Kinh tế

Khai thác nước ngầm: Nhiều nơi vượt mức an toàn

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, việc khai thác nước dưới mặt đất (nước ngầm) đã vượt mức an toàn. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức nguồn nước này vẫn đang tiếp tục diễn ra.

Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, việc khai thác nước dưới mặt đất (nước ngầm) đã vượt mức an toàn. Tuy nhiên, tình trạng khai thác quá mức nguồn nước ngầm, trong đó có sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp vẫn đang diễn ra.

Khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: P.Tùng
Khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông nghiệp tại xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ). Ảnh: P.Tùng

* 4 địa phương vượt mức an toàn

Theo Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT), trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngầm trên địa bàn tỉnh vào khoảng gần 6 triệu m3/ngày; trữ lượng khai thác an toàn (40% trữ lượng tiềm năng) là hơn 2 triệu m3/ngày. Hiện nay, mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh khai thác, sử dụng gần 1,4 triệu m3 nước ngầm/ngày, chưa vượt mức khai thác an toàn.

Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Ngọc Hưng, xét riêng từng địa phương, hiện đã có 4 địa phương khai thác nước ngầm vượt mức an toàn gồm: Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch, Long Thành.

Mục đích khai thác nước ngầm hiện chủ yếu vẫn phục vụ cho mục đích sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và một phần cho sản xuất công nghiệp.

Trước đây, do hệ thống cung cấp nước mặt còn hạn chế nên UBND tỉnh và Bộ TN-MT đã cấp phép cho nhiều đơn vị được khai thác nước ngầm. Những năm gần đây, để bảo vệ nguồn nước ngầm khỏi nguy cơ cạn kiệt, Đồng Nai đã đầu tư xây dựng, lắp đặt mới hàng trăm cây số đường ống để cung cấp nước sạch được khai thác từ các nguồn nước mặt. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất vẫn tồn tại khá phổ biến. “Tính riêng tại huyện Nhơn Trạch, việc khai thác nước ngầm đang giải quyết đến gần 83% nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn” - ông Nguyễn Ngọc Hưng cho hay.

Tại một số địa phương khác như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, việc khai thác quá mức cũng đang khiến cho nguồn nước ngầm đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.

Ông Huỳnh Tấn Thìn, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ cho hay, hiện nay do nguồn nước ngầm trên địa bàn cạn kiệt nên nhiều khu vực xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhất là vào mùa khô. Ngoài ra, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cũng rất khó khăn.

Nghiêm trọng hơn, việc nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức hiện đang gây ra nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước ngầm và sụt lún đất nền. Từ năm 2017, Sở Xây dựng đã có cảnh báo về tình trạng đất nền trên địa bàn tỉnh bị sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức.

* Có nước máy, vẫn dùng nước ngầm

Từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã có chủ trương ngưng khai thác nước ngầm, đặc biệt là cho mục đích sản xuất công nghiệp tại những khu vực đã có nguồn nước máy hoặc nước mặt thay thế.

Theo Sở TN-MT, đến nay, 16 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác nước ngầm đã ngưng khai thác, tiến hành đấu nối để sử dụng nước sạch.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn 3 doanh nghiệp và tổ chức được Bộ TN-MT cấp phép khai thác nước ngầm đang tiếp tục khai thác, dù đã có nguồn cung nước máy với sản lượng lên đến hàng chục ngàn m3/ngày.

Trong số này, Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO là đơn vị có sản lượng khai thác lớn nhất với hơn 33 ngàn m3/ngày. Nguồn nước ngầm được doanh nghiệp này khai thác hiện đang được cung cấp lại cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại 2 khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch) sử dụng.

Việc Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO khai thác nước ngầm với sản lượng lớn phục vụ sản xuất công nghiệp không chỉ gây ra nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên nước mà còn khiến doanh nghiệp cung cấp nước máy... gặp khó.

Ông Ngô Dương Đại, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Nhơn Trạch cho hay, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, trong đó có 2 khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 5 đã được cung cấp nước máy từ năm 1997. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp vẫn mua nước ngầm từ đơn vị đầu tư hạ tầng thay vì mua nước máy để sử dụng. “Công suất thiết kế của nhà máy có thể cung cấp khoảng 80 ngàn m3 nước máy/ngày. Tuy nhiên, hiện nhà máy mới chỉ hoạt động được hơn 50% công suất. Bởi nếu tăng công suất thì chúng tôi không biết bán nước cho ai” - ông Ngô Dương Đại cho hay.

Cũng theo ông Ngô Dương Đại, nguyên nhân khiến đơn vị kinh doanh hạ tầng “chần chừ” trong việc thay thế nước ngầm bằng nguồn nước máy chủ yếu do lợi ích kinh tế. Bởi giá bán nước máy phục vụ sản xuất công nghiệp hiện nay 11.500 đồng/m3, trong khi việc khai thác nguồn nước ngầm giá thành chỉ bằng một nửa.

Trong khi đó, theo Sở TN-MT, do đây là các giấy phép do Bộ TN-MT cấp và vẫn còn thời hạn nên Sở đã kiến nghị Bộ không gia hạn, cấp mới hoặc điều chỉnh các giấy phép này khi hết thời hạn.

Hai giấy phép khai thác nước ngầm do Bộ TN-MT cấp cho Công ty TNHH một thành viên phát triển đô thị và khu công nghiệp IDICO gồm: giấy phép số 1292/GP-BTNMT (cấp ngày 20-7-2010 có thời hạn đến ngày 20-7-2020) với sản lượng 22 ngàn m3/ngày đêm, khai thác tại 24 vị trí giếng đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (xã Phú Hội); giấy phép số 1997/GP-BTNMT (cấp ngày 1-9-2016 có thời hạn đến ngày 1-9-2021) với sản lượng 11,5 ngàn m3/ngày đêm, khai thác tại 18 vị trí giếng đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (xã Long Tân).

Ngoài ra còn giấy phép khai thác nước ngầm số 1040/GP-BTNMT (cấp ngày 6-5-2015 có thời hạn đến 6-5-2020) do Bộ TN-MT cấp cho Ban Quản lý dự án 45, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng với sản lượng 3 ngàn m3/ngày đêm, khai thác tại 21 vị trí giếng đặt tại phường Long Bình Tân (TP.Biên Hòa).

Phạm Tùng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,110,654       2/1,039