Kinh tế

Có phương án an toàn cho các hồ

Đồng Nai là nơi có nhiều hồ, tương tự như những "túi nước" khổng lồ, do vậy cần quan tâm phương án bảo vệ an toàn cho trường hợp mưa lớn kéo dài, nước hồ dâng cao.

Trung tuần tháng 8-2019, mưa lớn kéo dài khiến nhà máy thủy điện ở Đắk Nông gặp sự cố, các hồ khác trên thượng nguồn lo lắng, tăng xả tràn. Hậu quả là đã gây ngập lụt lớn cho vùng hạ du và Đồng Nai cũng bị thiệt hại nặng nề. Đồng Nai là nơi có nhiều hồ, tương tự như những “túi nước” khổng lồ,  do vậy cần quan tâm phương án bảo vệ an toàn.

Hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) được xây dựng cách đây 32 năm nhưng chưa từng xảy ra sự cố
Hồ Suối Vọng (huyện Cẩm Mỹ) được xây dựng cách đây 32 năm nhưng chưa từng xảy ra sự cố

TIN LIÊN QUAN
Những hồ chứa nước của tỉnh được xây dựng ở những khu vực dưới chân đồi, địa thế khá cao để giảm chi phí đầu tư và dễ dàng tích nước. Khoảng 4-5 năm nay, biến đổi khí hậu làm thời tiết khắc nghiệt, những cơn mưa lớn thường hay dồn dập trong giai đoạn ngắn, dễ xảy ra lũ lụt ở vùng hạ du.

* Chưa xảy ra sự cố

Các hồ chứa nước ở Đồng Nai được xây dựng theo từng giai đoạn nhưng đa số có thời gian từ 10-40 năm. Hằng năm đến mùa mưa, khi nước hồ đầy thì  các chủ hồ phải xả tràn về hạ du để đảm bảo an toàn cho công trình. Có những thời điểm mưa lớn, nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về nhanh, buộc các hồ  Trị An, Sông Mây phải xả với khối lượng lớn, cộng với mực nước trên các sông suối đang cao thường gây ngập lụt ở những vùng trũng ven sông thuộc địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) chia sẻ: “Hồ Sông Mây xây dựng được gần 40 năm và ở khá cao so với vùng xung quanh nên khi mưa lũ lớn đổ về hồ, người dân ở vùng hạ du của hồ rất lo lắng. Vì nếu hồ xả tràn với lưu lượng lớn cộng với nước từ các sông suối khác dâng cao thì rất dễ ngập lụt”. Theo bà Hà, vào mùa mưa, người dân rất mong tỉnh, huyện thường xuyên công bố rộng rãi trên báo, đài mực nước trong các hồ, độ an toàn để người dân biết, chủ động trong công tác phòng bị sẽ an tâm hơn.

Hầu hết các hồ tại Đồng Nai thiết kế nằm ở những nơi cao nên giống như  những “túi nước” khổng lồ. Vào mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về hồ với lưu lượng lớn. Nếu hồ xảy ra sự cố thì với khối lượng từ vài triệu mét khối nước đổ xuống cùng lúc rất khó tránh được thiệt hại nặng nề.

Các hồ chứa nước ở Đồng Nai được xây dựng đã nhiều năm là: Sông Mây, Suối Đầm, Bà Long, Thanh Niên (huyện Trảng Bom),Trị An, Đa Tôn, Gia Ui... Trải qua 3-4 thập niên nhưng các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh vẫn khá an toàn, chưa gây ra nguy hiểm cho vùng hạ du.

Ông Vũ Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn) khẳng định: “Từ trước đến nay, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra sự cố gây vỡ đập làm ảnh hưởng nặng đến vùng hạ du. Người dân có thể yên tâm về mức độ an toàn của các hồ”. Ông Việt còn giải thích  thêm, các hồ của Đồng Nai trước khi thi công đều được kiểm tra rất kỹ về địa chất khu vực xung quanh và trong lòng hồ để tính toán thiết kế đạt mức độ an toàn cao. Bên cạnh đó, Đồng Nai là nơi có khí hậu, địa chất ổn định, hơn 50 năm qua chưa phát hiện ra động đất.

Bà Phạm Thị Tuyết, Trạm trưởng Khai thác công trình thủy lợi Tân Phú, Định Quán cho hay: “Hồ Đa Tôn được làm cách đây 30 năm để cung cấp nước tưới cho 1,4 ngàn hécta cây trồng ở những khu vực xung quanh. Vào mùa mưa, lượng nước về hồ đầy, trạm đều có thông báo trước 1-2 ngày với huyện và các xã về lưu lượng xả tràn, cảnh báo mức độ ảnh hưởng để có sự chuẩn bị trước”.

Theo các đơn vị quản lý hồ, vào mùa mưa, diễn biến thời tiết được theo dõi rất kỹ, khi xuất hiện mưa lớn, mực nước trong hồ và lưu lượng nước về hồ được đo đạc thường xuyên để có phương án xử lý kịp thời nên chưa xảy ra sự cố.

* Có phương án bảo vệ vùng hạ du

Ông Trần Đình Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định: “Mỗi năm, tỉnh đều ban hành kế hoạch phòng, chống lụt bão ở các địa phương. Các huyện có hồ chứa nước sẽ làm thêm phương án bảo vệ vùng hạ du của hồ, trong đó xây dựng phương án chi tiết, chuẩn bị sẵn phương tiện để nếu thiên tai, sự cố xảy ra sẽ kịp thời di dời người dân đến những khu vực cao không bị ảnh hưởng”. 

Ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai (đơn vị được giao quản lý 10 hồ trên địa bàn tỉnh) đánh giá, vào đầu mùa mưa lũ, công ty đều kết hợp với các huyện kiểm tra các hồ và nếu có nguy cơ hư hỏng thì tiến hành sửa chữa sớm để trong mùa mưa yên tâm tích nước. Khi có mưa, bão, các đơn vị quản lý hồ sẽ đo lượng nước về hồ và báo liên tục cho công ty để có biện pháp điều tiết liên hồ đảm bảo an toàn cho các công trình và vùng hạ du. Công ty đã kết hợp với các huyện chuẩn bị sẵn phương án phòng chống lũ khi hồ phải xả tràn hoặc có sự cố.

Thực tế, những năm qua, các hồ chứa nước tại Đồng Nai ngoài việc tích nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt thì còn có thêm chức năng điều tiết lũ trong mùa mưa, hạn chế được ngập lụt ở một số vùng trũng.

Khánh Minh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,108,002       4/1,023