Ngày 28-12, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc nhà ga hành khách của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngày 28-12, tại Bảo tàng Đồng Nai, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc nhà ga hành khách của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đến dự có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường (thứ 2, bên phải) trao đổi về các phương án kiến trúc Sân bay Long Thành. Ảnh: K.GIỚI |
Tại đây trưng bày 9 cụm pano của 9 đơn vị dự thi, mỗi đơn vị trưng bày 12 bản vẽ, bao gồm: nội dung tóm tắt những thông tin chính của dự án; các bản vẽ phối cảnh nội, ngoại thất; quy hoạch mặt bằng tổng thể; mặt bằng kiến trúc các tầng của công trình. Thời gian trưng bày kéo dài đến hết ngày 11-1-2017.
Đặc biệt với Đồng Nai
Ông Nguyễn Khắc Phong, Chánh văn phòng Ban Quản lý dự án Long Thành (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam), cho biết mong muốn của đơn vị tổ chức là có được nhiều người dân đến đây tham quan và góp ý kiến. Ban tổ chức đã bố trí người để hướng dẫn và cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân đến tham quan góp ý kiến. |
Tại lễ khai mạc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh kêu gọi nhân dân trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm để lựa chọn phương án tốt nhất, góp phần thành công của dự án và xây dựng hình ảnh ngành hàng không Việt Nam. “Bằng các hình thức, tỉnh sẽ thông tin rộng rãi đến người dân để nhân dân có thể đóng góp ý kiến, lựa chọn cho các phương án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tỉnh sẽ cùng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tổng hợp đầy đủ những ý kiến đóng góp của người dân báo cáo Chính phủ xem xét phương án phù hợp nhất để đưa vào báo cáo khả thi của dự án” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, cho rằng việc lấy ý kiến tại Đồng Nai là đặc biệt quan trọng bởi dự án xây dựng trên địa bàn tỉnh, vì vậy việc lựa chọn phương án tốt nhất không những góp phần thành công cho dự án mà còn góp phần xây dựng biểu tượng, quảng bá hình ảnh cho Đồng Nai với quốc tế. Ông Bình cũng cho biết thêm, trong việc tổ chức thi tuyển quốc tế về thiết kế Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị dự thi đáp ứng tối đa công năng sử dụng, tính thẩm mỹ, ý nghĩa và tính khả thi cao phù hợp với quy hoạch đã được duyệt. Có 16 đơn vị vượt qua vòng sơ tuyển và hội đồng tuyển chọn đã chọn được 9 phương án. Các phương án này được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của người dân theo theo hình thức trực tiếp tại 4 địa phương, là: Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh.
Mang đậm dấu ấn Việt
Trong 9 mẫu thiết kế để trưng bày lấy ý kiến rộng rãi người dân, có tới 7 mẫu thiết kế mang đậm những hình ảnh thân thuộc của người Việt, như: hoa sen, cánh sen, nón lá, tre, lá cọ, dừa nước, hình ảnh thiên nhiên và những kiến trúc văn hóa Việt Nam. Các kiến trúc sư đã cố gắng làm nổi bật những nét đặc trưng của Việt Nam trong thiết kế.
Rất nhiều người dân chú ý đến mẫu thiết kế kiến trúc là LT-03 hình hoa sen cách điệu. Phương án này do công ty Hàn Quốc thiết kế, lấy ý tưởng từ hình ảnh hoa sen - loài hoa được xem như quốc hoa của Việt Nam. Ông Nguyễn Đồng Thanh, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, cho hay ông thích phương án LT-03 vì thiết kế bên ngoài đẹp, phần nội thất hiện đại, sang trọng nhưng rất thân thiện với môi trường, đặc biệt là nhà thiết kế quan tâm đến tính tiện ích của hành khách từ cửa đến tới cửa đi.
Một thiết kế khác cũng được nhiều người chú ý là phương án LT-07 với hình ảnh lá cọ, dừa nước. Đơn vị thiết kế (liên danh gồm 3 công ty: Việt Nam, Nhật Bản và Singapore) lấy ý tưởng từ hình ảnh đặc trưng văn hóa đồng quê, sông nước của Việt Nam, đặc biệt là khu vực Nam bộ. Thiết kế này được áp dụng vào phần mái của công trình. Nhà thiết kế muốn mang đến một hình ảnh nhà ga cảng hàng không đậm chất văn hóa địa phương. Ông Nguyễn Khiết, người dân phường Tân Phong (TP.Biên Hòa), chia sẻ ông rất ấn tượng với thiết kế hình lá dừa nước, từ bên trong đến ngoài đều mang dấu ấn địa phương vùng Nam bộ: “Bên ngoài phần mái giống lá dừa nước, trong nhà ga thì kiến trúc sư tạo hình ảnh như những con thuyền. Kiểu kiến trúc này mang dấu ấn địa phương nhất” - ông Khiết nói.
Khắc Giới