Giáo dục

Niềm tin vào cuộc sống của cô bé mồ côi cha

Ngoan ngoãn, hiền lành, ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình nên Như Ý luôn cố gắng học và đạt thành tích khá trong lớp.

Ngay khi tôi ngồi chia sẻ những dòng chữ này, có lẽ phần nhiều các bạn đang quây quần bên mâm cơm cùng gia đình; cũng có thể đang vui vẻ cùng bạn bè dạo phố về đêm; hay đơn giản chỉ là một mình thỏa thích đắm chìm trong sở thích, đam mê của bản thân… Nhưng các bạn có biết, cách chỗ tôi chưa đầy 25 km, có một mầm non đang mất dần đi tương lai chỉ vì một lý do mà người đời hay gọi đó là số phận.

Gặp em, chắc hẳn mọi người sẽ không thể quên một cô bé có gương mặt xinh xắn, thông minh và hiền lành. Hiện rõ trong đôi mắt ấy là môt nỗi buồn vô định và tuyệt nhiên em không bao giờ cười. Em là người con của vùng đất nhiễm phèn mặn Nhà Bè và mọi người gọi em với cái tên Hồ Phạm Như Ý.

mong-mot-phep-mau-cho-co-be-mo-coi

Như Ý là học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, TP HCM. Không hơn không kém Như Ý chỉ đơn giản là một cái tên, bởi nó chẳng thể mang đến cho em những điều may mắn và hạnh phúc. Em là con gái đầu trong gia đình có ba là công nhân của khu công nghiệp Hiệp Phước và có một em trai cách mình 5 tuổi. Nhưng cái hạnh phúc nhỏ nhoi có cha mẹ, chị em cũng chẳng tồn tại được lâu. Năm ngoái, ba em ra đi đột ngột vì bị đột quỵ trong lúc làm việc, để lại 3 mẹ con em cùng một sinh linh nhỏ bé chưa chào đời 5 tháng tuổi. Một mất mát quá lớn đối với cô bé như em. Rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trầm trọng, em đã phải tạm nghỉ học trong suốt một năm dài. Đó cũng là lý do vì sao nay em chỉ học lớp 3 trong khi đã 9 tuổi.

Khó khăn chồng chất khó khăn, mẹ em chỉ còn cách đi xin làm công nhân, nhưng khu công nghiệp chẳng nhận vì không biết chữ. Chật vật mãi, chị được thương tình nhận vào làm tạp vụ cho khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An. Chỗ làm xa nhà, chị phải tranh thủ đi từ 3h sáng đến tận tối mới về đến nhà. Đồng lương ít ỏi mà chị nhận được hàng tháng còn chẳng đủ cho chị nuôi 3 đứa con, chứ chưa nói đến việc sửa sang lại căn nhà lá xiêu vẹo mấy chục năm nay. Phần lớn thời gian của chị đều dành để đi làm, nên lâu nay Ý và các em đều được bà nội chăm nom, thậm chí việc học của Ý cũng là nhờ bà và các cô chú giúp đỡ.

mong-mot-phep-mau-cho-co-be-mo-coi-1

Ngoan ngoãn, hiền lành, ý thức được hoàn cảnh của bản thân, em luôn cố gắng học và được học lực khá trong lớp. Nhưng cũng bởi bản tính hiền lành ấy, mà em bị bạn bè ở trường bắt nạt, chọc đánh suốt. Thương con xót cháu, mẹ và bà nội cũng nhiều lần chia sẻ với nhà trường nhưng tình hình chẳng cải thiện là bao. Chẳng lẽ những nỗi đau tình thần ấy còn chưa đủ?

“Con người không được chọn cách mình sinh ra, nhưng được chọn cách mình lớn lên”. Nhưng với em, ai sẽ cho em cơ hội được lớn lên đây khi ba em không còn, mẹ em bất lực còn bà nội em thì không thể bên em mãi được. Tôi sợ rằng, chỉ mai đây thôi, cái khắc nghiệt của cuộc sống ấy sẽ lấy luôn của em cái cơ hội được đến trường. Tôi sợ rằng, cánh cửa tương lai của em sẽ đóng lại, mãi mãi không mở ra được. Mong ai đó hãy cho tôi thấy phép màu là có thật!

Nguyễn Thị Thu Trang

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,115,324       6/1,000