Ngày 26-12, hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của ngành nông nghiệp với sự tham gia của 63 điểm cầu trong cả nước.
Đồng Nai thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Khu sản xuất rau công nghệ cao của Tập đoàn Vingroup tại huyện Long Thành. Ảnh: T.L |
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chưa bao giờ trong 10 năm qua, thiên tai lại dồn dập như năm nay, gây thiệt hại 1,7 tỷ USD. Ngay từ bây giờ phải quan tâm lo tết cho dân vùng thiên tai, tổ chức lại sản xuất để vụ đông - xuân không bị ảnh hưởng.
* Thách thức do thiên tai
Trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm gần 0,2% do thiên tai, thời tiết, sự cố môi trường biển... Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, năm 2016 trên 1 triệu hécta lúa, hoa màu các loại bị thiệt hại bởi thiên tai. Sản lượng lúa giảm 1 triệu tấn do giảm diện tích và năng suất. Cây bắp giảm 130 ngàn tấn. Giá trị sản lượng ngành trồng trọt giảm 0,9% so với năm 2015.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá nhiều địa phương thực hiện rất tốt việc tái cơ cấu nông nghiệp; đáng biểu dương là quan tâm phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao. Những thể chế nào, chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông thôn phát triển sẽ bị bãi bỏ ngay. Về chiến lược phát triển phải xây dựng một nền nông nghiệp thông minh không chỉ ứng dụng công nghệ mà chuyển đổi sang mô hình có giá trị cao; vừa nghe “hơi thở” của nông dân, doanh nghiệp vừa nghiên cứu xu hướng của thời đại để tiếp tục tổ chức sản xuất phù hợp với thực tế. |
Bạc Liêu là một trong những địa phương bị tác động mạnh do biến đổi khí hậu. Theo ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đến nay đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn mưa, đỉnh lũ vẫn còn cao, đặc biệt là ở các tỉnh cuối nguồn. Mưa nhiều, kết thúc muộn nhưng các hệ thống sông chính mực nước xuống nhanh, độ nhiễm mặn nhanh. Tích nước thủy điện cũng thay đổi, làm thay đổi dòng chảy và quy luật dòng chảy của những nhánh sông lớn. “Chúng tôi phải tập trung quyết liệt những giải pháp về thay đổi mùa vụ, chuyển đổi những vùng lúa giá trị thấp sang nuôi tôm...” - ông Trung nói.
Cũng là tỉnh bị thiên tai nhiều, Bình Định hiện vẫn đang phải khắc phục hậu quả đợt lũ lụt vừa xảy ra gây thiệt hại lớn về người, về của... Ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Năm qua, tỉnh xuất hiện nhiều dạng thiên tai. Đợt lũ đầu năm, tỉnh bị mất lúa giống trên 7 ngàn hécta và phải sửa chữa lại hệ thống kênh mương. Giữa năm, cũng chừng đó diện tích bị hạn hán, hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt...”.
* Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Chính áp lực lớn từ biến đổi khí hậu khiến các tỉnh, thành bị thiệt hại nặng do thiên tai lại có những thành quả đáng ghi nhận trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp hơn với thực tế sản xuất. Tuy liên tục bị thiên tai nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bình Định vẫn tăng trưởng do chuyển đổi hơn 5 ngàn hécta đất lúa sang các cây trồng cạn khác và tập trung phát triển về chăn nuôi với việc ưu tiên đầu tư cho kinh tế trang trại phát triển. Tỉnh cũng thu hút được nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao và đã quy hoạch và đầu tư hạ tầng cho 2 khu nông nghiệp công nghệ cao.
Rau được đóng gói để đưa ra thị trường |
Lâm Đồng đang tiếp tục phát triển giai đoạn 2 của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó các huyện: Đức Trọng, Đơn Dương đạt 70% diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hoa, rau, củ mang lại lợi nhuận cao.
TP.Hồ Chí Minh cũng đang tập trung chuyển đổi sang các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, nhiều mô hình mới được nhân rộng, như: trồng hoa lan; nuôi bò sữa, cá cảnh... Có những mô hình sản xuất đạt doanh thu từ 3-5 tỷ đồng/hécta. Đây cũng là địa phương thực hiện rất quyết liệt trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm với việc hình thành hàng loạt chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm cho các sản phẩm heo, bò, gà. Thành phố đã ký kết với 20 tỉnh, thành trong việc thiết lập các chuỗi sản phẩm rau, củ, quả an toàn.
Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhận định: “Sản xuất an toàn đã thu hút hàng triệu hộ nông dân tham gia. Ở đây rất cần vai trò của hợp tác xã và doanh nghiệp, vì thiếu 2 nhân tố này thì không thể thực hiện được việc tái cơ cấu nông nghiệp. Tôi đề nghị từng địa phương kết hợp với Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phải xác định sản phẩm chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia để tập trung đầu tư vốn, thị trường để tạo ra sản lượng lớn, đạt chất lượng xuất khẩu”.
Bình Nguyên