Kinh tế

Phải sớm triển khai đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Bộ Giao thông - vận tải vừa có chuyến làm việc với UBND tỉnh nhằm lên kế hoạch cho việc triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây. Dự án này đến nay đã có đúng 10 năm chuẩn bị.

 

Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra điểm xây dựng nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 vào ngày 9-3-2018.
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông (thứ 3 từ trái qua) kiểm tra điểm xây dựng nút giao đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với quốc lộ 1 vào ngày 9-3-2018.

Tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nằm trong đoạn ưu tiên xây dựng thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2017.

* Vốn đã sẵn sàng

Trong chuyến đi thực địa kiểm tra các nút giao của dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết đây là dự án ưu tiên bởi đã được nghiên cứu kỹ và tính khả thi rất cao. Dự kiến đầu tháng 5-2018, dự án này sẽ được phê duyệt và nguồn vốn bố trí cho dự án đã sẵn sàng. Theo tính toán của Bộ Giao thông - vận tải, để kịp tiến độ giải ngân nguồn vốn thì đầu năm 2019 phải triển khai cho được việc giải phóng mặt bằng. 

Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được Bộ Giao thông - vận tải quyết tâm thực hiện triển khai xây dựng vào năm 2020, vì vậy mốc tiến độ hết sức quan trọng. Lãnh đạo Bộ Giao thông - vận tải cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long xây dựng kế hoạch tổng thể về thời gian thực hiện và cung cấp cho UBND tỉnh Đồng Nai để theo dõi phối hợp hỗ trợ.

Điều quan ngại nhất của Ban Quản lý dự án Thăng Long (thuộc Bộ Giao thông - vận tải, đơn vị quản lý dự án này) là việc trong một thời gian ngắn phải thực hiện lại nhiều thủ tục hồ sơ do có những thay đổi so với trước đây. Cụ thể, dự án đã được triển khai từ năm 2008, đến năm 2014 mới xác định xong hướng, tuyến và hoàn thành việc cắm mốc để giải phóng mặt bằng với quy mô dự án là 4 làn xe với tổng chiều dài 101km (98km đường chính). Đầu tuyến đường cao tốc nằm tại huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), điểm cuối giao với đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Về công tác chuẩn bị, các địa phương cũng đã cơ bản hoàn thành hồ sơ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cuối năm 2017 Quốc hội có quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, trong đó có đoạn Phan Thiết - Dầu Giây theo quy mô 6 làn xe.  Như vậy, dự án phải điều chỉnh diện tích thu hồi đất để đảm bảo mặt bằng cho 6 làn xe như yêu cầu của Quốc hội.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, để kịp tiến độ, Ban Quản lý dự án Thăng Long phải phối hợp với đơn vị tư vấn và các huyện, thị xã của tỉnh thực hiện xong hồ sơ trong đầu tháng 5 tới. Bởi dự án điều chỉnh sẽ phải trình HĐND tỉnh vào kỳ họp sắp tới về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. “Nếu không trình kịp HĐND trong kỳ họp tới thì nguồn vốn có được cấp về cũng đành ngồi chờ, không thể triển khai thực hiện đền bù vào năm 2019 được” - ông Trần Văn Vĩnh nhấn mạnh.

* Xác định kỹ hầm chui, đường gom

Đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết ngay trong tháng 3-2018 đơn vị sẽ cùng đơn vị tư vấn và các huyện có dự án đi qua tiến hành rà soát hồ sơ và điều chỉnh lại cọc mốc giải phóng mặt bằng. Liên quan đến công tác bồi thường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Nguyễn Đồng Thanh cho rằng tổng kinh phí bồi thường sẽ không còn nằm ở mức hơn 861 tỷ đồng như dự kiến trước đây nữa, do một phần điều chỉnh diện tích đất tăng và giá đất bồi thường vào năm 2019 sẽ khác.

Một vấn đề khác của dự án cũng được UBND tỉnh và Bộ Giao thông - vận tải đánh giá hết sức quan trọng, đó là xác định lại toàn bộ các điểm xây cầu vượt, cống chui và đường gom dân sinh. Về việc này, lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu khi xây dựng các cống chui phải bố trí thuận tiện cho dân đi lại, đặc biệt thiết kế đủ cao và rộng cho ô tô tải qua lại được. Bởi hầu hết các địa phương có dự án đi qua đều sản xuất nông nghiệp, việc ô tô vận chuyển nông sản là thường xuyên. Về đường gom dân sinh, tuy không xây dựng quá lớn nhưng cũng phải đảm bảo cho người dân 2 bên lưu thông tốt. Vấn đề này cũng được Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải nhất trí cao. Theo đó, việc rà soát và tính toán kỹ hệ thống cầu vượt, cống chui, đường gom dân sinh sau này sẽ đỡ phát sinh, bởi đường cao tốc khi đi vào vận hành không dễ dàng để xây dựng thêm các hạng mục này.

Khắc Giới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,998,794       5/1,701