Giáo dục

Nhiều thí sinh ghi nhầm mã ngành khi xét tuyển đại học

Có phụ huynh, thí sinh còn tham khảo tài liệu hướng dẫn tuyển sinh của năm 2015 dẫn đến ghi sai mã ngành.

Bước sang ngày thứ hai đăng ký xét tuyển, nhận thấy thí sinh mắc nhiều lỗi, nhóm trường GX đã đưa ra 3 lưu ý để đảm bảo quyền lợi cho các em trong đợt xét tuyển đầu tiên.

Thứ nhất, thí sinh ghi MÃ NGÀNH không đúng dẫn tới không thể nhập dữ liệu nguyện vọng đăng ký vào hệ thống. Điều này có thể do thí sinh lấy mã ngành từ các nguồn không chính thức. Thí sinh xem mã ngành chính thức của nhóm GX tại đây. Đại học Bách khoa Hà Nội đã phải in thông tin mã ngành, mã trường, chỉ tiêu của 12 trường thuộc nhóm GX, dán tại bảng tin khu vực nộp hồ sơ để thí sinh tham khảo nếu đến trường đăng ký xét tuyển.

Thứ hai, thí sinh nộp nhiều Phiếu đăng ký xét tuyển (nhiều hơn 1) khi đăng ký xét tuyển vào nhóm GX. Điều này xảy ra có thể do thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển tại trường mà vẫn đăng ký online thông qua trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thí sinh đã nộp phiếu đăng ký xét tuyển tại trường này trong nhóm GX, sau đó sang nộp phiếu nữa tại trường khác cũng trong nhóm GX; hoặc vừa nộp qua bưu điện, vừa đăng ký online...

Theo quy định, khi đăng ký xét tuyển vào các trường trong nhóm GX thì thí sinh chỉ cần nộp một Phiếu đăng ký xét tuyển. Nếu nộp nhiều phiếu đăng ký thì hệ thống chỉ chấp nhận phiếu được nhập vào đầu tiên. Các phiếu khác sẽ không có giá trị.

nhieu-thi-sinh-ghi-nham-ma-nganh-khi-xet-tuyen-dai-hoc

Thí sinh, phụ huynh nộp hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Cuối cùng, với các trường có đặt ngưỡng điểm sàn cho nhóm ngành, thí sinh lưu ý điểm xét tuyển cần thỏa mãn điều kiện sơ tuyển này để tránh bị loại mất nguyện vọng đăng ký.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Hiệu phó Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, mọi thông tin tuyển sinh đều được hướng dẫn cụ thể trên website của nhóm GX qua địa chỉ http://tsgx.vn cũng như qua các buổi tư vấn tuyển sinh trước đó. Đa phần thí sinh đều hỏi về ngành nghề, với số điểm này thì nên đăng ký vào trường nào mà không phải là những thủ tục đăng ký khi xét tuyển.

Qua thực tế khi đến trường nộp hồ sơ xét tuyển, nhiều em mang theo mẫu đăng ký tải trên mạng không phải của nhóm GX. Cán bộ tuyển sinh phải in sẵn phiếu và để ở khu vực nộp hồ sơ để các em đăng ký chính xác.

"Phụ huynh lẫn thí sinh khi đăng ký nguyện vọng vào các trường trong nhóm nên tìm hiểu kỹ thông tin, ghi chính xác mã ngành, mã trường trên trang chính thống của nhóm GX hoặc vào website từng trường để tránh bị nhầm lẫn dẫn đến mất quyền lợi xét tuyển", thầy Tớp lưu ý.

GX là nhóm 12 trường đại học, học viện trong khu vực Hà Nội cùng thực hiện một phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2016 theo Đề án tự chủ tuyển sinh theo nhóm trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua. 12 trường gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Xây dựng, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng, Đại học Thăng Long và Học viện Chính sách phát triển.

Thí sinh được đăng ký xét tuyển vào nhiều trường trong nhóm, mỗi trường 1 hoặc 2 nguyện vọng nhưng tổng số nguyện vọng được đăng ký không quá 4 ở đợt 1 và không quá 6 ở các đợt xét tuyển bổ sung. Ví dụ trong đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào 4 trường khác nhau trong nhóm nếu mỗi trường đăng ký 1 nguyện vọng, hoặc đăng ký vào 3 trường khác nhau trong nhóm nếu đăng ký 2 nguyện vọng vào một trường và 2 nguyện vọng còn lại đăng ký vào 2 trường.

Thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào 2 trường trong nhóm ở đợt 1 hoặc 3 trường trong nhóm ở đợt xét tuyển bổ sung thì không được đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài nhóm. Khi đăng ký, các em không nhất thiết phải chọn đủ tất cả nguyện vọng, song những nguyện vọng không đăng ký phải gạch chéo để khẳng định là không chọn. Lưu ý, thí sinh phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới.

Phương Hòa

VNExpress

thí sinh, ghi nhầm, mã ngành, xét tuyển, đại học, thi THPT quốc gia


© 2021 FAP
  1,118,446       1/940