn nên trồng trọt giảm bớt được ảnh hưởng từ khô hạn, xâm nhập mặn. Chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh phát triển ổn định nhờ chăn nuôi nhỏ lẻ dần bị thu hẹp, thay vào đó là chăn nuôi tập trung theo mô hình khép kín, ít bị dịch bệnh giúp ngành chăn nuôi Đồng Nai tăng trưởng khá”.

* Chăn nuôi dẫn đầu

Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi hiện tăng nhanh nên đã kích thích cho người chăn nuôi đầu tư và mở rộng quy trình sản xuất. Đáng mừng là giá bán sản phẩm chăn nuôi đảm bảo được lợi nhuận. Các công ty liên doanh tăng cường mở rộng phạm vi và quy mô sản xuất thông qua liên kết với các hộ theo hình thức nuôi gia công tại nhiều huyện trong tỉnh. Hiện Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước về nuôi heo với tổng đàn gần 1,7 triệu con. Ngoài ra, Đồng Nai còn được biết đến là nơi có chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại khép kín với heo, gà, vịt lớn nhất cả nước trên 70%. Đây cũng là yếu tố giúp cho giá heo, gà, vịt của Đồng Nai luôn có giá bán tại trại cao hơn những tỉnh khác từ 1-2 ngàn đồng/kg.

“Trong 6 tháng đầu năm, nhiều trang trại chăn nuôi heo thịt của tỉnh có doanh thu lớn vì giá heo hơi luôn ở mức cao, từ 46-54 ngàn đồng/kg. Nhiều thời điểm giá heo hơi trên 50 ngàn đồng/kg, giúp người chăn nuôi lời từ 1,2-1,5 triệu đồng/tạ heo hơi” - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán chia sẻ.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn), phần lớn các trang trại chăn nuôi trong tỉnh có kỹ thuật tốt nên ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt đàn thấp, lượng thức ăn tiêu tốn ít. Bên cạnh đó, đa số trang trại đều có cam kết chăn nuôi theo hướng an toàn không sử dụng chất cấm, hạn chế sử dụng kháng sinh trong nuôi heo để giữ gìn thương hiệu.

Hương Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,997,311       1/1,303