Kinh tế

Gỡ 'điểm nghẽn' cho các dự án công - tư

Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét đã làm "nóng" nghị trường trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đang được Chính phủ trình Quốc hội xem xét đã làm “nóng” nghị trường trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được thông qua và có hiệu lực sẽ là cơ hội cho phát triển hạ tầng. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: V.Nam
Khi Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư được thông qua và có hiệu lực sẽ là cơ hội cho phát triển hạ tầng. Trong ảnh: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: V.Nam

Dự thảo luật này được kỳ vọng  sẽ gỡ được “điểm nghẽn” về thu hút vốn cho đầu tư dự án, đặc biệt là đầu tư cho cơ sở hạ tầng đang trong tình trạng “khát vốn” như hiện nay. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm cũng đang “trông ngóng” có luật để nhanh chóng áp dụng được các cơ chế “hút” vốn đầu tư.

* Vốn xã hội còn nhiều

Chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai bên lề diễn đàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam 2019 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, TS.Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, dư địa thu hút nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông từ các nhà đầu tư tư nhân còn rất lớn.

Dự thảo Luật PPP được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng, trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 11-11-2019 và sẽ được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào ngày 19-11-2019. Dự thảo Luật PPP có 11 chương, 102 điều.

Khó khăn lớn nhất trong việc huy động nguồn vốn ở khu vực này là chưa có đủ cơ sở pháp lý để nhà đầu tư tư nhân yên tâm bỏ vốn ra. “Nhiều nhà đầu tư rất muốn đầu tư vào các dự án giao thông, nhưng những rủi ro trong lĩnh vực này không phải là thấp, trong khi chính sách của Nhà nước chưa bảo vệ được họ” - ông Trần Du Lịch nói.

Vấn đề này cũng được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong buổi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật PPP ngày 11-11 vừa qua. Theo Thủ tướng Chính phủ, hiện tại các quy định về PPP mới ở cấp nghị định, nhà đầu tư chưa tin vào nghị định mà chỉ tin vào luật, vì vậy Luật PPP rất quan trọng để kêu gọi nhà đầu tư bỏ vốn ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, hàng loạt các dự án giao thông quốc gia quan trọng có thể thu hút đầu tư theo hình thức PPP như: đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương; các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4. Chỉ tính riêng vốn cho 2 tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đã hơn 73 ngàn tỷ đồng. Tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề xuất đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) trước hơn 50km đoạn từ đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành đến đường vào Cảng Cái Mép với số vốn hơn 8.800 tỷ đồng.

* Công - tư cùng chia sẻ

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể, dự thảo Luật PPP có nhiều điểm để thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là cơ chế chia sẻ rủi ro. Cụ thể về cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu, Chính phủ đã trình 2 phương án:

Một là Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Tức là, khi nhà đầu tư dự án bị lỗ do nguyên nhân khách quan, Nhà nước sẽ cùng chia sẻ với nhà đầu tư không quá 50% khoản lỗ đó.

Hai là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũng cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Có nghĩa là, khi dự án có lãi cao hơn so với hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ chia sẻ 50% phần lãi đó với Nhà nước.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ chế chia sẻ rủi ro này giúp nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc tham gia vào các dự án mà hệ số rủi ro cao.

Bên cạnh cơ chế chia sẻ rủi ro thì Luật PPP còn cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ áp dụng cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng. Ngoài ra, trong dự thảo của luật này còn quy định doanh nghiệp làm dự án PPP được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhưng không được phát hành cổ phiếu theo Luật Chứng khoán. Vấn đề này giúp doanh nghiệp làm dự án PPP có thể huy động được nguồn vốn thứ cấp và giảm chi phí dự án.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, vốn hỗ trợ chính thức ODA sắp hết thì hình thức PPP huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Tính toán của Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong những năm tới riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần ít nhất 20 tỷ USD/năm.

Vân Nam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  3,241,770       1/296