Mới đây, Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán đã cứu sống kịp thời cả mẹ và con một sản phụ bị vỡ tử cung, thai lọt ra ngoài ổ bụng do vết mổ cũ của 2 lần sinh mổ trước đó bị bục.
Các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu phẫu thuật lấy thai cho một sản phụ sinh khó do có thai lớn. Ảnh: Đ.Ngọc |
Nhờ được phẫu thuật ngay thời điểm tử cung vỡ và việc xử trí kịp thời của ê - kíp bác sĩ, 2 mẹ con sản phụ mới qua cơn nguy kịch. Nếu không, nguy cơ tử vong con rất cao.
* Nguy hiểm khi sinh mổ
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Đồng Nai, cho biết hiện nay chưa thống kê được con số chính xác số ca sinh mổ ở các cơ sở y tế trong tỉnh, do theo mẫu báo cáo của Bộ Y tế không yêu cầu số liệu này. Tuy nhiên, qua báo cáo của một số bệnh viện tuyến tỉnh có khoa sản thì số ca sinh mổ chiếm từ 40-50% tổng số ca sinh.
Theo bác sĩ Thanh, tỷ lệ mổ lấy thai như trên là còn cao. Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến phẫu thuật lấy thai là do sinh khó, như: thai lớn, vết mổ cũ, khung chậu, dọa vỡ tử cung, ngôi mông…, nhưng cũng còn có nguyên nhân do tâm lý của thai phụ thích sinh mổ vì không chịu được cơn đau đẻ, muốn sự an toàn cao nhất cho mẹ và con. Tuy nhiên, vấn đề an toàn của một ca sinh không hoàn toàn phụ thuộc vào việc sinh mổ hay sinh thường, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, như: việc chuyển dạ dễ hay khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị của tuyến điều trị, tay nghề bác sĩ, nữ hộ sinh… Vì thực tế, sinh mổ cũng có rất nhiều biến chứng cho cả mẹ và con.
Trẻ sơ sinh sau mổ được chăm sóc tại phòng dưỡng nhi Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. |
Trong đó, các biến chứng của sinh mổ là sốc phản vệ do thuốc gây mê, sốt sau mổ, dính ruột, tụ dịch lòng tử cung… Ngoài ra, băng huyết cũng là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm sau khi sinh mổ. Khi bị băng huyết, sản phụ có thể phải cắt bỏ tử cung hoặc một phần tử cung để cấp cứu, thậm chí nếu mất máu quá nhiều, sản phụ có thể tử vong. Một nguy hiểm khác sau khi sinh mổ là khi có thai lần sau phải đối diện với nguy cơ thai bám ở sẹo vết mổ cũ rất cao, gây ra tình trạng nhau cài răng lược, mang thai ngoài tử cung, có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của người mẹ.
Bên cạnh đó, sinh mổ cũng làm tăng nguy cơ sinh khó vào lần sau. Nếu sản phụ sinh mổ trong thời gian quá gần (dưới 2 năm sau lần sinh mổ trước), khi thai lớn sẽ khiến vết mổ cũ có nguy cơ bị bục rất cao. Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa sản, ít nhất 3 năm sau sinh mổ mới mang nên thai tiếp, khi đó tử cung mới khôi phục. Nếu đã sinh mổ 2 lần thì không nên sinh mổ lần 3 bởi sẽ đối diện với nhiều nguy cơ khi mang thai, như: bục vết mổ, tai biến sản khoa băng huyết sau mổ, ca phẫu thuật khó do tử cung dày, dính…
* Lợi ích của sinh thường
Sinh thường có lợi cho cả con Một điều rõ ràng là, khi sản phụ sinh thường sẽ giúp giảm thiểu tối đa sử dụng thuốc gây mê và thuốc kháng sinh, ít gây ảnh hưởng cho cả mẹ và bé. Trẻ sinh bằng phương pháp sinh thường được ở trong vòng tay yêu thương của mẹ và được bú sữa non ngay khi chào đời. Trẻ cũng ít có nguy cơ bị ngạt thở hơn so với trẻ sinh mổ, do việc sinh thường sẽ thúc đẩy nang phổi của trẻ nở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hô hấp tự động của bé sau khi sinh ra, giúp trẻ khỏe mạnh, phòng tránh các bệnh hô hấp sơ sinh. |
Bác sĩ Thanh chia sẻ, nếu mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh nên chọn phương pháp sinh thường. Vì một trong những ưu điểm của việc sinh thường là sau sinh thường, mẹ được tiếp xúc với bé rất sớm. Với phương pháp Kangaroo bằng cách đặt trẻ nằm tiếp xúc da kề da trên ngực của mẹ, qua đó giúp trẻ được giữ ấm ngay sau sinh, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt; giảm cơn ngừng thở, ổn định nhịp tim, nhịp thở; tăng cường mối quan hệ mẹ - con.
Một lợi ích rất lớn của việc sinh thường là nguồn sữa về rất sớm. Trẻ sơ sinh được bú những giọt sữa non quý giá ngay sau sinh giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ, giảm nguy cơ nhiễm trùng, giúp trẻ tiêu hóa tốt hơn. Còn sinh mổ dễ gây tắc tuyến sữa do ảnh hưởng của các loại thuốc gây tê, thuốc kháng sinh khiến mẹ mất cảm giác và ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ. Trong khi việc nuôi con bằng sữa mẹ rất quan trọng bởi nó cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ, tăng cường sức đề kháng và tạo sự gắn kết tình mẫu tử, điều mà sữa công thức không thể nào tạo ra được. Ngoài ra, sinh thường cũng giúp mẹ mau hồi phục sức khỏe, chăm sóc con ngay sau sinh và giảm được một khoản chi phí so với sinh mổ.
Cũng theo bác sĩ Thanh, việc sinh thường cũng có những nhược điểm, nhất là với những mẹ gặp vấn đề bất thường trong thai kỳ, như: nhau tiền đạo hoặc mẹ bị xương chậu hẹp hoặc tử cung bé; rặn đẻ lâu cũng gây mất sức cho mẹ, ngạt thở cho bé... Do đó, các cơ sở y tế nhất là ở tuyến huyện, tuyến cơ sở phải theo dõi sát các ca sinh. Nếu có thai kỳ khỏe mạnh bình thường thì nên thuận theo tự nhiên và chọn phương pháp sinh thường; trong những trường hợp chuyển dạ khó, kéo dài, không sinh thường được mới cho sinh mổ.
Đặng Ngọc