Kinh tế

Ngày mới ở Xuân Bảo

Xã Xuân Bảo (huyện Cẩm Mỹ) ngày nay là một miền quê thanh bình, trù phú với nhiều vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, những ngôi nhà khang trang, những con đường trải nhựa sạch đẹp.

Mô hình trồng lan đang được khuyến khích nhân rộng ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ
Mô hình trồng lan đang được khuyến khích nhân rộng ở xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ. Ảnh: Đ. Tài

Thế nhưng, ít ai biết rằng năm xưa, nơi đây vừa là căn cứ địa cách mạng, vừa là chiến trường của các trận đánh. Sau giải phóng, xã Xuân Bảo gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là điều kiện hạ tầng.

* Khởi sắc trên vùng đất đỏ

Là xã miền núi thuần nông nằm ở phía Bắc huyện Cẩm Mỹ, Xuân Bảo có tổng diện tích đất tự nhiên trên 2,1 ngàn hécta, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm hơn 1,9 ngàn hécta.

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Tám (ấp Tân Mỹ), xã Xuân Bảo trước đây có rất nhiều nhà tranh tre, vách lá. Mỗi ngày, học sinh trong xã khi đến trường học ở xã khác phải đi qua con đường đất đỏ bazan mùa mưa thì sình lầy, mùa nắng thì bụi đất bám đỏ quần áo. Thế nhưng, ngày nay mọi thứ hoàn toàn đổi khác. Những ngôi trường đỏ tươi màu ngói, sáng bóng màu sơn nằm ngay trên địa bàn xã, con đường lầy lội, trơn trượt năm xưa nay được trải nhựa thẳng tắp giữa hai bên bờ hoa đẹp mắt. Xã nghèo năm xưa nay xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú từ nông nghiệp.

Trong đó, ông Nguyễn Văn Tám là một trong số những tỷ phú nông nghiệp của địa phương. Ông Tám kể, sau giải phóng, ông là cựu quân nhân trở về Xuân Bảo lập gia đình và trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật và thiếu cả định hướng làm kinh tế nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Năm 2010, được chính quyền và Hội Cựu chiến binh xã hỗ trợ, ông chuyển sang trồng hoa lan. Ban đầu, ông tính trồng lan chỉ để bán hoa cắt cành. Nhưng quá trình học hỏi kinh nghiệm ở các vườn lan trong và ngoài tỉnh, ông Tám nhận thấy, các giống lan ngoại được nhiều người ưa chuộng, giá cao mà lại ít có hàng. Từ đó ông quyết định thử sức với việc nhân giống lan để bán. Quá trình làm, ông Tám nhiều lần thất bại nhưng nhờ sự động viên, hỗ trợ của chính quyền, Hội Cựu chiến binh xã và quyết tâm của bản thân, những cây lan ngoại của ông đã dần trổ bông.

Đến nay, trại lan giống của ông Tám đã mở rộng được hơn 5 ngàn m2. Ngoài việc nhân thành công 3 giống lan ngoại là Vanda, Caslida và lan hồng Thái Lan, ông Tám còn ghép thành công một số giống lan ngoại với lan rừng Việt Nam, cho ra giống mới có màu sắc đẹp, giá bán cao. Ông Tám tiết lộ, trừ các chi phí, mỗi năm ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng, trại lan của ông là điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nông dân trong và ngoài huyện.

Ông Nguyễn Văn Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Bảo chia sẻ, quá trình xây dựng cuộc sống mới ở xã Xuân Bảo mất khá nhiều thời gian do xuất phát điểm về kinh tế, hạ tầng và thói quen canh tác lâu năm của người dân địa phương.

Những năm gần đây, trên cơ sở các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, chính quyền xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ người dân đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác xã. Kết quả kinh tế, văn hóa, xã hội xã Xuân Bảo ngày một khởi sắc. 

* Sức bật từ nông thôn mới

Cũng theo lãnh đạo xã, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã tạo nên sức bật cho xã Xuân Bảo. Kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao.

Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá và tổ chức lấy ý kiến nhân dân và đề ra lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Trong đó, xã ưu tiên làm mới, nâng cấp, sửa chữa đường giao thông nông thôn và hệ thống chiếu sáng; hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật cho nông dân phát triển sản xuất hàng hóa; nâng cấp trạm y tế, nhà văn hóa, các công trình trường học phục vụ người dân và con em trên địa bàn xã...

Trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Xuân Bảo
Trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Xuân Bảo

Nhờ những bước đi cụ thể, chắc chắn, xã Xuân Bảo đã có được những chuyển biến tích cực. Đến nay, 100% tuyến đường giao nông thôn với tổng chiều dài gần 40km ở địa phương đã được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Trên địa bàn xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; 99% hộ có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 66 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 21 triệu đồng/người/năm so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,4%, trên 90% người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Xuân Bảo dần hình thành được các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bơ, sầu riêng, cây cảnh và từng bước hình thành được chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm.

Để người dân hiểu, đồng thuận và để nông thôn mới tạo sức bật cho phát triển, xã đã tập trung tuyên truyền các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia và tiêu chí của tỉnh, đẩy mạnh cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt khuyến khích người dân chủ động, phát huy nội lực. "Thành công trong xây dựng nông thôn mới của ngày hôm nay ngoài sự chủ động phát huy nguồn nội lực trong dân, thì vai trò của cán bộ lãnh đạo rất quan trọng. Đó là sự tâm huyết với công việc, với nhân dân, vận dụng linh hoạt chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước để áp dụng đúng thực tiễn địa bàn, từ đó tập trung tuyên truyền, chỉ đạo nhân dân cùng thực hiện" - ông Đức khẳng định.

Mới đây, xã Xuân Bảo đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có thành tích nổi bật trong xây dựng nông thôn mới.

Lê An - Đình Tài

Đồng Nai

© 2021 FAP
  4,093,646       4/931