Huyện Thống Nhất được biết đến là vùng có diện tích trồng chuối lớn từ nhiều năm nay. Đây cũng là nơi nổi tiếng với món chuối sấy, một đặc sản của địa phương.
Vườn chuối của anh Vũ Thế Vinh (ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) luôn tươi tốt trên vùng đất đá. Ảnh:T.Mộc |
Trước làn sóng người dân ồ ạt thay thế giống chuối truyền thống (chuối bơm và chuối sứ) bằng giống chuối cấy mô xuất khẩu, nhiều hộ dân vẫn duy trì diện tích trồng chuối truyền thống. Để bảo đảm đầu ra cho giống chuối truyền thống, các hộ dân đã cùng với các cơ sở sản xuất chuối sấy, vựa thu mua chuối tạo thành mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chuối bền vững.
* Sức sống trên vùng đất đá
Xã Quang Trung là địa phương có khoảng hơn 800 hécta diện tích trồng chuối truyền thống. Đây được xem là “cái nôi” của nghề làm chuối sấy, đặc sản nổi tiếng của Đồng Nai.
Ông Nguyễn Minh Đại, nông dân trồng chuối có kinh nghiệm nhiều năm nay tại ấp Nguyễn Huệ 2 cho biết, gia đình ông có 2,6 hécta đất trồng chuối, toàn bộ chuối trong vườn là chuối bơm và chuối sứ. Theo ông Đại, 2 giống chuối trên tuy không thể xuất khẩu và không có khả năng mang lại giá trị kinh tế cao bằng chuối cấy mô nhưng đầu ra ổn định. Thực tế, do không bị ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu nên cây chuối truyền thống vẫn có chỗ đứng. Với 2,6 hécta, trong đó phần lớn là chuối bơm, mỗi năm ông Đại thu hoạch được khoảng 35 tấn chuối. Toàn bộ chuối của gia đình ông cung cấp cho cơ sở sản xuất chuối sấy tại địa phương.
Anh Vũ Thế Vinh (ngụ ấp Nguyễn Huệ 2, xã Quang Trung) cho biết, vườn chuối bơm của gia đình anh do ông ngoại anh trồng từ nhiều năm nay. Không chỉ cho trái, vườn còn có nguồn thu nhập từ lá và hoa chuối. Anh Vinh chia sẻ, dù có lẫn nhiều đá, nhưng đất vùng này rất thích hợp với cây chuối. Nhiều cây đội đá vươn lên cho trái rất tốt, vừa cho trái vừa cho lá giúp người trồng kiếm thêm thu nhập. Hiện tại, anh Vinh mở đại lý thu mua chuối và lá chuối để phân phối tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây và các vựa chuối tại TP.Hồ Chí Minh.
Cũng là người trồng chuối lâu năm, ông Nguyễn Văn Ân, ấp Lê Lợi, đang có 2,2 hécta chuối bơm và chuối sứ cho biết, chuối truyền thống tại vùng Quang Trung, Gia Kiệm thường được các tiểu thương thu mua và bán cho các cơ sở sản xuất chuối sấy tại địa phương. Theo ông Ân, chỉ có loại chuối bơm trồng ở khu vực này mới làm chuối sấy ngon vì chuối có vị ngọt, thơm, màu sắc bên trong rất vàng, khi làm chuối sấy thì bắt mắt và ăn ngon hơn chuối cấy mô. Ngoài ra, công chăm sóc đối với chuối truyền thống rất ít, chủ yếu là dọn lá, phát quang vì cây chuối dễ sống trong mọi điều kiện môi trường. Chính vì những ưu điểm này mà vùng trồng chuối truyền thống vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
* Hình thành “làng chuối sấy”
Hiện xã Quang Trung có khoảng 10 hộ đang làm nghề sản xuất chuối sấy. Trong đó có một số hộ gia đình phát triển thành doanh nghiệp, tiêu thụ từ 8-10 tấn chuối mỗi ngày. Toàn bộ nguồn chuối nguyên liệu để sản xuất chuối sấy đều được làm từ giống chuối bơm của địa phương. Cơ sở sản xuất ít nhất cũng tiêu thụ cả tấn chuối mỗi ngày.
Sản xuất chuối sấy tại Cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa. Ảnh:T.Mộc |
Nghề làm chuối sấy bắt nguồn từ xã Quang Trung cách đây hơn 20 năm, có thời điểm nghề làm chuối sấy nở rộ khắp các xã Quang Trung, Gia Kiệm, Gia Tân của huyện Thống Nhất. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề này tập trung chủ yếu ở xã Quang Trung.
Là một trong những người đầu tiên làm chuối sấy để bán, bà Trần Thị Hoa, chủ Cơ sở chế biến rau củ quả Cường Hoa (Cơ sở Cường Hoa, xã Quang Trung), đã phát triển cơ sở thành một doanh nghiệp có lượng hàng khá lớn bán ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Chuối sấy của Cơ sở Cường Hoa hiện là một trong 22 sản phẩm được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn Đồng Nai năm 2017. Đây là một trong những mặt hàng thế mạnh của cơ sở từ nhiều năm nay.
Nhớ lại thời điểm mới bắt đầu nghề làm chuối sấy, bà Hoa tâm sự, ban đầu bà chỉ làm cho gia đình ăn, sau thấy ngon nên bán cho hàng xóm xung quanh. Dần dần, món chuối sấy của bà được nhiều người biết đến. Hiện bà có đại lý ở khắp cả nước. Mỗi ngày, cơ sở của bà tiêu thụ khoảng 8 tấn chuối tươi để sản xuất chuối sấy. Vào dịp cuối năm số lượng chuối tươi tiêu thụ lên đến 10 tấn/ngày. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, bà Hoa ký hợp đồng với Tổ hợp tác chuối Nguyễn Huệ 2 cung cấp chuối bơm. Theo bà Hoa, chỉ có chuối bơm vùng xã Quang Trung mới cho ra miếng chuối sấy thơm ngon, giòn và có màu sắc đẹp sau khi chiên. Mỗi ngày cơ sở của bà có 20 nhân viên làm việc liên tục để cho ra những sản phẩm chuối sấy ngon nhất ra thị trường.
Ông Trương Tuấn Đạt, Phó chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, hiện nay vẫn còn một số hộ dân sinh sống bằng nghề làm chuối sấy. Với đặc thù là vùng trồng chuối có chất lượng tốt, xã Quang Trung luôn phối hợp cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở bà con bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất để bảo vệ thương hiệu chuối sấy của huyện Thống Nhất.
Thủy Mộc