TTO - “Ăn chậm, mặc kín, đi nhẹ, nói khẽ” - ra Huế chơi, tham quan hoặc thăm bạn bè, nhất là ngày tết, nên nhớ kỹ slogan ni. Gặp người lớn mà vòng tay trước ngực "dạ thưa bác" thì "răng mà chuẩn cơm mệ nấu".
Đừng thấy cổng mở mà tự nhiên đi vào, nên bấm chuông hoặc đánh tiếng để chủ nhà cho phép rồi hãy vào - Ảnh: Minh Tự |
Vì vậy, du lịch Huế là một cuộc khám phá lối sống "âm trầm sâu lắng lạ" của xứ này, nhất là khi vô nhà của người Huế...
Giao tiếp: đừng bắt tay người lớn tuổi!
Với khách lần đầu gặp mặt, bao giờ người Huế cũng từ tốn và kín đáo trong giao tiếp, không lạnh lùng nhưng cũng không vồn vã. Vì vậy, khi bạn ra Huế, đừng vì quá vui mà nhào dzô... chào theo kiểu bắt tay với người lớn tuổi hơn mình và phụ nữ, nhất là với người già.
Không ít người Huế xem đó là vô lễ. Nên đặt chéo hai tay trước bụng và “thưa ông, thưa bà, thưa bác, thưa chú...”. Vòng tay trước ngực mà thưa thì nhiều người Huế lớn tuổi gật gù trong bụng ngay: "Răng mà hắn lễ độ rứa" . Nếu thêm chữ “dạ” vào câu “dạ thưa bác” thì "chuẩn cơm mệ nấu"!
Với người cùng tuổi thì có thể bắt tay thân thiện, hoặc với người trẻ tuổi cũng có thể chào theo những lối trẻ trung, hiện đại như... “hi, hello”. Nhưng tốt nhất là theo cách thể hiện tình cảm vừa phải. Vì dù là người trẻ hiện đại thì các chàng, các nàng ấy vẫn dân Huế, phản xạ tự nhiên khi mới gặp lần đầu bao giờ cũng ý tứ giữ mình.
Vô nhà: ngó trước ngó sau!
Không gian cư trú truyền thống của người Huế là nhà vườn. Gồm một căn nhà rường ba gian hai chái nằm giữa khu vườn cây, có cổng kín, có ngõ sâu dẫn vào nhà, có bình phong che chắn phía trước.
Không gian đó khiến khách vào nhà bao giờ cũng phải ý tứ, ngó trước ngó sau trước khi bước vào phòng khách. Sau này phố xá phát triển hiện đại, xuất hiện loại nhà phố liền kề, nhà chung cư... Nhưng dù có ở trong loại nhà gì thì phong cách ở truyền thống vẫn được duy trì.
Gian giữa thường là gian thờ (phía trong) và bàn khách (phía ngoài). Nếu gia chủ chưa mời thì hãy khoan ngồi vào đó. Có khi họ sẽ mời khách ở gian bên cạnh - Ảnh: Minh Tự |
Đến Huế, nếu vào tham quan nhà vườn hay ghé chơi nhà ai đó, bạn hãy nhớ từ tốn chờ chủ nhà mời vào, đừng xộc thẳng ngay vô nhà mà dị lắm. Nếu đó là ngôi nhà rường cổ ba gian hai chái, bạn nhớ đừng vô ngay gian giữa vì đó là... gian thờ.
Nếu nhà rộng thì chủ thường đặt bàn thờ phía sau và để trống phía trước.
Bàn tiếp khách thường đặt ở gian bên phải (nhìn từ trong ra). Nhưng nếu nhà hẹp chủ nhà đặt bàn tiếp khách ngay gian giữa. Hãy chờ chủ nhà mời ngồi rồi hãy an tọa. Khi ngồi, nếu là nữ giới, nhớ đừng quay mặt nhìn vào phía bàn thờ; nếu mặt váy thì nhớ dùng nón hay vật gì đó (túi xách chẳng hạn) che hai đùi. Nếu không, bạn nói chi, chủ nhà cũng chẳng nói chuyện lâu với bạn đâu.
Trò chuyện: không nên nói nhiều!
Cách trò chuyện của người Huế như cơn mưa dầm xứ Huế, chậm rãi và rỉ rả tâm sự. Nói nhiều hơn chủ nhà là... căng đó. Ý tứ để chủ nhà hỏi trước rồi mình mới trả lời.
Nên tìm ưu điểm của căn nhà, khu vườn hay chủ nhân để khen một câu, nhưng đừng khen theo cách gượng gạo, lấy lòng, vì người Huế ý tứ chứ không phải khách sáo đâu. Tránh hỏi những câu về nhược điểm ngôi nhà hay khiếm khuyết của chủ nhân. Tối kỵ hỏi “nhà này mua của ai?’.
Ăn uống: đừng chê dở!
Khách mời cơm, nên tìm một cái ngon gì đó để khen thật lòng, đừng khen cho có. Nhớ đừng chê món ăn dở, mà hãy nói: chưa được ngon lắm, hoặc: nếu bớt cay hơn một tí là tuyệt!
Cách pha trà của người Huế rất chậm rãi và từ tốn. Khách uống trà cũng nên cầm tách trà bằng hai tay - Ảnh: Minh Tự |
Cầm chén đũa đừng để va chạm nhau leng keng. Khi ăn đừng húp xùm xụp, đừng để phát ra tiếng nhai và tiếng chíp miệng. Đừng vừa nhai thức ăn vừa nói chuyện, cũng không nên im lặng cắm cúi ăn, mà xen lẫn vài câu trò chuyện vừa phải.
Đừng cụng ly với người lớn tuổi mà chỉ nâng ly mời thôi. Ngay cả người cùng tuổi cũng nên cụng ly thấp hơn với một thái độ khiêm nhường.
Ăn mặc: đẹp mà kín đáo
Người Huế thích ăn mặc đẹp, nhưng không thích vẻ đẹp rực rỡ, hào nhoáng; không thích màu nóng nhưng cũng không thích màu lạnh, mà chuộng màu ấm và đằm sâu. Đặc biệt, họ khó chịu với cách ăn mặc hở hang hoặc bụi bặm.
Đẹp một cách đằm thắm và kín đáo. Nếu bạn muốn Huế mình thiện cảm thì hè bạn có thể ăn mặc thoải mái cho mát, nhưng trước người lớn tuổi và người khác giới, nhớ dùng chiếc nón hoặc vật gì đó che bớt da thịt của mình. Chỉ một động tác tỏ ra “có ý có tứ” thì dù da thịt có lộ ra đó, chủ nhà hoặc đối tác cũng xem như bạn đã... kín đáo.
Đi chơi: cứ thoải mái, trừ nơi tôn nghiêm
Đi chơi, bạn cứ thoải mái ăn mặc, đi lại, trò chuyện. Chỉ nhớ nơi tôn nghiêm như chùa chiền, nhà thờ, đền miếu... thì cần phải “mặc kín, đi nhẹ, nói khẽ”. Nếu lỡ mặt áo thun, quần short, bạn có thể dạo chơi trong vườn, đứng xa chụp ảnh. Và đừng nên bước vào chỗ thờ phụng với trang phục như thế.
Đừng ăn mặc hở hang khi đứng trước người tu hành. Tuyệt đối không được ăn mặc hở hang mà đứng trước bàn thờ.
Vào nơi tôn nghiêm như chùa chiền, đền miếu thì nhớ ăn mặc kín đáo, nói năng nhỏ nhẹ - Ảnh: Minh Tự |
Vào quán ăn cứ từ từ mà gọi món và thong thả chờ (hơi lâu một xí). Người Huế phục vụ hơi chậm vì phong thái vốn chậm rãi, lại quan niệm rằng “ăn uống mà ào ào như rứa thì cực cả đời!”.
Đón đọc bài 2: Còn người xứ Bắc, đặc biệt là người Hà Nội sẽ khó chịu nếu bạn có những hành xử ra sao?