Du lịch

Phải bảo đảm du lịch không hư hại hệ sinh thái biển

TTO - Ngày 7-7, tại huyện đảo Phú Quốc, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Kiên Giang cùng UBND huyện Phú Quốc đã tổ chức Hội nghị sơ kết 10 năm hoạt động và định hướng quản lý, phát triển khu bảo tồn biển Phú Quốc trong thời gian tới.

Tour du lịch lặn ngắm san hô - một loại hình đang được ưa thích ở Phú Quốc -
 Ảnh: H.Trung
Tour du lịch lặn ngắm san hô - một loại hình đang được ưa thích ở Phú Quốc - Ảnh: H.Trung

​Một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị là bàn về việc bảo tồn biển phải gắn với phát triển du lịch.

Bà Bùi Thị Thu Hiền - Quản lý chương trình biển và vùng bờ thuộc tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã nêu ra những thách thức trong việc quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam hiện có 16 khu bảo tồn biển được đề xuất có diện tích nhỏ, vừa và ở gần bờ. Tuy nhiên, tình trạng các khu bảo tồn biển hiện nay đang bị sa sút, nhiều rạn san hô bị hư hại, đứt gảy hay mắc đầy rác thải là hình ảnh thường thấy ở các khu bảo tồn biển hiện nay. Điều này chứng tỏ công tác quản lý đối với các khu bảo tồn biển đang bị xem nhẹ, buông lỏng.

Theo bà Hiền, nguyên nhân đầu tiên là do nguồn nhân lực chưa đảm bảo và nguồn tài chính eo hẹp. Trong khi đó, nguồn thu từ du lịch là phương thức tài chính bền vững chủ yếu ở các khu bảo tồn biển, tuy nhiên chỉ có một vài khu bảo tồn biển như Nha Trang, Hạ Long, Côn Đảo, Cù Lao Chàm là có nguồn thu từ du lịch.

Vì vậy, cần phải có cách để các khu bảo tồn biển có được nguồn thu từ du lịch. Muốn vậy, cần có cơ chế rõ ràng trong việc chia sẻ lợi ích cho cộng đồng địa phương, cần thiết phải có sự tham gia của các doanh nghiệp.

Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn - Viện trưởng Viện hải dương học, cho rằng sự đóng góp của du lịch cho bảo tồn biển thì hết sức ít ỏi. Việc thu phí du lịch tại các khu bảo tồn biển thường rất thấp hoặc không có. Sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp còn khá ít. Hoạt động du lịch tác động nhiều đến việc hủy hoại hệ sinh thái, hủy hoại cảnh quan dưới nước như thả neo, lặn bẻ san hô hoặc xả rác xuống khu bảo tồn biển.

Tour du lịch lặn ngắm san hô - một loại hình đang được ưa thích ở Phú Quốc -
 Ảnh: H.Trung
Tour du lịch lặn ngắm san hô - một loại hình đang được ưa thích ở Phú Quốc - Ảnh: H.Trung

Ngoài ra, các hoạt động xây dựng các công trình phục vụ du lịch trên đất liền thậm chí không mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn hủy hoại cả hệ sinh thái rừng và biển.       

PGS TS Tuấn cho ví dụ, ở Phú Quốc, cả một rừng tràm bị tiêu diệt một cách rất nhanh chóng mà không mang lại một lợi ích cho bất cứ ai. Bởi lẽ trong quá trình xây dựng, đã chặn nguồn nước ngọt lại khiến cho rừng tràm phải sống trên nước ngập mặn khiến cả rừng tràm chết hết.

Ông Đinh Khoa Toàn - Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đề nghị Sở NN&PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang cần có chính sách phù hợp, tạo điều kiện để thu hút nhiều thành phần tham gia, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động du lịch, phát huy nguồn lực và chia sẻ lợi ích từ đó nâng lên trách nhiệm của mọi thành phần tham gia làm công tác bảo tồn biển.

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang sớm rà soát lại các dự án đã giao cho các doanh nghiệp, đặc biệt các dự án vi phạm Nghị định 57/2008/NĐ-CP đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang có biện pháp phù hợp.

Tuy nhiên không có nghĩa là phải giao các đảo cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp mới có thể khai thác du lịch được. Ban quản lý bảo tồn biển hoàn toàn có thể hợp tác với các doanh nghiệp khai thác các hoạt động du lịch trên khu bảo tồn biển theo thẩm quyền.

Các doanh nghiệp có thể đưa khách đến và thực hiện theo quy chế của khu bảo tồn biển. Bảo đảm hoạt động du lịch của các doanh nghiệp này không làm hư hại đến hệ sinh thái của khu bảo tồn biển.

Về việc thu phí tham quan trên các khu bảo tồn biển, Thứ trưởng Tám cho rằng nên cân nhắc vì còn phải liên quan đến các dịch vụ. Phải đầu tư gì đó thì mới thu phí cao được.

HOÀNG TRUNG
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,585,781       189/1,200