Janet French từng nặng gần 130kg và luôn phải vật lộn với cảm giác đói bụng, thèm ăn. Nhưng giờ đây, cô đã lấy lại vóc dáng thon gọn với cân nặng 64kg sau một cuộc phẫu thuật đổi đời.
Bạn đã bao giờ thắc mắc, tại sao mình luôn có thể ăn thêm một chiếc bánh socola nữa dù vừa thưởng thức bữa tối no căng bụng? Hay tại sao dạ dày bạn cứ sôi lên ùng ục, buộc bạn phải lọ mọ tìm đồ ăn vặt buổi tối dù đã ăn uống đầy đủ suốt cả ngày?
Nhiều người có thói quen như vậy thường bị quy tội “tham ăn”. Và việc từ chối sự hấp dẫn của việc ăn thêm một chút nữa hoàn toàn do ý chí người đó quyết định. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phát hiện, cảm giác thèm ăn vô độ của mình là do hormone trong cơ thể gây ra?
Janet French khi chưa giảm cân.
Điều này nghe có vẻ như một lời biện hộ yếu ớt dành cho những người
thừa cân. Nhưng sự thật là ngày càng có nhiều chuyên gia tán thành với luận điểm trên. Nếu thủ phạm là hormone, vậy một cuộc phẫu thuật nhằm khoá chặt hormone đó chắc hẳn sẽ giúp giải quyết vấn nạn thèm ăn và tăng cân không kiểm soát.
Dưới đây là câu chuyện của Janet French:
Thèm ăn mọi lúc mọi nơi
Khoảng 8 năm trước, Janet French đạt mức cân nặng “khủng” nhất: gần 143kg. Lúc nào cô cũng trong tình trạng phải cho thứ gì đó vào miệng mới chịu. Kết quả là có những đêm, khi cả nhà say ngủ, Janet vẫn lúi húi trong bếp và ăn bất cứ thứ gì cô có thể chạm tay tới. Mặc dù trước đó, cô đã ăn tối rất no và còn tráng miệng bằng bánh pudding kem ngọt lịm. Có vẻ như với Janet, cô không hề biết tới khái niệm “no”.
Mỗi ngày, Janet hấp thụ 3.500 calo - gần gấp đôi mức khuyến nghị dành cho phụ nữ - cô vẫn không thể “sống sót” qua một đêm mà không ăn thêm thứ gì đó. Janet nhớ lại: “Tôi thấy khó vô cùng khi phải nghĩ tới những thứ khác, ngoài đồ ăn. Bất kể tôi ăn bao nhiêu, tôi không bao giờ thấy no và luôn thèm ăn nhiều hơn nữa. Tình hình tồi tệ đến mức tôi thậm chí không muốn ra khỏi nhà vì tôi lo mình sẽ không thể với tay là có ngay đồ ăn ở bên. Suy nghĩ đó thật không thể chịu đựng nổi! Tôi như một kẻ nghiện”.
Janet French và đồng nghiệp.
Từng đảm nhiệm công việc quản lý một phòng gồm 96 nhân viên ở công ty sản xuất xe hơi Rover, Janet nhớ lại cảm giác khi ai cũng nói cô là người thật tự tin, gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp. “Họ không hề biết tôi đau khổ âm thầm đến thế nào. Tôi không thể quên ở độ tuổi 20, tôi đã nặng hơn 100kg. Tôi đứng khóc trước mặt mẹ và mẹ nói với tôi bằng những lời đầy cảm thông: ‘Đừng lo lắng, con yêu. Con phải xuống tới đáy trước khi tự xốc mình lên’”.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Janet quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con trai đầu lòng, bé Joseph. Khi Joseph 3 tuổi, một lần đi nhà trẻ về, bé kể, một người bạn bé đã bình phẩm về cơ thể phục phịch đáng sợ của mẹ. “Tôi có thể nhìn thấy viễn cảnh Joseph bị chế giễu vì cân nặng của tôi”, Janet bộc bạch. “Suy nghĩ đó làm tôi hoảng sợ. Tôi cũng thực sự ý thức được rằng, trong khi những bà mẹ khác có thể chạy theo các con thì tôi chỉ có thể ngồi ì một chỗ và quan sát bé chơi”.
Là người béo phì trong nhiều năm, cân nặng của Janet cũng trải qua nhiều lần lên xuống nhưng dường như luôn kết thúc ở một mốc cao hơn. Cô đã phải áp dụng nhiều chế độ ăn kiêng, thậm chí thử cả liệu pháp thôi miên với hi vọng giảm cân. Nhưng kết quả không như mong muốn, dù có lúc đã giảm cân khá ấn tượng, nhưng rốt cuộc, Janet vẫn ăn quá nhiều và ăn ngay cả khi không đói.
Giờ đây, những ngày tháng kinh hoàng đó đã rời xa. Janet đã hoàn toàn lột xác, trở thành một phụ nữ xinh đẹp, dáng chuẩn, cân nặng 64kg. Điều quan trọng nhất là cuối cùng, cô cũng đã kiểm soát được những cơn đói bụng, thèm ăn của mình. Janet cho biết, nếu không nhờ cuộc phẫu thuật để xử lý hormone gây chứng thèm ăn vô độ, cô đã không có ngày hôm nay.
Janet trước và sau khi giảm cân.
Hành trình đi tìm phép màu
Năm ngoái, ở thời điểm nặng 101kg, trong một buổi tối đang đi tìm đồ ăn để thoả mãn
cơn đói, Janet quyết định vào mạng để tìm hiểu nguyên nhân gây ra cảm giác thèm ăn vô độ. Tình cờ, cô phát hiện một nghiên cứu cho rằng, một số người sản sinh thừa mứa hormone gây đói, được biết tới qua tên gọi ghrelin. Đây là hormone giữ nhiệm vụ thông báo cho não biết dạ dày đang cần được bổ sung năng lượng. Thường thì dạ dày sẽ ngừng sản sinh ra ghrelin khi bạn no bụng, đồng thời gửi tín hiệu tới não để bạn dừng ăn. Vì một lý do nào đó, thông điệp hoá học này đã không bao giờ tới được não.
Cảm thấy đây đúng là trường hợp của mình, Janet đã nói chuyện với bác sĩ riêng. Tuy nhiên, bác sĩ khẳng định, sẽ chẳng thể làm được gì nhiều ngoài tuân thủ những lời khuyên về giảm cân thông thường với nguyên tắc: Đảm bảo lượng calo hấp thụ ít hơn lượng calo đốt cháy thông qua hoạt động thể chất.
Không nản chí, Janet tìm đến một bệnh viện tư ở Bỉ. Tại đây, cô được xét nghiệm máu và nước bọt – chúng giúp xác nhận đúng là cơ thể Janet luôn sản sinh dư thừa hormone ghrelin. Bác sĩ nhấn mạnh, đó chính là nguyên nhân khiến cô không ngừng thèm ăn. Mọi cảm giác tội lỗi, tự xỉ vả bản thân từ trước đến nay đều lập tức tan biến.
Janet kể: “Thật là một sự giải thoát với tôi khi phát hiện ra rằng tôi béo phì không phải tôi tham ăn. Tôi từng nghĩ tới chuyện dùng thắt đai dạ dày (gastric band) nhưng nó vẫn không giúp tôi ngăn chặn hormone gây đói”.
Cuối cùng, Janet phát hiện ra một phương pháp điều trị thay thế nhằm mục đích khoá chặt hormone gây đói vĩnh viễn. Đó là một cuộc phẫu thuật đưa những hạt nhựa chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi vào cơ thể. Chúng sẽ chặn các mạch máu nhỏ xíu xung quanh khu vực dạ dày có chức năng tiết ra ghrelin. Điều đáng mừng là phẫu thuật dạng này rẻ hơn, an toàn hơn so với thắt đai dạ dày và phẫu thuật bắc cầu với chi phí 4,750 bảng (hơn 134 triệu đồng). Chỉ qua một đêm, Janet đã có thể ăn một lượng tương đương con trai mình và không còn thấy đói giữa các bữa ăn nữa.
1 năm sau đó, Janet, với chiều cao hơn 1m60, đã giảm hơn 38kg. Cân nặng của cô giờ chỉ bằng một nửa so với trước đây.
Janet sau khi giảm cân.
Janet chia sẻ: “Suốt một thời gian dài, tôi luôn cảm thấy mình quá béo và quá xấu. Tôi thậm chí không thể chịu được cảm giác để ông xã nhìn thấy tôi lúc không khoác quần áo trên người. Paul liên tục cố gắng trấn an tôi rằng, anh vẫn thấy tôi thật hấp dẫn mặc dù hồi gặp nhau năm 2012, tôi đã 70kg. Anh nói với tôi rằng chúng tôi sẽ cùng tìm ra nguyên nhân gây ra cảm giác đói bụng,
thèm ăn của tôi. Nhưng tôi cảm thấy thật khó để tin lời an ủi của anh ấy.
Tôi biết tình yêu Paul dành cho tôi vượt lên trên cả vẻ ngoài. Nhưng tôi không thể diễn tả được cảm giác tuyệt vời thế nào khi mình trở nên thon thả và hấp dẫn. Thật vui sướng khi biết chồng tôi thực sự bị tôi lôi cuốn”.
Chuyên gia phẫu thuật giảm cân James Byrne, từ Bệnh viện Đa khoa Southampton, cho biết: “Béo phì là một vấn nạn sức khoẻ cộng đồng nghiêm trọng. Và kỹ thuật này có thể đóng vai trò nhất định trong việc giảm hội chứng béo phì”.
(Nguồn: DailyMail)