Nhiều năm qua giá mủ cao su xuống dưới giá thành khiến nông dân trồng cao su chao đảo. Đến nay, giá cao su đã tăng mạnh trở lại, người trồng cao su bắt đầu có lãi.
Sự “hồi sinh” về giá này là cơ hội để các chủ vườn cao su tiểu điền có điều kiện chăm sóc vườn cây tốt hơn.
Một vườn cao su tiểu điền đang được thu hoạch mủ tại xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ. |
Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá mủ cao su liên tục tăng, các vườn cao su bắt đầu tập trung khai thác mủ mạnh. Tuy nhiên nhìn về dài hạn, giá cao su vẫn khá bấp bênh.
Cao su bắt đầu có lãi
Dù giá mủ cao su trong 3 năm qua liên tục giảm, nhưng bà Nguyễn Kim Hòa, chủ trang trại cao su Vĩnh Hòa (xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc) vẫn quyết định giữ nguyên gần 40 hécta cao su. Theo tính toán của bà Hòa, với mức giá như hiện nay trừ chi phí công nhân cạo mủ, phân bón, gia đình bà thu lãi khoảng 7 triệu đồng/hécta. Tuy nhiên, mức lãi này vẫn chưa đủ bù lại thua lỗ do giá cáo su giảm trong thời gian vừa qua. “Năm nay, sản lượng cao su giảm so với năm ngoái do thời tiết thất thường, cây bị sâu bệnh. Trung bình thu được khoảng 4 ngàn lít mủ/ngày. Mưa nhiều khiến cho thời gian cạo mủ cũng giảm, chỉ cạo được khoảng 6 tháng trong năm” - bà Hòa nói.
Ông Hà Văn Thiệu (xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ), người có hơn 1,5 hécta cao su, cũng cho hay cũng mới vừa cho khai thác 3 tháng trở lại đây khi giá mủ tăng. Mấy năm qua, giá mủ cao su xuống thấp nên ông quyết định không lấy mủ vì chi phí chăm sóc và giá thuê nhân công cạo quá cao khiến giá bán mủ không đủ chi phí.
Ở xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ), bà Vương Kim Nhung có khoảng 0,5 hécta cao su 8 năm tuổi, gia đình bà cũng bỏ cạo trong thời gian qua vì giá mủ quá thấp, đến nay giá lên bà mới cho khai thác. Hầu hết các chủ vườn cao su tiểu điền từ tháng 10 đến nay đã bắt đầu cho khai thác mủ trở lại khi giá mủ đã lên đến mức có lãi.
Băn khoăn về giá
Giá gỗ cao su tăng 1 triệu đồng/m3 Cùng với giá mủ cao su, giá gỗ nguyên liệu cao su hơn 1 tháng qua đã tăng mạnh từ 4,9 triệu đồng/m3 lên 5,9 triệu đồng/m3. Như vậy, so với thời điểm cuối năm 2015, giá gỗ cao su nguyên liệu hiện nay tăng gần 2 triệu đồng/m3. Nguyên nhân của giá gỗ đột xuất tăng mạnh do một số doanh nghiệp đã tập trung mua gom gỗ số lượng lớn, bên cạnh đó nhu cầu gỗ cho mùa hàng cuối năm cao đã đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh. Giá gỗ cao su hiện nay đã lên ngang với giá gỗ dầu nhập khẩu đang là áp lực cho các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu trong nước. |
Dù giá mủ tăng nhưng nhiều hộ vẫn còn nhiều lo lắng, nhất là khi thị trường cao su không ổn định. Ông Thiệu cho biết thêm, gia đình ông cũng như nhiều người trồng cao su ở đây rất mừng vì giá mủ đã tăng trở lại làm nhẹ bớt chi phí đầu tư. Tuy nhiên, ông vẫn lo vì giá chưa thực sự ổn định. “Nếu giá cao su cứ bấp bênh thế này, có lẽ tôi chuyển đổi sang trồng xen canh sầu riêng và chuối để có thêm nguồn thu nhập ổn định hơn, chỉ còn giữ lại khoảng 6 sào cao su chuyên canh” - ông Thiệu chia sẻ. Giá mủ cao su tại vườn hiện nay tăng lên mức 340 đồng/độ, cao hơn khoảng 140 đồng/độ so với thời điểm cuối tháng 9 vừa qua.
Hiệp hội Cao su - nhựa TP.Hồ Chí Minh cho biết bắt đầu hết quý III-2016 giá mủ cao su liên tục tăng. Hiện giá mủ đã cao hơn thời điểm tháng 9-2016 khoảng 6 triệu đồng/tấn mủ, mỗi tấn mủ hiện tại có giá trên 40 triệu đồng/tấn. Cụ thể, giá dao động từ 41-43 triệu đồng/tấn tùy loại mủ.
Ông Lê Bạch Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su - nhựa TP.Hồ Chí Minh, cho hay giá tăng cao do sản lượng cao su thiên nhiên ở nhiều quốc gia đã giảm khai thác do một thời gian dài giá xuống thấp. Đáng kể nhất là 4 quốc gia xuất khẩu cao su lớn: Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Malaysia giảm mạnh sản lượng khai thác. Cũng theo ông Long, một nguyên nhân nữa khiến giá mủ cao su thiên nhiên tăng giá là giá dầu mỏ lên trở lại khiến giá cao su nhân tạo tăng giá. Đánh giá của ngành cao su, giá mủ hiện nay vẫn chưa thực sự ổn định bởi còn phụ thuộc nhiều vào mức tăng, giảm của giá dầu thế giới và mức tăng sản lượng khai thác mủ ở các quốc gia xuất khẩu cao su.
Vân Nam - Hải Quân