Kinh tế

Dự án "ma" nở rộ

Lợi dụng cơn "sốt" đất tại Đồng Nai, 2 năm gần đây, một số doanh nghiệp (DN) đã tự "vẽ" quy hoạch, rao bán những khu dân cư không có thật để "bẫy" người mua. Tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, một số dự án khu dân cư chưa đủ thủ tục pháp lý cũng đã rao bán đất nền bằng hình thức góp vốn.

Lợi dụng cơn “sốt” đất tại Đồng Nai, 2 năm gần đây, một số doanh nghiệp (DN) đã tự “vẽ” quy hoạch, rao bán những khu dân cư không có thật để “bẫy” người mua. Tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, một số dự án khu dân cư chưa đủ thủ tục pháp lý cũng đã rao bán đất nền bằng hình thức góp vốn.

Bài 1: Lộ diện nhiều dự án “ma”

Trên địa bàn tỉnh hiện có những DN tự “vẽ” quy hoạch dự án và quảng cáo qua mạng xã hội, qua các website để “dụ”: người mua. Nhiều người tin vào quảng cáo đã bỏ ra từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng để mua đất nền ở nhiều dự án “ma” tại TP.Biên Hòa, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom...

Dự án Khu đô thị Tam Phước của Công ty cổ phần bất động sản An Gia Lập Nghiệp ở phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) chỉ là khu đất nông nghiệp chưa được cấp phép dự án
Dự án Khu đô thị Tam Phước của Công ty cổ phần bất động sản An Gia Lập Nghiệp ở phường Tam Phước (TP.Biên Hòa) chỉ là khu đất nông nghiệp chưa được cấp phép dự án

Gần đây, nhiều DN bất động sản đã tự mua đất nông nghiệp (diện tích từ 0,5-1 hécta trở lên), sau đó tự công bố dự án với những tiện ích hấp dẫn để “lừa” người mua. Không ít người dân dễ tin đã bỏ tiền ra đầu tư khi chưa tìm hiểu rõ thủ tục pháp lý của dự án, đến khi phát hiện ra thì đã muộn.

* Công khai rao bán dự án “ma”

Thời gian qua, đình đám nhất là việc Công ty cổ phần bất động sản Alibaba (TP.Hồ Chí Minh) rao bán 29 dự án “ma” tại Đồng Nai. Trong đó, có 27 dự án ở huyện Long Thành, 1 dự án ở huyện Xuân Lộc và 1 dự án ở huyện Nhơn Trạch. Chính quyền địa phương đã vào cuộc bằng cách liên tục thông báo rằng Alibaba không được cấp phép bất kỳ dự án nào trên địa bàn. Các khu đất do Alibaba quảng bá đang làm dự án chỉ là đất nông nghiệp do cá nhân, hộ gia đình đứng tên.

Theo Công an tỉnh, trước khi thực hiện quy hoạch, dự án “ma”, các DN này đều đã tìm hiểu pháp luật rất kỹ, tìm ra các khe hở để làm ăn sai trái nhưng vẫn tránh được pháp luật xử lý. Đằng sau một số công ty trên còn có một dàn luật sư giỏi tư vấn.

Ngoài ra, trong tháng 5-2019, Công ty TNHH bất động sản tư vấn và đầu tư Đức Tâm Land (địa chỉ tại 1262/8 Phạm Thế Hiển, phường 5, quận 8, TP.Hồ Chí Minh) đã bắt tay với Công ty TNHH Thiện Minh rao bán đất nền “ma” tại phường Bửu Hòa. DN này quảng bá, dự án sẽ có đường nối từ cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K đi qua nên nhiều người dân đã mua đất với giá 12-13 triệu đồng/m2.

Bà Lê Kim Ngọc, Phó chủ tịch UBND phường Bửu Hòa cho biết: “Địa điểm Công ty TNHH bất động sản tư vấn và đầu tư Đức Tâm Land rao bán đất nền là đất công có diện tích gần 1 hécta. Khu đất trên được UBND tỉnh giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý và  đang cho Công ty TNHH Thiện Minh (ở TP.Long Khánh) thuê làm du lịch sinh thái”.

Một vụ việc khác là từ cuối năm 2018 đến nay, Công ty cổ phần bất động sản An Gia Lập Nghiệp (TP.Hồ Chí Minh) rao bán đất nền dự án Khu đô thị Tam Phước (TP.Biên Hòa), nhưng đây chỉ là khu đất nông nghiệp. DN tự thiết kế quy hoạch thành một khu dân cư, thương mại sầm uất để kêu gọi người mua. Nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đã bỏ tiền ra mua với giá từ 550-700 triệu đồng/nền.

Theo ông Võ Cao Cường, Chủ tịch UBND phường Tam Phước, dự án Khu đô thị Tam Phước do Công ty cổ phần bất động sản An Gia Lập Nghiệp đang rao bán là đất nông nghiệp, trước đây bà Đoàn Thị Nhan và ông Lê Ngọc Thêm mua chung, tự phân lô bán nền. Trên 100 hộ đã mua và xây dựng nhà ở, chủ đất sau khi bán xong đã bỏ đi. Công ty cổ phần bất động sản An Gia Lập Nghiệp mua lại khoảng 180 nền, sau đó rao bán. “UBND phường đã buộc DN tháo dỡ biển quảng cáo quanh khu đất và thông báo cho người dân biết khu đất trên không phải dự án khu dân cư. Tuy nhiên, DN này vẫn quảng cáo qua mạng và bán đất tự phân lô” - ông Cường cho biết.

* “Điểm tên” nhiều doanh nghiệp vi phạm

Trong 2 năm qua, Công an tỉnh đã điều tra làm rõ những vi phạm trong rao bán đất các dự án khu dân cư tại các công ty bất động sản như: Công ty cổ phần đầu tư Việt Hưng Phát, Công ty cổ phần địa ốc Kim Phát, Công ty cổ phần địa ốc Tia Chớp...

Trong đó, nổi lên vụ Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ bất động sản Hùng Cường (TP.Hồ Chí Minh) đã làm quy hoạch “ma” ở ấp 2, xã An Phước  (huyện Long Thành) rồi phân lô, bán nền. Vụ việc này đã bị UBND huyện Long Thành xử phạt hành chính và yêu cầu Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ bất động sản Hùng Cường khôi phục hiện trạng như ban đầu, nhưng công ty này vẫn tiếp tục kéo điện, làm đường, vỉa hè và rao bán cho khách hàng.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần kinh doanh địa ốc Nam Phát (TP.Biên Hòa) rao  bán dự án khu dân cư với khoảng 100 lô đất tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu) với giá 200-550 triệu đồng/nền. Số nền đất tại dự án “ảo” đã được người dân mua gần hết. Quá thời hạn nhiều ngày chủ đầu tư không hoàn thành hạ tầng và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như đã hứa, nhiều người dân đến chính quyền xã, huyện tìm hiểu mới phát hiện đây chỉ là khu đất nông nghiệp không được cấp phép dự án. Vụ việc này đã được UBND huyện Vĩnh Cửu chuyển qua công an làm rõ vì có dấu hiệu lừa đảo.

Tại các xã Thiện Tân, Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) cũng xảy ra nhiều vụ tự “vẽ” quy hoạch khu dân cư, làm đường và rao bán đất nền.

* “Dụ” người mua bằng lợi nhuận, lãi suất

Những năm gần đây, đất đai ở Đồng Nai “nóng” lên vì có nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật được triển khai như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa Vũng Tàu, hương lộ 10...

Thực tế, nhiều người đầu tư đất nền, mua đi bán lại cũng kiếm được khoản lời kha khá. Nắm được điều này, một số công ty bất động sản, cá nhân mua lại một khu đất sau đó tự “vẽ” quy hoạch và thuê  hàng trăm nhân viên quảng cáo rao bán qua mạng, phát tờ rơi...

Khi có người liên hệ tìm hiểu dự án, nhân viên tư vấn đã đưa ra những viễn cảnh về khu đô thị sầm uất trong tương lai để “lòe” họ và đưa khách đi thăm khu đất sẽ làm dự án. Để người mua tin tưởng, DN đổ đá, làm một vài con đường như đang thi công dự án. Trong những đợt đi như vậy, các công ty thường cử thêm 2-3 người giả làm khách hàng cùng đi coi đất và thường rỉ tai nhau về những món hời vài chục đến vài trăm triệu đồng sau khi đặt cọc mua đất nền dự án của công ty chỉ trong thời gian 1-3 tháng. Với chiêu này, không ít khách hàng ngay chuyến đi xem đất đã móc tiền đặt cọc để mua.

Ông Nguyễn Văn Th. (ở phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) nói: “Cuối năm 2018, tin lời của nhân viên tư vấn, tôi đã mua 2 lô đất dự án Khu đô thị Tam Phước của Công ty cổ phần bất động sản An Gia Lập Nghiệp với giá 1,2 tỷ đồng. Khi mua công ty hứa sau 3-4 tháng sẽ có sổ hồng, nhưng đợi đến cuối tháng 6-2019 không có, tôi đến UBND phường Tam Phước hỏi mới biết khu đất này không làm được giấy tờ nên đành chịu vì tiền đã giao 90%”.

Bên cạnh đó, có những công ty bất động sản bán dự án “ma” còn đưa ra chính sách là mua đất nền sau 3 tháng chưa có sổ đỏ sẽ trả lãi suất 12-15%, sau 6 tháng là 20-25%, sau 1 năm lời 30-35%. Với mánh khóe này, Công ty cổ phần bất động sản Alibaba đã rao bán 29 dự án “ảo” ở Đồng Nai.

Ông Nguyễn Thanh H. (phường Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi bỏ ra 500 triệu đồng mua lô đất của Alibaba tại dự án ở Long Thành, sau 6 tháng công ty này chưa có đất, sổ đỏ giao cho tôi nên họ đã bồi thường hơn 100 triệu đồng. Thấy lợi nhuận cao, tôi đầu tư tiếp 1 tỷ đồng mua thêm 2 nền, trong 3 tháng đầu chưa có sổ họ trả lãi suất đủ, nhưng sau đó kéo dài 10 tháng mà chỉ thanh toán 6 tháng. Thấy báo đưa tin Alibaba bán dự án “ma” và có dấu hiệu huy động vốn đa cấp nên tôi đã vội rút vốn ra đầu tư lĩnh vực khác”. Thế nhưng, trường hợp tỉnh táo để rút ra sớm như ông H. không quá phổ biến. Nhiều người vì “ham” lợi nhuận cao khi mua đất không cần xem đất nền có thật hay không mà chỉ đợi tới hạn nhận lãi suất.

Ngoài tổ chức quảng cáo, tư vấn, tiếp thị gian dối, các DN bán dự án đất nền “ma” đã tìm cách lách luật bằng các loại hợp đồng mập mờ về pháp lý như: hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng bất động sản...

Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, những hợp đồng mua bán đất như trên khi xảy ra bất trắc, người mua luôn chịu thiệt. Vì là hợp đồng góp vốn nên khi dự án thất bại người góp vốn phải chịu, nếu kiện ra tòa thì chỉ giải quyết dân sự.

Uyển Nhi

Bài 2: Lén lút bán đất nền chưa đủ pháp lý

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,123,819       21/852