Du lịch

Đi máy bay mà gây rối, thô lỗ sẽ bị xử nghiêm

TTO - Nhằm chống lại tình trạng gây rối của hành khách, các hãng hàng không trên thế giới đã và đang áp dụng nhiều biện pháp giữ ổn định trật tự và an ninh cho các chuyến bay của hãng mình.

Ảnh: Sabre

Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế của Liên Hiệp Quốc xem xét thay Công ước Tokyo bằng Nghị định thư Montreal 2014 dự kiến có hiệu lực trong vòng 2-3 năm tới.

Luật mới này cho phép các nước có thêm quyền lực trong việc giải quyết với các hành vi của hành khách, bao gồm từ chối thực hiện quy định an toàn và xúc phạm phi hành đoàn bằng lời nói hoặc tác động cơ thể.

Theo The Straits Time, Singapore dự kiến ban hành các quy định mới trước cả Liên Hiệp Quốc, cho phép cảnh sát và tòa án Singapore có nhiều quyền lực hơn trong việc giải quyết các vụ gây rối trên máy bay.

Nước này đã lấy ý kiến các hãng bay tại sân bay Changi và tất cả đều ủng hộ, theo Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore.

Trợ lý giám đốc Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) Tim Colehan cũng khuyến cáo trong thời gian đợi luật quốc tế, các hãng hàng không, các đơn vị xử lý mặt đất, thậm chí các nhà hàng tại sân bay cũng có thể tự hành động.

Ví dụ, nếu phát hiện hành khách có hành vi gây rối tại quầy check-in hoặc qua cửa an ninh, cơ quan mặt đất có thể cảnh báo với các hãng hàng không để các hãng này xem xét có cho những hành khách đó lên máy bay hay không.

Người phát ngôn Singapore Airlines Nicholas Ionides cũng khẳng định nhân viên mặt đất của hãng có thể từ chối cho những hành khách có biểu hiện không đúng mực lên máy bay, để bảo đảm an toàn và sự thoải mái cho các hành khách khác.

“Mục tiêu luôn là xoa dịu tình hình nhưng điều này không phải lúc nào cũng có thể được, vì vậy đôi khi chúng tôi phải giao hành khách cho cảnh sát địa phương sau khi hạ cánh” - chủ tịch Hội Liên hiệp hàng không Singapore Alan Tan nói.

Hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air mới đây còn đẩy mạnh việc huấn luyện phi hành đoàn sử dụng súng bắn điện.

Cuối năm ngoái, hãng hàng không này trở thành tâm điểm của sự chú ý sau vụ nam ca sĩ nổi tiếng Richard Marx giúp đỡ phi hành đoàn khống chế một hành khách gây rối trên chuyến bay từ Hà Nội đến Seoul.

Sau vụ việc, cả nam ca sĩ và vợ đều lên tiếng phàn nàn tiếp viên của hãng không được đào tạo tốt cho việc xử lý tình huống trên.

Cuối tháng 2, Cơ quan Hàng không dân dụng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cho biết cơ quan này đang xem xét ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn để xử lý hành khách gây rối trên các chuyến bay.

Hồi tháng 1, phi hành đoàn trên một chuyến bay đi từ Dubai sang New Delhi đã phải khống chế một hành khách bạo lực sau khi người này từ chối tuân thủ các quy định an ninh.

Một số vụ tương tự cũng được báo cáo trong những năm gần đây, trong đó có trường hợp một hành khách gây rối suốt gần 6 tiếng đồng hồ trên một chuyến bay từ Dubai đi Melbourne.

Theo thống kê của IATA, số ca hành khách gây rối trên các chuyến bay trong năm 2015 đã tăng 17% lên 10.854 ca, tương đương cứ 1.205 chuyến bay là lại có 1 vụ hành khách gây rối. Trong khi đó, số vụ gây rối năm 2014 là 9.316, tương đương 1 vụ/1.282 chuyến. Từ năm 2010-2013, các hãng hàng không báo cáo có 20.000 hành khách gây rối.

NGỌC đÔNG
Tuổi trẻ

© 2021 FAP
  13,563,885       9/937