Dù đã triển khai rất nhiều giải pháp, nhưng đến nay tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) ở Đồng Nai vẫn thấp hơn so với bình quân chung của cả nước, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Xuân Lộc khám cho bệnh nhi. Ảnh: Đ.Ngọc |
Dự kiến, giá viện phí cho người không có thẻ BHYT ở Đồng Nai sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1-8. Nếu không có BHYT, người dân phải chi trả nhiều hơn khi bị đau bệnh, nhất là khi không may bị bệnh hiểm nghèo hoặc những bệnh nặng phải điều trị bằng kỹ thuật cao.
* Vì sao chưa tham gia BHYT?
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, cho biết: “Qua giám sát công tác khám chữa bệnh BHYT ở một số cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, cho thấy hiện một số đơn vị chưa thống kê được tỷ lệ theo nhóm đối tượng của người chưa tham gia BHYT. Đây là một trong những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Khi thống kê được theo nhóm đối tượng tham gia BHYT mới có giải pháp tuyên truyền cụ thể, phù hợp, sát thực và hiệu quả để người dân hiểu những lợi ích khi tham gia BHYT; chú trọng hình thức tuyên truyền trực tiếp tại các cơ sở khám chữa bệnh, tập trung ở những đối tượng chưa có thẻ BHYT”. |
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, trong quý
I-2017, số người tham gia BHYT toàn tỉnh là hơn 2,18 triệu người, đạt tỷ lệ 75,13%, giảm hơn 49 ngàn người so với cuối năm 2016, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước khoảng 4%. Trong đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình đạt tỷ lệ thấp, khoảng 46%; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT chưa tới 93% (đây là đối tượng bắt buộc 100% phải mua BHYT). Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền về lợi ích tham gia BHYT, nhưng đến nay vẫn còn không ít người dân lơ là với BHYT.
Một trong những nguyên nhân chính là do người dân không được đăng ký khám chữa bệnh ở nơi mong muốn. Bà Nguyễn Thị Hai (ở xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ cả nhà bà có 4 người và chưa có ai tham gia BHYT, vì có mua cũng không sử dụng tới. Đi khám bệnh ở bệnh viện tuyến huyện cũ kỹ, xuống cấp, chờ đợi lâu, nên khi mọi người trong nhà bà Hai có bệnh thường lên TP.Hồ Chí Minh tự bỏ tiền túi ra khám cho nhanh, hiệu quả.
Chính vì suy nghĩ như trên nên không ít người dân còn chưa hiểu hết quyền lợi của mình khi tham gia BHYT. Đơn cử, như bà Nguyễn Thị Thơm (70 tuổi, ngụ xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) phải tốn hàng chục triệu đồng để chữa các biến chứng của bệnh tai biến mạch máu não, tắc nghẽn tĩnh mạch. Theo bà Thơm, những năm trước đây bà có mua BHYT nhưng do bà bị nhiều bệnh mãn tính, BHYT chỉ được khám tuyến huyện nên người nhà không yên tâm, thường cho bà đi khám bệnh ở TP.Hồ Chí Minh. Đến khi bà trở bệnh nặng, phải sử dụng kỹ thuật cao để can thiệp tĩnh mạch và nằm viện liên tục để điều trị, tiền trong nhà lần lượt vơi đi, phải tính đến chuyện bán đất đai để lo chữa bệnh.
“Khi đổ bệnh nặng như bây giờ, tôi mới thấy tham gia BHYT rất có lợi vì trong trường hợp cấp cứu thì tôi có thể sử dụng thẻ BHYT ở bất cứ bệnh viện nào trong cả nước. Mặt khác, khi điều trị nội trú vẫn được hưởng 60% mức được hưởng. Nếu tôi tham gia BHYT thì gia đình tôi đâu đến nỗi phải tính đến chuyện bán đất đai để lo chạy chữa cho tôi như hiện nay”, - bà Thơm chia sẻ.
* Tháo gỡ khó khăn
Trước thực trạng tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh còn thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, mới đây Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã đề nghị Sở Y tế khẩn trương rà soát những quy định không phù hợp trong thực hiện khám chữa bệnh BHYT để tỉnh kiến nghị với Trung ương sửa đổi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong khám chữa bệnh, nhất là chấn chỉnh tình trạng phân biệt đối xử đối với bệnh nhân có thẻ BHYT. Đồng thời, cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh phải dựa trên thực lực của các bệnh viện để phân bổ thẻ BHYT cho phù hợp; rà soát lại việc phân bổ hợp lý thẻ BHYT cho Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để người dân có quyền lợi khi đi khám chữa bệnh, tránh lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị tỉnh đã đầu tư.
Vừa qua, Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cũng đã giám sát tình hình khám chữa bệnh BHYT ở một số cơ sở y tế trong tỉnh và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện nghiêm túc thực hiện chỉ tiêu phát triển BHYT trên địa bàn, đồng thời xem xét hỗ trợ thêm chi phí mua BHYT cho một số đối tượng, như: học sinh, sinh viên, hộ cận nghèo, đảng viên từ 30 năm tuổi đảng trở lên từ nguồn kinh phí quỹ kết dư BHYT. Ngoài ra, nhanh chóng rà soát hộ nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình để thực hiện hỗ trợ 30% chi phí mua BHYT theo quy định. Đặc biệt, UBND tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ ngành y tế trong việc đầu tư các cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhất là sớm đầu tư xây dựng Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch đã xuống cấp trầm trọng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong khu vực.
Đặng Ngọc