Kinh tế

Gỡ khó cho chương trình nước sạch nông thôn

Đảm bảo cho người dân nông thôn được sử dụng nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và NTM nâng cao. Tuy nhiên, việc này cần nguồn vốn lớn để đầu tư hệ thống nước sạch, trong khi hiện nhiều địa phương đang gặp khó khăn trong vận động doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư.

Trạm cấp nước Xuân Thạnh cấp nước sạch cho hơn 1 ngàn hộ dân ở thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên
Trạm cấp nước Xuân Thạnh cấp nước sạch cho hơn 1 ngàn hộ dân ở thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Là tỉnh đi đầu trong xây dựng NTM và NTM nâng cao, Đồng Nai đang tập trung mọi giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu về nước sạch nông thôn. Cụ thể, trong năm 2019, tỷ lệ số hộ dân nông thôn Đồng Nai sử dụng nước sạch theo QC02 đạt trên 75% và hướng tới tất cả người dân nông thôn đều được sử dụng nước sạch.

* Chưa đạt kế hoạch

Theo Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn về kết quả thực hiện chỉ tiêu nước sạch nông thôn, từ năm 2016, 100% số dân nông thôn của Đồng Nai đều được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch theo QC02 đạt 60%; tỷ lệ các trường mầm non, phổ thông và trạm y tế xã ở nông thôn có đủ nước sạch theo QC02 đạt 100%.

Toàn tỉnh hiện có 93 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn đang hoạt động, tổng công suất thiết kế cung cấp cho trên 371,5 ngàn người. Về lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình, dự kiến trong năm 2019, toàn tỉnh sẽ lắp đặt được gần 5,4 ngàn thiết bị, cung cấp nước sạch cho trên 21,6 ngàn người. Ngoài ra, người dân tự đầu tư thiết bị lọc nước với trên 13 ngàn người được sử dụng nước sạch.

Tính đến năm 2018, dân số nông thôn toàn tỉnh gần 2 triệu người. Tổng số trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh là 801 trường và 136 trạm y tế xã. Đến tháng 9-2019, tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QC02 đạt 72,8%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2019 là tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo QC02 đạt 75% (tăng 5% so với năm 2018), việc thực hiện thu hút đầu tư cho các dự án nước sạch nông thôn được đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, giai đoạn 2014-2019, toàn tỉnh triển khai thực hiện 35 dự án nước sạch, có tổng công suất gần 233,6 ngàn m3/ngày đêm với tổng kinh phí thực hiện gần 1,95 ngàn tỷ đồng. Trong đó, vốn doanh nghiệp và nhân dân đóng góp gần 1,7 ngàn tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước chỉ có gần 316 tỷ đồng.

Đến nay, toàn tỉnh có 19 công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng với tổng công suất thiết kế trên 115 ngàn m3/ngày đêm với tổng kinh phí thực hiện trên 1,6 ngàn tỷ đồng, vốn xã hội hóa 1,4 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, còn 8 dự án nước sạch đang thực hiện với tổng kinh phí 183 tỷ đồng. 

Nói về khó khăn trong đầu tư các dự án nước sạch nông thôn, ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho biết, một số dự án cấp nước sạch nông thôn chậm triển khai do phải thực hiện điều chỉnh nguồn vốn thực hiện, cập nhật quy hoạch sử dụng đất; nguồn kinh phí bố trí cho các dự án cấp nước sạch chưa đáp ứng so với nhu cầu quy hoạch... “Ngoài ra, người dân khu vực nông thôn sống không tập trung, chi phí đầu tư lớn nên một số nhà đầu tư đăng ký tham gia nhưng sau khi lập phương án đầu tư thấy không hiệu quả đã rút lui” - ông Minh nói.

* Đảm bảo vùng sâu không “khát” nước

Nhiều năm qua cứ đến mùa khô là người dân ở nhiều xã vùng sâu huyện Định Quán lại rơi vào cảnh không có nước sinh hoạt. Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán Ngô Tấn Tài cho biết, trong năm 2019, nguồn ngân sách huyện tập trung đầu tư cho 3 công trình, dự kiến đến cuối năm nay sẽ hoàn thành và cấp nước cho thêm khoảng 1,3 ngàn hộ; đạt chỉ tiêu NTM về tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Ngoài ra, huyện được tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư từ nguồn ngân sách dự án cấp nước cho 3 xã Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2020 và cung cấp nước cho khoảng 10 ngàn hộ. Một dự án khác cũng dự kiến sẽ cấp nước cho trên 2 ngàn hộ. Theo ông Tài: “Như vậy, khi các công trình trên đều hoàn thành thì đến năm 2020, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch sẽ đạt 90%, vượt mục tiêu đề ra. Huyện cũng đang tích cực triển khai hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, gia đình chính sách trong lắp đặt thiết bị lọc nước hộ gia đình”.

Huyện Cẩm Mỹ cũng là địa bàn khan hiếm nguồn nước nên được đặc biệt quan tâm triển khai các giải pháp cũng như ưu tiên đầu tư các dự án cấp nước sinh hoạt cũng như thủy lợi. Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, toàn huyện có 12 trạm cấp nước tập trung nhưng đa số có quy mô nhỏ, nguồn nước ít nên hiện chưa đạt chỉ tiêu về nước sạch nông thôn.

Thời gian tới, huyện tiếp tục sửa chữa, nâng cấp, đầu tư thêm 3 trạm cấp nước của Sông Ray và Xuân Đông; đặc biệt dự án cấp nước tập trung tại xã Xuân Mỹ đã hoàn thành nghiệm thu cung cấp nước cho khoảng 8 ngàn hộ dân sẽ đạt mục tiêu đề ra về chỉ tiêu nước sạch nông thôn vào năm 2020. Ông Thắng kiến nghị: “Hiện quy hoạch nước cung cấp cho cụm công nghiệp và Khu đô thị Long Giao của huyện gặp khó khăn, mong tỉnh sớm có chỉ đạo để địa phương được sử dụng nguồn nước từ dự án hồ Cầu Mới. Đồng thời, dự án hồ Thoại Hương cũng vượt quá khả năng của huyện vì vốn đầu tư lớn”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh nhấn mạnh, chương trình nước sạch nông thôn là nhiệm vụ mang tính đột phá trong xây dựng NTM, do đó các địa phương cần rà soát lại tất cả các công trình, dự án, nhiệm vụ trên từng địa bàn; công trình nào cần đẩy nhanh, công trình nào không còn phù hợp để chuyển đổi. Các sở, ngành liên quan cần chú trọng ưu tiên đầu tư những công trình trọng điểm, những địa bàn vùng sâu, vùng xa để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2020.

Bình Nguyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,118,968       4/1,008