Kinh tế

Dẫn đầu trong hình thành chuỗi liên kết

Những năm gần đây, huyện Xuân Lộc đang hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững bằng những mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản được xem là nhiệm vụ hàng đầu.

TIN LIÊN QUAN

Huyện Xuân Lộc khuyến khích xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn. Trong ảnh: Vùng trồng rau tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc)
Huyện Xuân Lộc khuyến khích xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn. Trong ảnh: Vùng trồng rau tại xã Xuân Bắc (huyện Xuân Lộc). Ảnh:L.Quyên

Với vai trò định hướng, hỗ trợ và tạo sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp cung cấp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, các cấp ủy, lãnh đạo huyện Xuân Lộc rất quan tâm đến việc vận dụng các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với sản xuất, tiếp sức cho nông dân phát triển theo mô hình chuỗi liên kết.

* Tranh thủ những chính sách ưu đãi

Là huyện có thế mạnh về phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao trong sản xuất nông nghiệp bao gồm cả chăn nuôi và trồng trọt, huyện Xuân Lộc trở thành nơi có nguồn cung cấp nông sản lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số mặt hàng nông sản như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, bưởi và các loại gia súc, gia cầm…được sản xuất theo hướng an toàn, đạt chuẩn Vietgap.

Để sản phẩm của nông dân có đầu ra ổn định, cùng với những chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ nông sản xây dựng cánh đồng lớn, Xuân Lộc đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các HTX tham gia xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo hướng cánh đồng lớn.

Tham gia chuỗi liên kết, nông dân có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tiếp cận nhanh những ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới, thực hiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời được Nhà nước hỗ trợ tổ chức và tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh.

Chia sẻ về vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân hình thành chuỗi liên kết, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định), chủ đầu tư dự án chuỗi liên kết sầu riêng cho biết, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước đã giúp cho nông dân bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm, nâng cao ý thức bà con trong việc sản xuất nông nghiệp sạch. “Bản thân tôi rất phấn khởi khi Nhà nước có chính sách này đã giúp tôi hiểu và có trách nhiệm hơn trong sản xuất, mang về lợi nhuận kinh tế cao, kéo theo đời sống người dân được nâng cao rõ nét” -  bà Nga nói.

* Nông dân tự tin ra “biển lớn”

Theo Phó chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Văn Linh, đến nay trên địa bàn huyện đã có 11 dự án chuỗi liên kết hình thành, trong đó có 6 dự án chuỗi liên kết đã được UBND tỉnh phê duyệt do HTX làm chủ đầu tư. Để nông dân tìm đầu ra cho sản phẩm và gặp gỡ các đối tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, huyện đã phối hợp với các cơ quan: Liên minh HTX tỉnh, Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương), Sở Khoa học - công nghệ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm của mình.

Trứng gà Thanh Đức là doanh nghiệp tiên phong của Xuân Lộc ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất đến tiêu thụ.
Trứng gà Thanh Đức là doanh nghiệp tiên phong của Xuân Lộc ứng dụng công nghệ cao từ sản xuất đến tiêu thụ. Ảnh:L.Quyên

Ngoài những chính sách hỗ trợ từ huyện, nhiều nông dân còn tự bỏ chi phí để đi học tập kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả, tham gia các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại... để quảng bá sản phẩm và tìm đối tác. Các dự án chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả, quy trình sản xuất và đầu ra cho sản phẩm của nông dân được bảo đảm, một số sản phẩm được bán rộng rãi thị trường trong nước và đứng được trên thị trường ngoài nước như: Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ…

Một số dự án chuỗi liên kết hoạt động hiệu quả của huyện như: dự án chuỗi liên kết bắp, lúa của HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến; dự án chuỗi liên kết sầu riêng của HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định; dự án chuỗi liên kết xoài của HTX nông nghiệp dịch vụ thương mại và du lịch Suối Lớn... Hầu hết các chuỗi liên kết đều có sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, thu hút sự đầu tư hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có Công ty TNHH thương mại dịch vụ sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức là doanh nghiệp điển hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trứng gà tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thời gian gần đây, một số nước có sự thay đổi về quy định nhập khẩu trái cây, yêu cầu đơn vị xuất khẩu phải truy xuất nguồn gốc, quy trình chăm sóc cây nên đang phần nào tạo khó khăn cho nông dân trong vấn đề “xuất ngoại” trái cây, nhiều nông dân mong muốn sớm được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như ngành chức năng trong tỉnh trong việc hoàn thành hồ sơ về truy xuất nguồn gốc để trái cây Xuân Lộc sớm có cơ hội vươn ra “biển lớn”.

Nông dân phải chủ động tiếp cận thị trường nhắm tới

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX xoài Suối Lớn cho biết, thành lập chuỗi liên kết giúp nông dân hỗ trợ nhau rất nhiều trong sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của địa phương, nông dân phải chủ động nắm bắt thị trường chung.

Mỗi nước có quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khác nhau. Dù nhiều HTX đang sản xuất, chăm sóc cây, con theo quy trình VietGAP, có chứng nhận đầy đủ nhưng nếu thị trường nơi người nông dân dự định xuất khẩu nông sản có quy định về quy trình sản xuất, chăm sóc khác với quy trình VietGAP và một số chất không được quốc gia đó chấp nhận thì cũng không thể xuất khẩu vào thị trường của họ. Do đó, nông dân phải thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất để nắm bắt và tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con trong chuỗi liên kết cùng sản xuất, bảo đảm sản phẩm tiêu thụ đạt chất lượng và an toàn.

Ngọc Liên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,274,098       4/1,017