Kinh tế

Doanh nghiệp kỳ vọng vào năm mới

Kết thúc năm 2019, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi hội nhập kinh tế và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp vẫn tăng tốc phát triển...

Kết thúc năm 2019, bức tranh kinh tế cả nước cũng như Đồng Nai có nhiều điểm sáng. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt khi hội nhập kinh tế và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, các doanh nghiệp vẫn tăng tốc phát triển.

Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh. Ảnh: V.Gia
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh. Ảnh: V.Gia

Năm 2020, một số doanh nghiệp (DN) cũng đã chuẩn bị kế hoạch kinh doanh từ sớm với những tín hiệu tích cực.

* Tín hiệu vui đầu năm

Ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thế Linh (phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) cho hay, sau gần 1 năm làm việc, lô hàng mẫu đầu tiên của DN đã được gửi sang hệ thống siêu thị Donkihote của Nhật Bản để chuẩn bị cho việc bán hàng vào thị trường khó tính này.

Donkihote hay còn được gọi tắt là Donki, là chuỗi cửa hàng nổi tiếng của Nhật Bản với hơn 160 chi nhánh trên khắp đất nước. Hàng hóa ở đây phong phú với số lượng khổng lồ, từ đồ ăn, bánh kẹo, tới mỹ phẩm, thuốc men, đồ điện tử, điện lạnh, quần áo, đồ gia dụng... Một khi hàng mẫu của nệm Thế Linh vào được chuỗi cửa hàng này thì sẽ có cơ hội quảng bá rộng rãi với người dân Nhật Bản.

“Với những nỗ lực không biết mệt mỏi của toàn công ty, sản phẩm nệm mẫu của chúng tôi đang được phía đối tác thẩm định với triển vọng tốt. Điều này hứa hẹn sẽ có thêm một sản phẩm công nghiệp mang nhãn mác, thương hiệu Việt của Đồng Nai thuộc DN nhỏ và vừa vươn ra được tầm quốc tế” - Giám đốc Phạm Thế Linh hồ hởi.

Tại Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh (Khu công nghiệp Hố Nai), chuyên sản xuất đèn trang trí xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu và một số quốc gia khác, tốc độ tăng trưởng bán hàng cũng đạt con số ấn tượng khi khối lượng hàng xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Để tiếp tục mở rộng quy mô xuất khẩu, DN này xây dựng nhà máy đạt theo tiêu chuẩn UL của Mỹ (70% các sản phẩm của Chiếc Lá Xanh có thị trường xuất khẩu tại Mỹ, Canada). Chứng nhận UL có giá trị rất lớn bởi nó được đánh giá là có uy tín và được thừa nhận rộng rãi tại không chỉ Hoa Kỳ và Bắc Mỹ mà còn rất nhiều vùng lãnh thổ, quốc gia khác. Hiện DN đang mở rộng đầu tư sang tất cả thị trường châu Âu, Trung Đông sau khi sản phẩm đã vào được thị trường Mỹ. “Chúng tôi đang nỗ lực để thế giới biết nhiều hơn đến hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và triển vọng tăng trưởng cho năm 2020 cũng rất tốt” - ông Nguyễn Đức Tuấn Hải, Giám đốc công ty chia sẻ.

Tương tự, với Công ty TNHH Khang Thành (Khu công nghiệp Amata) chuyên sản xuất các loại bao bì giấy, hộp giấy, thùng carton offset, tem, nhãn, sách, lịch, catalogue... năm 2019, công ty đạt doanh thu sản phẩm lên tới 7 triệu USD. DN này đang sản xuất 7.200 mẫu bao bì, in ấn cho 120 đối tác thường xuyên, hàng hóa cũng đã đi vào được 15 quốc gia trên thế giới. Lãnh đạo DN cho hay, chuẩn bị cho năm 2020 công ty có đầu tư thêm một số dây chuyền thiết bị mới, nâng chất lượng mẫu mã sản phẩm. Đây là điều kiện cần thiết để Khang Thành tiến vào các thị trường mới, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn.

* Còn nhiều thách thức

Mặc dù kỳ vọng nhiều vào cơ hội sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các DN trong năm 2020 song theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Tại Diễn đàn Đầu tư và phát triển kinh doanh 2020 với chủ đề “Cơ hội tăng tốc và bứt phá” do Ban Kinh tế Trung ương, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì và Diễn đàn Đầu tư Bizlive.vn tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh ngày 6-1, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định xu thế kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc. Điều đó sẽ có tác động đến tình hình trong nước. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng “sức khỏe” DN và nền kinh tế vẫn chưa ổn định. Công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, chiếm hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao. 70% kim ngạch xuất khẩu vẫn thuộc khối DN có vốn đầu tư nước ngoài... Ông Lộc cho rằng, dù chúng ta có cải thiện về môi trường kinh doanh nhưng vẫn còn chưa cao. Môi trường kinh doanh mới đứng thứ 5 trong ASEAN, chưa thể vào tốp 4 như mục tiêu đề ra.

Tương tự, TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích, vấn đề tồn tại lâu nay của Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vay nợ để phát triển. Việc vay nợ khiến cho DN hay cả nền kinh tế phải dành nguồn lực lớn để trả lãi vay, phần còn lại đầu tư tái phát triển không nhiều. 5 năm trước, DN cho biết thiếu vốn và hiện nay... vẫn thiếu vốn.

Đối với riêng từng DN, dưới ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, năm 2020 là năm bước vào giai đoạn mới, cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi những bước đi vững chắc nhưng cũng không kém phần mạo hiểm.

“Chúng tôi đang kêu gọi vốn để mở rộng quy mô sản xuất, trong khi đó luồng khách từ Trung Quốc sang đặt hàng sản xuất tại Việt Nam ngày càng nhiều, hiện đã có vài đối tác đặt vấn đề với doanh nghiệp. Song, bản thân tôi tâm niệm phát triển dựa trên bản sắc, giữ gìn giá trị của dân tộc Việt Nam, nên liệu có cần đặt vấn đề liên kết mở rộng sản xuất với họ hay tự đi lên bằng đôi chân của chính mình và liên kết với doanh nghiệp nội? Đâu sẽ là giá trị cốt lõi để cùng chung tay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp, thương hiệu Việt trong mắt bạn bè quốc tế” - Giám đốc Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh Nguyễn Đức Tuấn Hải trăn trở.

Vương Thế

Đồng Nai

© 2021 FAP
  375,645       1/1,020