Kinh tế

Thời tiết bất thường, nông dân khốn đốn

Những đợt mưa lớn kéo dài cả chục ngày, thời tiết lạnh, sương muối vào những tháng cuối năm đã ảnh hưởng mạnh đến sự phát triển của cây trồng. Cà phê, tiêu, sầu riêng... bị giảm năng suất hoặc xảy ra dịch bệnh nhiều.

Trong đó, hàng loạt các trái cây mùa tết, như: xoài, bưởi, mãng cầu... bị mất mùa, lỡ vụ thu hoạch tết.

Thanh long lo lỡ vụ tết vì thời tiết (ảnh chụp tại vườn thanh long ruột đỏ ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom).
Thanh long lo lỡ vụ tết vì thời tiết (ảnh chụp tại vườn thanh long ruột đỏ ở xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom).

Suốt thời gian qua, giá các loại rau, củ luôn đứng ở mức cao do thời tiết thất thường khiến các vườn rau hư hại,  năng suất thấp. Hiện giá nhiều mặt hàng trái cây bắt đầu tăng và dự đoán sẽ xảy ra tình trạng “sốt” hàng vào dịp tết do khan hiếm nguồn cung.

Cây trồng sâu bệnh, mất mùa

Chưa có năm nào nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn như năm nay do diễn biến khó lường của thời tiết. Tình trạng mưa dầm, ẩm thấp kéo dài từ cuối mùa mưa sang đầu mùa khô khiến dịch bệnh phát triển mạnh, năng suất giảm sút.

Vụ thu hoạch cà phê vừa qua, giá cà phê đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây nhưng người trồng không vui vì đạt năng suất thấp. Không ít nhà vườn thu hoạch trễ vụ, năng suất giảm gần một nửa lại càng thất vọng vì không có lợi nhuận do mất mùa.

Hơn 2 tháng trước, hàng chục hécta tiêu tại ấp Trường An (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) đồng loạt héo dây, thối gốc do những đợt mưa, bão kéo dài khiến vườn tiêu bị ngập. Những đợt mưa dầm cũng khiến tiêu rụng bông nhiều, những bông tiêu đậu hạt cũng bị răng cưa, bồ cào nên năng suất giảm. Ở nhiều vùng, nông dân dự đoán năng suất có thể giảm từ 20-30% so với mọi năm. Hiện tình trạng tiêu chết rải rác do nấm bệnh vẫn xảy ra khắp nơi. “Vua” tiêu Trần Hữu Thắng (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), nhận xét: “Những đợt mưa lớn kéo dài từ 10-20 ngày, độ ẩm quá cao gây nấm, bệnh là nguyên nhân khiến cây tiêu chết vì thối rễ. Điều này gây hệ lụy rất lớn vì mỗi nọc tiêu đầu tư trồng mới tốn nhiều chi phí, thời gian”.

Rất nhiều cây trồng lâu năm cũng lo dịch bệnh, mất mùa vì sự “ẩm ương” của thời tiết. Ông Trần Anh Tùng, nông dân xã Bình Sơn (huyện Long Thành), lo lắng: “Vụ này, nông dân cực lắm vì cây trồng bị sâu bệnh nhiều do mưa dầm, ẩm thấp; nặng nhất là cây sầu riêng vì dịch bệnh nấm lá, nấm rễ. Tuy tình trạng cây chết chỉ xảy ra lác đác, nhưng nông dân thiệt hại lớn vì chăm được 1 cây sầu riêng đến khi thu hoạch tốn rất nhiều công, nhiều của. Mọi năm thời điểm này, sầu riêng đã đồng loạt ra bông, nhưng cơn bão cuối năm vừa qua khiến cây đua nhau đâm chồi nên sẽ trễ vụ hơn. Dự đoán, năng suất cũng bị ảnh hưởng vì diễn biến thời tiết vẫn diễn biến khó lường”.

Khan hàng trái cây tết

Tình trạng mất mùa cũng xảy ra ở hầu hết các loại cây ăn trái thu hoạch vào dịp tết, như: bưởi, xoài, mãng cầu xiêm... Cả tháng nay, giá các loại bưởi tăng sớm hơn mọi năm, nhưng nông dân không được hưởng lợi vì nhiều nhà vườn không có bưởi bán do mất mùa. Ngay cả những nông dân lão luyện kinh nghiệm trồng bưởi ở Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu) cũng phải chấp nhận cảnh mất mùa, lỡ vụ. Ông Ngô Văn Sơn, nông dân trồng bưởi tại xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), cho biết: “Năng suất vụ bưởi tết năm nay giảm mạnh, thậm chí có nhà vườn không có bưởi tết. Thời tiết thất thường khiến việc lên khuôn bưởi hồ lô cũng vất vả hơn, nhưng tôi vẫn tập trung vào dòng hàng “độc” này với kỳ vọng bán được giá cao bù cho năng suất giảm”.

Để “ép” các vườn xoài, thanh long, mãng cầu... cho thu hoạch trái vụ vào đúng thời điểm tết, nông dân đầu tư nhiều chi phí hơn nên càng lo lắng khi mất mùa. Ông Đoàn Trung Ngọc, chủ trang trại trồng thanh long tại huyện Trảng Bom, chia sẻ: “Mùa này, nông dân phải thắp đèn để thanh long cho thu hoạch. Nhưng do mưa dầm, thời tiết lạnh nên tỷ lệ thanh long đậu trái thấp, nông dân mất cơ hội bán thanh long cho thị trường xuất khẩu với giá cao vào dịp Noel, Tết Dương lịch. Dịp Tết Nguyên đán 2017, theo nhiều dự đoán thì có thể thanh long ruột đỏ sẽ khan hàng vì nhiều vườn bị lỡ vụ”.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,023,106       2/1,153