Dù bị đánh giá là một đô thị thiếu điểm nhấn về kiến trúc, cảnh quan, tuy nhiên bản thân đô thị Biên Hòa lại mang trong mình rất nhiều tiềm năng để tạo dựng bản sắc riêng.
Sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa có nhiều tiềm năng trong việc kiến tạo cảnh quan đô thị. Ảnh: Q.NHI |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Theo UBND TP.Biên Hòa, cù lao Hiệp Hòa hiện có 22 công trình tôn giáo, lịch sử được xếp hạng. Trong đó có 4 di tích được xếp hạng cấp quốc gia gồm: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; chùa Ông; chùa Đại Giác; đình Bình Quan và18 di tích hạng phổ thông. Ngoài ra cù lao Hiệp Hòa còn có các nhà cổ, mộ cổ và đài tưởng niệm liệt sĩ. |
Kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Dũng, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho hay, ở nước ta có nhiều dòng sông chảy qua các đô thị. Tuy nhiên, sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP.Biên Hòa có những lợi thế mà ít dòng sông khác có được. “Sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa rất ít xảy ra lũ và nếu có thì cũng không lớn. Hai bên bờ sông cũng có rất nhiều di tích lịch sử và các thiết chế văn hóa tâm linh” - ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết.
Từ đặc điểm này của dòng sông Đồng Nai, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, đô thị Biên Hòa có rất nhiều lợi thế để trở thành một đô thị ven sông, “trên bến, dưới thuyền”.
Thực tế, bản thân sông Đồng Nai đã mang trong mình các giá trị về giao thông, lịch sử. Ngoài ra, với đặc điểm ít lũ lụt, dòng sông này cũng mang trong mình tiềm năng kiến tạo cảnh quan cho đô thị Biên Hòa. Vấn đề là cần có một cái nhìn chính xác để kiến tạo cảnh quan. Không nên tách biệt các sinh hoạt cộng đồng với dòng sông, có như vậy mới phát huy được giá trị cảnh quan của sông Đồng Nai.
Dẫn chứng cho điều này, ông Nguyễn Mạnh Dũng cho rằng, hiện nay công trình bờ kè Công viên Nguyễn Văn Trị là công trình duy nhất khai thác sông Đồng Nai để kiến tạo cảnh quan cho TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, công trình này lại được tính toán theo hướng “chống ngập” nhiều hơn là kiến tạo cảnh quan. Vì thế, bờ kè Công viên Nguyễn Văn Trị được xây dựng quá cao so với mặt sông.
Điều này khiến cho việc tương tác giữa con người với mặt nước sông bị hạn chế và làm mất đi giá trị của dòng sông. Do đó, với những dự án ven sông sẽ được triển khai trong thời gian tới, việc tính toán độ cao để cộng đồng dân cư có thể tương tác trực tiếp với mặt nước sông Đồng Nai là yếu tố cần được chú ý. “Chúng ta có thể chấp nhận một số vùng, một số điểm có lúc sẽ bị ngập bởi thời gian ngập là không dài. Do đó, kè ven sông không nên xây quá cao làm hạn chế khả năng giao tiếp giữa con người với dòng sông dẫn đến hạn chế giá trị cảnh quan của nó” - ông Nguyễn Mạnh Dũng nhấn mạnh.
Theo một số chuyên gia, không gian đô thị ven sông của TP.Biên Hòa ngoài yếu tố chính là sông Đồng Nai còn được “bổ khuyết” bởi những giá trị văn hóa, lịch sử từ cù lao Hiệp Hòa, vốn được xem là nơi in đậm dấu ấn “mở đất phương Nam”.
Với hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo, cù lao Hiệp Hòa nếu được quy hoạch và phát triển hợp lý sẽ kết hợp cùng dòng sông Đồng Nai tạo nên không gian đô thị riêng có của TP.Biên Hòa. “Cù lao Hiệp Hòa nằm ở vị trí cửa ngõ của TP.Biên Hòa. Nơi đây có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử và tôn giáo. Do đó, nếu quy hoạch và phát triển đúng sẽ tạo ra một không gian điểm nhấn cho đô thị Biên Hòa”- ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng Thiết kế Công ty kiến trúc ATA (trụ sở TP.Hồ Chí Minh, đơn vị đang lập quy hoạch phân khu cù lao Hiệp Hòa) cho biết.
* Chỉ hấp dẫn khi có “cái riêng”
Thừa nhận cần có thêm các công trình kiến trúc tạo điểm nhấn, tuy nhiên ông Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cũng cho rằng việc quy hoạch, kết nối giao thông để lan tỏa các giá trị sẵn có của đô thị Biên Hòa mới là yếu tố để tạo ra bản sắc riêng.
Khu vực cù lao Hiệp Hòa và dọc hai bên bờ sông Đồng Nai có rất nhiều di tích được công nhận cấp quốc gia. Tuy nhiên, những năm qua, do hệ thống giao thông kết nối, thông tin quảng bá nên những giá trị này chưa tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, nhất là đối với du khách ngoại tỉnh. Điều này khiến cho hình ảnh của đô thị Biên Hòa chưa thực sự ấn tượng trong mắt du khách.
Từ thực tế trên, yêu cầu trong quá trình kiến tạo cảnh quan đô thị Biên Hòa đòi hỏi phải luôn gắn liền nhu cầu phát triển với bảo tồn di sản và phát huy những giá trị của nó. Việc hình thành được các không gian sinh hoạt cộng đồng lớn, có tính chất mở để kết hợp kiến trúc cảnh quan và hệ thống di sản sẽ giúp TP.Biên Hòa tạo được nét riêng. Bởi đây là những giá trị thuộc “sở hữu riêng” của đô thị Biên Hòa, do đó nó đã mang sẵn bản sắc riêng.
Nhiều kiến trúc sư tâm huyết với Biên Hòa có chung nhận định, quá trình đô thị hóa thường xảy ra tình trạng “chạy đua” trong xây dựng, tức chú trọng quá nhiều vào các công trình cao tầng, chung cư, cao ốc. Điều này dẫn đến việc nhiều đô thị bị đánh mất bản sắc riêng của mình. Do đó, việc giữ gìn, phát huy và làm lan tỏa những giá trị sẵn có mới là hướng đi để tạo bản sắc riêng, tạo nên sự hấp dẫn của đô thị.
“Một du khách khi đến Biên Hòa cũng chỉ được chứng kiến những công trình có nét tương đồng, na ná như ở một thành phố khác thì rõ ràng là đô thị Biên Hòa thiếu nét riêng. Đô thị thiếu nét riêng thì khó hấp dẫn, khó tạo được ấn tượng”- kiến trúc sư Lý Thành Phương tâm tư.
Quỳnh Nhi