Xã hội

Còn lơ là với bệnh đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường là bệnh không mới, đã được truyền thông nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn còn nhiều người chủ quan không đi khám phát hiện bệnh sớm hoặc không tuân thủ điều trị dẫn đến hậu quả phải mang nhiều biến chứng nặng nề.

Bác sĩ Thạch Phi Rộm, Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám vết thương hoại tử ở chân cho một bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ Thạch Phi Rộm, Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám vết thương hoại tử ở chân cho một bệnh nhân bị bệnh đái tháo đường.

Bác sĩ Thạch Phi Rộm, Khoa Nội tiết Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay bệnh đái tháo đường là một trong những căn bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Ngày càng có nhiều người chủ động đi khám sàng lọc bệnh đái tháo đường, nhưng cũng còn không ít người lơ là với bệnh.

* Phát hiện bệnh trễ

Cách phòng ngừa bệnh đái tháo đường

Để phòng ngừa bệnh đái tháo đường cần tăng cường vận động, trung bình mỗi ngày nên tập thể dục 30 phút, duy trì 5 ngày trong tuần. Trong chế độ ăn uống chú ý giảm tinh bột, giảm dầu mỡ, hạn chế uống rượu bia, ăn nhiều rau xanh, trái cây, chất xơ. Riêng những người đã phát hiện ra bệnh đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết, khám bệnh định kỳ, thường xuyên tập thể dục, ăn giảm tinh bột.

Ông Đỗ Văn Chiến, ngụ tại xã Bình An (huyện Long Thành) nhập viện tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng ngón cái bàn chân phải bị thâm đen, hoại tử và các ngón chân khác cũng bị tê, có ngón mất cảm giác. Nguyên nhân là lúc ở nhà, ông thấy chân hay bị tê, ngón chân cái bị sưng nên ông lấy dao lam rạch máu bầm ra. Từ đó, vết thương ở ngón chân không lành, thâm đen, mủ hôi nên ông đến bệnh viện khám chân thì mới biết bị bệnh đái tháo đường.

Cũng theo bác sĩ Thạch Phi Rộm, nhiều bệnh nhân nhập viện sau một thời gian có các triệu chứng ăn nhiều, tiểu nhiều, sút cân, thèm ngọt. Nếu xuất hiện triệu chứng này có nghĩa là bệnh nhân đã bị bệnh đái tháo đường đã lâu nhưng không được phát hiện. Do đó, nhiều người nhập viện trong tình trạng có biến chứng nặng, như: vết thương ở chân bị nhiễm trùng nặng, mờ mắt, suy thận, hôn mê, trong đó không ít trường hợp phải cắt bỏ chân do vết thương hoại tử nhiều; thậm chí có trường hợp đường huyết lên cao đột ngột, nếu không cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.

Cụ thể, như ông Hoàng Xuân Lý (70 tuổi, ngụ tại xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) đột ngột yếu liệt tay chân, tiêu tiểu nhiều, không tự chủ được, nói ngọng. Ông Lý được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai trong tình trạng tri giác không tỉnh táo, miệng khô, da khô do mất nhiều nước. Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện ra ông bị bệnh đái tháo đường gây ra biến chứng cấp tính tăng đường huyết nguy hiểm, xuất hiện các thể ceton trong máu do thiếu insulin trầm trọng, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong. Hiện tại, ông Lý đã tỉnh táo, vận động được. Ông Lý cho biết ông có tiền sử huyết áp cao, một trong những nguy cơ của bệnh đái thái đường nhưng không đi khám định kỳ.

* Không tuân thủ điều trị

Bác sĩ Trịnh Thanh Minh, Trưởng khoa nội tiết Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho hay bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm làm tăng nguy cơ về bệnh tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ, bệnh lý bàn chân, suy thận mạn phải lọc máu thường xuyên cùng với nhiều rủi ro khác. Tuy nhiên, có một thực trạng trong điều trị bệnh đái tháo đường, đó là bệnh nhân ở vùng đô thị thường phát hiện bệnh sớm, tuân thủ điều trị đầy đủ, kiểm soát lượng đường trong máu tốt nên biến chứng xảy ra chậm. Riêng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc phát hiện bệnh rất trễ, lại không tuân thủ điều trị dẫn đến biến chứng xảy ra nhanh và rất nặng.

Những người có nguy cơ cao

Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường là: béo phì, ít vận động; có những thói quen không lành mạnh, như: uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá; tiền sử gia đình có bệnh đái tháo đường; cao huyết áp, cholesterol cao, các bệnh tim mạch... cần đi tầm soát định kỳ để sớm phát hiện ra bệnh.

Như trường hợp bà Nguyễn Thị Hồng Liên (58 tuổi, ở xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) bị bệnh đái tháo đường 6 năm nay nhưng không có điều kiện đi khám bệnh định kỳ. Ai chỉ ở đâu có chữa bệnh miễn phí thì bà đến chữa, thậm chí có khi uống cả cây cỏ để hạ đường huyết. Do đó, bà thường xuyên bị hôn mê do hạ đường huyết, người yếu liệt hơn 2 năm nay, mọi hoạt động phải trông cậy vào người thân. Hơn 3 tuần nay, bà phải nằm điều trị vết thương lâu lành tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.Hồ Chí Minh, sau đó được chuyển về Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, tốn kém rất nhiều chi phí.

Theo bác sĩ Trịnh Thanh Minh, bằng cách khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm; kiểm soát tốt đường huyết, điều trị tích cực các bệnh lý kèm theo, như: tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu; tuân thủ chế độ ăn uống và điều trị kịp thời biến chứng, bệnh nhân có thể ngăn ngừa và cải thiện hiệu quả biến chứng để chung sống hòa bình với căn bệnh này. Trong điều trị bệnh đái tháo đường, hơn 8 năm qua Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã triển khai mô hình câu lạc bộ đái tháo đường hoạt động mỗi tháng một lần. Ngoài điều trị bằng thuốc, bác sĩ còn dành thời gian tư vấn về chế độ ăn uống, vận động, cách phòng ngừa biến chứng nguy hiểm cho từng bệnh nhân giúp bệnh nhân hạn chế thời gian đi lại, chờ đợi, nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân đái tháo đường.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,557,176       4/1,015