Xã hội

Nhiều sáng tạo ứng dụng trong cuộc sống

Hội thi khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 được Sở GD-ĐT tổ chức từ ngày 7 đến 9-12 tại Trường cao đẳng công nghệ và quản trị Sonadezi.

Có tất cả 69 dự án thuộc 18 lĩnh vực của 29 đơn vị được vào chung kết cuộc thi.

2 học sinh Bùi Xuân Phong và Cao Quốc Bảo (Trường quốc tế IPS Đồng Nai) biểu diễn robot quét rác. Ảnh: C.NGHĨA
2 học sinh Bùi Xuân Phong và Cao Quốc Bảo (Trường quốc tế IPS Đồng Nai) biểu diễn robot quét rác. Ảnh: C.NGHĨA

* Nhiều công nghệ hữu ích

2 học sinh Nguyễn Tiến Đạt và Trần Nguyễn Đức Thống,  lớp 9/1 Trường THCS Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ) mang đến hội thi dự án máy gom trái điều khá ấn tượng. Trong vòng 1 giờ, máy có thể gom 200kg trái điều, năng suất gấp 4 lần so với nhặt bằng tay. Máy hoạt động rất đơn giản, đó là một lồng sắt tròn dài 1m, bề mặt lồng sắt được gắn các cây đinh, 2 đầu lồng sắt được gắn với 2 bánh xe đạp. Khi bánh xe lăn, các cây đinh sẽ cắm vào trái điều dưới đất và rơi xuống rổ nhờ các thanh gạt. Chiếc máy của Thống và Đạt chế tạo ra có giá thành chưa tới 1 triệu đồng và chỉ nhẹ 23 kg.

Còn Nguyễn Đình Minh Dương và Ngô Xuân Hải, học sinh lớp 12A4 Trường THPT Thống Nhất  B (huyện Thống Nhất), giới thiệu dự án chiếc xe đạp thông minh vừa có thể phát điện, vừa có thể bơm nước. Dương cho biết khi đạp xe, bánh xe làm mô tơ quay và phát ra điện, đồng thời làm quay đầu bơm hút và xả nước được gắn ở dưới. Máy có thể áp dụng cho nông dân phát điện và bơm nước ngoài đồng ruộng. “Nông dân sẽ không phải khom lưng tát nước thủ công, mà chỉ cần ngồi lên xe và đạp, lại có cơ hội rèn luyện sức khỏe dẻo dai” - Ngô Xuân Hải giới thiệu thêm về dự án.

Trong khi đó, Hoàng Quang Bông (dân tộc Nùng) và Ma Thế Tài (dân tộc Tày), học sinh lớp 10 Trường THCS-THPT dân tộc nội trú Điểu Xiểng (huyện Xuân Lộc), dự thi với dự án máy bóc trứng cút luộc. Ma Thế Tài cho biết: “Ở trường em hay được các cô nấu cho ăn món trứng cút kho thịt, nhưng nhìn các cô vất vả bóc vỏ từng quả trứng mất nhiều thời gian, lại dễ bị đau lưng nên em và bạn đã nghĩ ra chiếc máy bóc vỏ này”. Trứng cút luộc để nguội, sau đó cho từ 4-5 quả vào khe giữa của 2 con lăn, vỏ trứng sẽ được tách ra rất đều mà không bị bể nát.

* Đầu tư chiều sâu

Nhóm học sinh Nguyễn Thụ Hồng Ân và Lai Hoàng Thanh Thảo, lớp 12A1 Trường THPT Ngô Quyền
(TP.Biên Hòa) được chú ý nhiều khi giới thiệu dự án bãi giữ xe thông minh. Khi cần vào bãi lấy xe, người gửi chỉ cần quét thẻ từ lên thiết bị, vị trí đậu xe sẽ hiện trên màn hình, rất thuận tiện. Còn với công nghệ cảm biến, Trần Bảo Trâm, học sinh lớp 9/5 Trường THCS Long Thành (huyện Long Thành), thực hiện dự án thiết bị nhắc nhở giữ vệ sinh trong nhà vệ sinh công cộng. Khi có người vào, thiết bị cảm biến lập tức phát ra lời nhắc nhở người dùng xả nước bồn cầu, giữ nhà vệ sinh sạch sẽ.

Một số trường có tới 2 - 3 dự án được vào tới chung kết. Nhiều dự án đã thể hiện sự sáng tạo trong công nghệ điều khiển tự động. Điển hình, dự án robot gom rác tự động của nhóm học sinh Bùi Xuân Phong và Cao Quốc Bảo của Trường quốc tế IPS Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Robot được thiết kế khá hoàn hảo, dùng công nghệ điều khiển từ xa, rác được chổi quét vào băng tải để chuyển vào thùng chứa, đặc biệt robot khá linh hoạt khi sử dụng bánh xe đa hướng.

Cuộc thi còn có nhiều dự án mang tính nghiên cứu về  học đường, như nhóm học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) thể hiện sự quan tâm nghiên cứu tới một vấn đề khá “nóng” hiện nay, đó là bạo lực học đường. Nhóm tác giả không chỉ dừng lại ở phát hiện vấn đề, mà còn tìm hiểu để làm rõ nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề. Có thí sinh đã đầu tư suốt 3 tháng liền cho một vấn đề có tính thời sự, đó là nghiên cứu về mức độ nhận thức của học sinh TP.Biên Hòa về vấn đề chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Công Nghĩa



Theo Ban tổ chức cuộc thi, các dự án được đánh giá cao tại cuộc thi năm nay sẽ được các doanh nghiệp hỗ trợ vốn để tiếp tục hoàn thiện và phát triển, hướng tới khả năng ứng dụng vào thực tiễn.

Đồng Nai

© 2021 FAP
  65,553,084       2/901