Du lịch

Du lịch đó đây: Chinh phục đỉnh Nàng Thi

TTO - Hoàng Su Phì có hai đỉnh núi cao nhất nhì vùng Đông Bắc và những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ. Nơi đây còn hiện lên rực rỡ, đa sắc màu trong các phiên chợ của người La Chí, Dao Đỏ...

Mảng màu vàng của đất ruộng bậc thang giữa núi rừng - Ảnh: HẢI DƯƠNG
Mảng màu vàng của đất ruộng bậc thang giữa núi rừng - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Sừng sững án ngữ phía tây bắc của tỉnh Hà Giang là dãy núi Tây Côn Lĩnh hiểm trở, thâm u. Nhô lên khỏi biển mây trên dãy trường thành hùng vĩ ấy là hai nóc nhà cao nhất nhì vùng Đông Bắc của Tổ quốc: đỉnh Tây Côn Lĩnh và đỉnh Chiêu Lầu Thi (chỉ sau đỉnh Fansipan).

Sau bát phở với cái tên gọi mang thương hiệu “Phở của người La Chí” ở quán ven đường, chúng tôi bắt đầu nhập bọn với những người mới quen để cùng chinh phục “Nàng Thi” hay đỉnh “Chín Tầng Thang”, những cái tên được dân bản địa gọi thay cho Chiêu Lầu Thi.

Vài chục kilômet đường đầu tiên từ thị trấn Vinh Quang rất thuận lợi, nhưng khi rẽ vào tỉnh lộ 197 từ ngã ba Nậm Dịch, con đường bắt đầu dốc và cứ lên cao, cao mãi. Xe máy cả nhóm luôn phải gài về số 1, số 2 để leo dốc.

Cảnh sắc bên đường mùa này là những thửa ruộng bậc thang đang chờ vụ cấy mới. Những mảng màu vàng của đất xen kẽ giữa khoảng xanh núi rừng quyến rũ. Dòng sông Chảy như con trăn khổng lồ uốn mình giữa những ngọn núi trùng điệp.

Dừng chân nghỉ bên quán nhỏ của một phụ nữ Mông, chúng tôi được chị chủ quán cảnh báo: lên Chiêu Lầu Thi sẽ phải vượt qua “đường suối cạn”, vốn chỉ còn trơ lại sỏi và đá do đất đã bị trôi hết sau những trận mưa rừng.

Quả thật, ngay bắt đầu cung đường đã dốc dựng đứng, đầy đất đá chênh vênh, không có lan can men theo sườn núi. Một số tay lái cảm thấy run tay, cứ đi được một đoạn lại xin nhóm đồng hành dừng lại.

Đến “đường suối cạn”, đá sỏi bắt đầu nhiều hơn, khắp mặt đường. Người ngồi trên xe mà lúc nào cũng chồm lên hụp xuống như đang phi ngựa. Có những đoạn bánh xe không bám được xuống đường mà chỉ đi trên mặt sỏi, đá.

Sau gần ba giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua được quãng đường chỉ dài hơn 10km để đến được một điểm homestay độc nhất, cách đỉnh Chiêu Lầu Thi khoảng 2km. Ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, bóng đen dần buông xuống hoang vu, lành lạnh, chỉ còn tiếng muôn loài chim thú ngự trị trong màn đêm.

Anh Phán Văn Phúc - phó bí thư xã Hồ Thầu, người mở homestay đầu tiên và cũng là duy nhất ở gần đỉnh Chiêu Lầu Thi - tiếp đón chúng tôi một cách nồng nhiệt với phương châm “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” hết sức dân dã.

Bữa cơm tối muộn lúc gần 22h rôm rả, chủ nhà hào hứng còn nhóm lữ khách đã quên đi sự mệt nhọc. Chỉ ngủ được khoảng 5 tiếng, chúng tôi lại bắt đầu dậy để chinh phục độ cao còn lại.

Dòng sông Chảy uốn mình dưới những thửa ruộng bậc thang - Ảnh: HẢI DƯƠNG
Dòng sông Chảy uốn mình dưới những thửa ruộng bậc thang - Ảnh: HẢI DƯƠNG

Sát điểm qua đêm là những cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi, có rêu xanh phủ kín thân cây. Rồi chúng tôi đi qua những vạt rừng trồng chè cổ thụ - chè shan tuyết, sống ở độ cao trên 2.000m, hứng chịu gió từ bốn phương và sương bốn mùa để tạo nên những tinh túy chè, trở thành “thuốc” bổ sức khỏe cho con người.

Sau gần một giờ đồng hồ, chúng tôi cũng chạm được tay vào chóp inox gắn ở đỉnh Chiêu Lầu Thi (vào năm 2016), có ghi thông số 2.402m, phần thưởng xứng đáng cho những người chinh phục.

Chợ phiên người Dao Đỏ

Sau hai ngày nghỉ ngơi để lấy lại sức ở ngọn núi Chiêu Lầu Thi, chúng tôi lại lên đường tìm về chợ phiên để khám phá văn hóa của Hoàng Su Phì - một huyện có 24 xã và 1 thị trấn với nhiều dân tộc anh em sinh sống. Trong đó người Dao Đỏ và La Chí còn giữ được những nét văn hóa truyền thống độc đáo qua những chợ phiên.

Có hàng chục chợ phiên của người La Chí, Dao Đỏ được họp luân phiên ở các bản và chúng tôi đã tìm tới chợ phiên xã Thông Nguyên, nơi tập trung rất đông người Dao Đỏ tới mua bán và tiện thể diện những bộ trang phục mới xúng xính. Những em bé vẫn còn chưa hết ngái ngủ e ấp sau lưng mẹ. Trên đầu các em đội những chiếc mũ nhỏ xinh, có các sợi tua bằng len đỏ nhìn rất thích mắt.

Một chị bán hàng vải ở chợ cho biết mũ này thường phụ nữ Dao tự tay may, rồi thêu hoa văn cho con mình từ khi chúng mới chào đời. Những bộ trang phục phối màu đỏ, đen, xanh, vàng... của người Dao từ các ngả đường dần dần đổ về chợ.

HẢI DƯƠNG - NGUYỄN DUY
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,584,762       212/1,195