Du lịch

Thương nhớ làng Vân - ​Ốc đảo Hansen

TTO - Chỉ vì thương nhớ làng xưa xóm cũ, những cư dân bị giải tỏa ở làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã bỏ phố vượt sóng quay về làng cũ mưu sinh.

Làng Vân nhìn trên cao đẹp như một bức tranh vẽ - Ảnh: Đăng Nam
Làng Vân nhìn trên cao đẹp như một bức tranh vẽ - Ảnh: Đăng Nam

Làng Vân - ngôi làng nhỏ nằm khuất nẻo dưới chân sóng Hải Vân - một thời được biết đến với cái tên đầy đau xót: “Ốc đảo Hansen”.

Bỏ lại thành phố sau lưng

Nắng như thiêu đổ xuống lưng đèo lúc đứng trưa. Băng qua cung đường sắt ôm sườn đèo, qua cánh rừng đầy lau lách, chúng tôi đến được mép cát ven biển chạy về phía làng Vân.

Những cánh rừng um tùm ngày trước, nay đã nhẵn dấu chân người. Sự trở lại của đoàn người tìm về rẻo đất này mưu sinh làm cho lối mòn về làng ngày một rộng ra, thoáng đãng.

Làng Vân thanh bình hiện ra như một vầng trăng khuyết ôm lấy biển xanh, sau lưng là những cánh rừng bạt ngàn, xa xa là ngọn Hải Vân chót vót khuất sau ngàn mây.

Ông Nguyễn Đức, một ngư dân sinh ra và lớn lên với nắng gió làng Vân, cho biết đã đưa vợ con từ khu nhà tái định cư ở phường Hòa Hiệp Bắc trở lại làng Vân được 4 năm nay.

Dưới bóng cây xoan già, đu đưa chiếc võng trốn nắng, ông Đức bảo rằng thành phố quá đỗi ngột ngạt nên quyết quay về.

“Tôi sinh ra ở đây, lớn lên bằng rau rừng và gió biển, giờ vào sống trong những dãy phố ấy tôi không chịu được. Hơn nữa, nghề đánh cá làm sao ở phố được. Không thể sống xa biển được” - ông Đức tâm tư.

Chỉ tay về phía xa mờ, nơi những tòa cao ốc nhấp nhô bên chiếc cầu dây văng Thuận Phước, ông Đức bảo rằng mình không thuộc về nơi ấy.

Gom những tấm tôn cũ còn sót lại ở các dãy nhà đã bỏ hoang, ông Đức dựng một cái chòi cạnh đồn biên phòng để vợ con tá túc. Cuộc sống dần tái hiện cảnh thanh bình như cái thời ngôi làng chưa bị di dời, giải tỏa.

Bà Nguyễn Thị Nhanh, vợ ông Đức, cho rằng làm nghề biển mà ở bãi ngang như Hòa Hiệp Nam thì chịu, chẳng nơi nào neo thuyền, chẳng lẽ sáng tối chống gối nhìn nhau.

Làm công nhân thì không quen việc, bức bí giờ giấc nên không ai nhận. “Sau khi ở nhà liền kề mấy tháng, gia đình tôi quyết định lên ghe dời ra đây. Ở đây đêm đánh cá, ngày đem vào thành phố bán, đổi gạo qua ngày...” - bà Nhanh nói

Trong 6 hộ gia đình với hơn 20 người rời bỏ khu nhà tập thể ra làng Vân, mỗi hộ một hoàn cảnh. Gia đình ông Đức còn chắt chiu ít tiền mua lại miếng đất để có sổ đỏ có cái gọi là “chủ quyền”, nhưng nhiều gia đình khác không được như vậy.

Gia đình ông Nguyễn Mênh (58 tuổi) có 8 khẩu, số tiền giải tỏa đền bù chỉ hơn 100 triệu đồng nhưng phải nuôi mấy đứa con đi học, nghề biển thì bấp bênh được mất, tiền dần dà hết sạch, ông cùng vợ con lại lên thuyền quay mũi về làng Vân.

Ban ngày, vợ ông Mênh chăn dê trên các ngọn đồi, tối theo chồng ra biển phụ kéo lưới. Vốn liếng là 9 con bò lẫn dê lớn nhỏ nhưng khi chúng chưa kịp sinh sôi lại nghe tin tàu lửa cán chết mất một con.

Hỏi ông Mênh về cái sổ đỏ ở khu liền kề, ông nhấp chén rượu gạo rồi lắc đầu: “Kệ, tới đâu hay tới đó chứ tiền đâu còn mà nộp vào lấy sổ. Nhà nước cũng hối thúc thu nợ đất nhưng chưa biết làm sao!?”.

Cuộc sống thanh bình của cư dân làng Vân - Ảnh: Tấn Vũ
Cuộc sống thanh bình của cư dân làng Vân - Ảnh: Tấn Vũ

Dư âm còi tàu...

Đứng trên cao nhìn xuống, làng Vân đẹp như một bức tranh thủy mặc. Cả một cánh rừng xanh ngát dang rộng như một cánh cung chạy tít tắp từ chân sóng làng Nam Ô cho đến tận chân hòn Chảo (còn gọi là đảo Ngọc), rồi ôm theo chân núi chạy sang bên kia đèo.

Cát ở đây mịn đến kỳ lạ. Màu vàng lơ của cát cứ tít tắp trải dài theo con sóng như dập dềnh, nô đùa dưới chân người lữ khách. Nhưng ấn tượng nhất ở chân sóng làng Vân này là những vách đá ăn sâu ra tận mép biển.

Tự ngàn năm trước, những con sóng từ đáy đại dương xanh thẳm đã theo gió vào bờ tìm cách vỗ về khiến “vách núi cũng mòn” để rồi nơi đây tạo nên những hình thù kỳ thú.

Nếu tinh ý, du khách sẽ bắt gặp những hốc đá tròn lẳn, ẩn mình trong đó là những chú cua đá hay những con ốc vú nàng chỉ to không quá nắp chai bia...

Đã quá trưa, lại thấy có khách ghé thăm, ông Nguyễn Hàng Phong ngồi dậy, lọ mọ xúc mấy lon gạo, vo nhanh rồi đổ vào chiếc xoong nhôm đang treo toòng teng trên vách.

Củi rừng bén lửa cứ thế chẳng mấy chốc mà cơm chín tới. Trải tấm bạt ra giữa nền cát, ông chậm rãi rót rượu ra cốc.

Trước mời khách, sau ngửa cổ uống ực với một phong thái rất “biển dã” không thể nào giấu được. Hết ly thứ hai, ông Phong mới buông lời:

“Chẳng biết thế nào, chứ tôi vắng nơi này vài ba bữa là chịu hết thấu. Chỉ vào phố khi trong ấy cho việc gấp mà thôi”. Việc “gấp” với ông Phong đó là chuyện cưới xin, kỵ giỗ...

Là dân miền biển nên cuộc sống của ông Phong gần như “vận” vào chiếc ghe gỗ cùng mấy tay lưới. Vậy nên suốt 25 năm qua, ông Phong gần như quan sát hết những “vật đổi sao dời”, từ những phận người đến cả phận làng, phận biển.

“Nếu ngày ấy không có chủ trương di dời, bây giờ làng Vân đã sầm uất lắm rồi. Không khéo nó 
đã trở thành một điểm đến đáng nhớ của du khách” - ông Phong bảo.

Làng Vân sau một thời gian hoang phế giờ đang dần hồi sinh với những nét đẹp hoang sơ đến lạ kỳ. Cũng chính vì thế mà hằng ngày nơi đây vẫn lẳng lặng đón chào những nhóm khách phượt ghé thăm. Theo ông Phong, nếu ra được đây nên ở lại một đêm.

Trước là thưởng thức hải sản do ngư dân đánh bắt được, sau là nằm nghe tiếng tàu vọng từ vách núi đêm khuya. “Các chú cứ thử ngủ một đêm khắc biết. Nếu ai đó đã có một quá khứ gắn với tiếng còi tàu, tôi tin chắc rằng họ sẽ quay lại làng Vân nhiều đêm nữa” - ông Phong nói.

Tháng 5-2012, làng Vân chính thức bị giải tỏa nhường đất cho một dự án có quy mô đến hơn 5 tỉ USD, là một tổ hợp các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế với những casino hoành tráng và cả sân đỗ trực thăng...

Vì sự phát triển của thành phố, hàng trăm hộ dân làng Vân đành ngậm ngùi rời nơi chôn nhau cắt rốn nhường đất cho dự án.

Được đưa vào khu tái định cư nhà liền kề ở phường Hòa Hiệp Nam, những hộ dân này được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng.

Theo ông Đức, gia đình ông phải bỏ ra hơn 50 triệu mua lại đất ở, số tiền còn lại được đầu tư vào chiếc xuồng máy nhỏ cùng giàn lưới để đi biển.

TẤN VŨ - ĐĂNG NAM
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,584,999       201/1,196