Những cơn đau do răng khôn gây ra có thể khiến bạn "ăn không ngon, ngủ không yên", ngay lập tức bạn muốn nhổ chúng. Nhưng loại bỏ răng số 8 không hề đơn giản chút nào.
Chúng ta rất quen thuộc với câu nói: Răng khôn mọc dại. Đơn giản bởi hiếm có cơn đau răng nào khó chịu và "vật vã"như đau răng khôn hay còn gọi là răng số 8, răng thừa, vì đây là một trong những phần cơ thể vô dụng nhất của con người.
Răng khôn là răng cối lớn thứ ba, nằm sâu nhất trong miệng, mọc trong độ tuổi từ 17 và 25. Mỗi người thường có 4 răng khôn ở 4 phần hàm.
Sở dĩ gọi là răng khôn vì răng mọc trong độ tuổi đã trưởng thành, con người đã khôn lớn và biết nhận thức.
Răng khôn xuất hiện gây đau đớn, nhiễm trùng, viêm, các vấn đề về nướu và sâu răng. Thậm chí, răng khôn mọc lệch có thể gây tổn thương đáng kể cho các răng bên cạnh, cho dây thần kinh hoặc xương hàm.
Mỗi khi răng khôn mọc, để giảm đau nhẹ, bạn có thể sử dụng các loại "thuốc giảm đau" tự nhiên như tỏi, đinh hương, nước muối, lá bạc hà, dưa chuột...
Thế nhưng, nhiều lúc cơn đau do răng khôn hành hạ đến nỗi "ăn không ngon, ngủ không yên", ngay lập tức bạn muốn nhổ chúng.
Nhưng dù có ghét răng khôn đến đâu, bạn cũng không nên tự quyết định loại bỏ chúng, mà nên theo chỉ định của nha sĩ.
Tử vong sau khi nhổ răng khôn
Lapinski tử vong sau 3 ngày nhổ răng khôn.
Trên thế giới đã chứng kiến rất nhiều ca tử vong sau khi nhổ chiếc răng số 8. Năm 2013, Marek Lapinski, chàng trai 24 tuổi người California, Mỹ đã tử vong do biến chứng sau khi nhổ 2 chiếc răng khôn tại một trung tâm nha khoa.
Phản ứng đầu tiên của Marek sau khi phẫu thuật là ho liên tục, tình trạng sức khỏe xấu đi nhanh chóng. Lapinski được tiếp tục gây mê bằng propofol và được khẩn cấp đưa vào bệnh viện. Tuy nhiên, 3 ngày sau đó anh đã tử vong.
Nguyên nhân là các bác sĩ đã sử dụng tới 6 loại thuốc an thần gây mê cho bệnh nhân khi phẫu thuật.
Còn năm 2015, một nữ sinh 17 tuổi, người Mỹ đã tử vong sau khi nhổ răng khôn. Sau khi tiến hành nhổ chiếc răng, huyết áp của cố đột nhiên tăng cao, nhịp tim giảm.
Các nha sĩ đã lập tức chuyển cô lên một bệnh viện lớn để thực hiện các biện pháp cấp cứu, tiến hành phẫu thuật đặt ống dẫn trong não của bệnh nhân nhằm giảm tích nước và sưng.
Tuy nhiên, tình hình của cô gái vẫn tiếp tục xấu đi và tử vong sau đó vài giờ. Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết của cô gái có thể là do cơn suy tim sau quá trình can thiệp nhổ chiếc răng khôn của cô gái trẻ này.
Răng khôn rất hay mọc lệch, gây ra sự khó chịu và đau đớn khiến nhiều người phải loại bỏ.
Khi nào nên nhổ răng khôn?
- Khi việc mọc răng khôn gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận.
- Khi răng khôn chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, dự báo sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh. Nha sĩ có thể chỉ định nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.
- Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu nhưng không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện. Điều này tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.
- Răng khôn mọc thẳng, đủ chỗ, không bị cản trở bởi xương và nướu, nhưng hình dạng răng khôn bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh.
- Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng.
Quá trình nhổ răng khôn
Để loại bỏ răng khôn, nha sĩ phải rạch một đường ở lợi, tiếp đó lấy phần xương chặn gốc răng rồi gắp từng phần chân răng ra. Sau khi "dọn sạch", nha sĩ sẽ vệ sinh và khâu lại vết mổ.
Tuy quá trình nhổ răng khôn tương đối nhanh chóng nhưng lại gây đau đớn nên bệnh nhân được gây tê một phần hoặc toàn bộ. Với những người có răng khôn mọc thẳng, các công đoạn này có thể diễn ra đơn giản hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo, để hạn chế những rủi ro do mọc răng khôn, khi có triệu chứng, người bệnh nên sớm đi khám bác sĩ, để được vấn về vệ sinh, chăm sóc, hoặc nhổ chiếc răng khôn nhằm tránh các biến chứng.
Còn với những người phẫu thuật nhổ răng khôn, bệnh nhân cần tuân thủ theo sự dặn dò của các bác sĩ để phần lợi sau khi nhổ nhanh chóng được phục hồi.
Không nên súc miệng quá mạnh trong vòng 6 giờ sau khi nhổ răng. Không nhai thức ăn vào phần răng mới nhổ, tránh tình trạng thức ăn bám lại phần hố răng, tạo điều kiện cho sự xâm nhập của các vi khuẩn, gia tăng tình trạng viêm nhiễm.
Sau khi nhổ răng, nên ăn thức ăn mềm trong khoảng 1-2 ngày đầu, không ăn đồ cứng, khó nhai và phải thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ tại ổ răng sau mỗi bữa ăn.
Trong trường hợp tình trạng sưng, đau kèm sốt kéo dài, nên đến gặp chuyên gia nha khoa để được tư vấn hướng xử lý kịp thời.
* Tổng hợp
răng khôn, nhổ răng khôn, suy tim, vệ sinh răng miệng