Xã hội

Người tốt quanh ta

Trong nhịp đời tất bật với nhiều lo toan cho cuộc sống, vẫn có những con người sống chậm, biết quan tâm, chia sẻ khó khăn với cộng đồng.

Bà Mai Thanh Thúy, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tân Phú (bìa phải), cùng thành viên trong tổ thiện nguyện trao quà cho người nghèo.
Bà Mai Thanh Thúy, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tân Phú (bìa phải), cùng thành viên trong tổ thiện nguyện trao quà cho người nghèo.

Mỗi tấm gương sáng luôn sát cánh và trở thành chỗ dựa cho từng mảnh đời kém may mắn với những hành động đẹp xuất hiện ở khắp nơi, trong mọi môi trường làm việc, sinh sống từ công sở đến ruộng đồng; từ thành thị đến tận nông thôn...

Từ cán bộ, đảng viên...

Để kịp thời động viên những gương người tốt, việc tốt, ngày 18-11 tại hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tổ chức lễ tuyên dương khen thưởng 144 tấm gương người tốt, việc tốt của tỉnh trong năm 2016.

Vừa cùng các thành viên trong tổ thiện nguyện phân chia gạo ra từng bao nhỏ với trọng lượng 10kg/bao chuẩn bị trao tặng cho người nghèo, bà Mai Thanh Thúy, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Tân Phú, cho hay: “Từ năm 2009 đến nay, tôi cùng 30 thành viên khác là cán bộ, công chức, viên chức trong nhiều cơ quan, đơn vị tại huyện đã họp nhau lại để đóng góp giúp đỡ người nghèo ở địa phương”.

Mỗi quý một lần, bà Mai Thanh Thúy đứng ra tiếp nhận số tiền đóng góp của mọi người, sau đó mua sắm nhu yếu phẩm hoặc hỗ trợ tiền mặt cho người có hoàn cảnh khó khăn để chữa bệnh, xây, sửa chữa nhà. Chạc Hồng Tú (21 tuổi, ngụ KP.6, thị trấn Tân Phú, huyện Tân Phú), một trường hợp được bà Mai Thanh Thúy cùng các thành viên trong tổ thiện nguyện hỗ trợ, cho hay bản thân Tú bị bệnh ung thư, gia đình lại nghèo nên việc chữa bệnh gặp không ít khó khăn. Vậy là bà Mai Thanh Thúy cùng các thành viên trong tổ thiện nguyện đã vận động để trao cho trường hợp này hơn 6 triệu đồng cùng nhiều phần quà khác.

Cũng có việc làm tương tự như bà Mai Thanh Thúy là ông Đinh Tấn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu). Bên cạnh việc chỉ đạo, trực tiếp tham gia tổ chức các đoàn vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng nông thôn mới với số tiền hàng trăm triệu đồng để thực hiện đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa ấp, ông Đinh Tấn Hải còn tự mình vận động từ nhiều nguồn để trợ cấp thường xuyên cho 4 hộ nghèo với số tiền 100 ngàn đồng/tháng và duy trì hỗ trợ gạo và tiền mặt hàng tháng cho 18 trường hợp khó khăn khác.

Riêng với ông Nguyễn Đình Dũng, Trưởng trạm y tế xã Bàu Cạn (huyện Long Thành), việc tốt được ông thực hiện đúng với chức trách mà xã hội đã giao phó: lương y như từ mẫu. Ngoài thực hiện tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cùng đề phòng những bệnh theo mùa khác, tận tình cứu chữa theo khả năng của bản thân, ông Nguyễn Đình Dũng còn chủ động liên hệ với nhiều phòng khám để tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 247 người nghèo, gia đình chính sách ở địa phương. Khi trong xã có trường hợp nào bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên nhưng không tiền, ông Dũng đều tìm đến để thăm khám, tư vấn và hỗ trợ chi phí điều trị cho người không may.

Tại TX.Long Khánh có ông Đào Giang Khánh, cán bộ văn hóa thông tin phường Xuân Trung, một tấm gương sáng với 41 lần hiến máu tình nguyện. Lần đầu người cán bộ văn hóa thông tin cơ sở này tham gia hiến máu tình nguyện là vào năm 2003 khi đang còn là một sinh viên, từ đó đến nay, mỗi năm ông Khánh đều tham gia hiến máu từ 3-4 lần. Không chỉ hiến máu theo đợt, ông Đào Giang Khánh còn liên hệ với Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh và Hội Chữ thập đỏ thị xã gia nhập vào ngân hàng máu sống. “Với tôi mỗi giọt máu mình cho đi sẽ góp phần cứu một cuộc đời nào đó tiếp tục sống. Vậy nên ngoài bản thân mình, tôi còn trực tiếp vận động người thân, hàng xóm cùng hiến máu cứu người” - ông Đào Giang Khánh nói.

...đến quần chúng nhân dân

Bên cạnh những việc làm tốt vì cộng đồng của cán bộ, đảng viên thì những người nông dân, tiểu thương trong tỉnh cũng đang ngày ngày góp sức không nhỏ vào thực hiện an sinh xã hội thông qua những hoạt động đóng góp giúp đỡ người khó khăn sớm ổn định cuộc sống.

Trong đó, có ông Lê Quang Hưởng (66 tuổi, ngụ ấp Phú Hợp B, xã Phú Bình, huyện Tân Phú) đã tự mình bỏ ra 250 triệu đồng làm hệ thống mương dẫn nước từ sông La Ngà về khu ruộng của ấp giúp bà con tăng vụ kiếm thêm thu nhập. Nhờ có hệ thống mương dẫn nước từ sông La Ngà về đến ruộng do ông Hưởng xây mà hơn 51 hécta ruộng lúa tại ấp Phú Hợp B ban đầu chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm và phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa, thì nay đã làm được 3 vụ/năm. Ngoài ra, với những hộ nông dân quá khó khăn, ông Hưởng còn hỗ trợ tiền cày ruộng, tiền thuê máy gặt đập, sau khi thu hoạch chỉ cần hoàn vốn chứ ông không hề lấy lãi. 

Không thực hiện công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cho bà con như ông Lê Quang Hưởng, song bà Trần Thị Diễm Châu (nông dân ngụ ấp 4, xã Tam An, huyện Long Thành) đã có những hoạt động từ thiện nhằm hỗ trợ trực tiếp về nơi ăn chốn ở cho người nghèo. Được biết, bản thân bà Châu và gia đình đã ủng hộ 240 triệu đồng xây 6 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà chữ thập đỏ cho người nghèo, đồng thời tặng 5 chiếc xe lăn cho người già tàn tật tại xã.

Còn ở xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ có bà Nguyễn Thị Minh Sang là một nông dân - tiểu thương được biết đến với nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo. Hàng tháng, từ thu nhập buôn bán, làm nông, bà Sang đều dành ra 10 triệu đồng để hỗ trợ thường xuyên cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị bệnh tật trên địa bàn xã. Bà cũng là người hỗ trợ cho Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền hệ thống lọc nước, đảm bảo nguồn nước sạch cho các học sinh trị giá hàng chục triệu đồng.

Riêng với bà Nguyễn Thị Tuyết (ngụ ấp 2A, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc) tuy điều kiện gia đình không khá giả và phải lao động cật lực để đảm bảo cuộc sống, song bà rất chăm làm từ thiện. Để giúp được người khó, bà Tuyết đã vận động bạn bè, người thân ủng hộ 7 căn nhà tình thương, trị giá 35 triệu đồng/căn  để giúp đỡ cho những hộ nghèo khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, bà Tuyết còn chủ động sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình để trao tặng 174 phần quà cho người nghèo trong xã với trị giá gần 35 triệu đồng.

“Tôi giúp người theo điều kiện của bản thân. Khi thấy khả năng của mình không đủ, tôi tiếp tục làm cầu nối để người có đến với người khó. Tôi rất vui vì làm được điều có ích cho cộng đồng” - bà Tuyết chia sẻ.

Sông Thao

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,486,382       7/892