Văn hóa

Đi tìm chủ nhân mộ cổ Cầu Xéo

"Trong mấy chục năm làm nghề khảo cổ, ngôi mộ cổ ở Cầu Xéo, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) do tôi và nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật khai quật năm 2011 là ấn tượng nhất, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Nam bộ" - PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh hứng khởi kể lại.

“Trong mấy chục năm làm nghề khảo cổ, ngôi mộ cổ ở Cầu Xéo, thị trấn Long Thành (huyện Long Thành) do tôi và nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật khai quật năm 2011 là ấn tượng nhất, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Nam bộ” - PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh hứng khởi kể lại.

Mộ cổ Cầu Xéo khi mới phát lộ ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Ảnh: T.Thúy
Mộ cổ Cầu Xéo khi mới phát lộ ở thị trấn Long Thành (huyện Long Thành). Ảnh: T.Thúy

Năm 2010, trong khi xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đoạn ngang qua khu vực Cầu Xéo (thị trấn Long Thành), đơn vị thi công phát hiện một ngôi mộ cổ nằm sâu trong lòng đất. UBND tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu chủ đầu tư đường cao tốc dừng thi công và mời các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học tiến hành khảo sát. Gần 1,5 tháng khai quật (từ ngày 5-9 đến 15-10-2011), ngôi mộ cổ đem đến cho nhóm khảo cổ nhiều bất ngờ, lý thú và cả những tồn nghi khoa học đến nay vẫn chưa giải mã được.

Ngôi mộ cổ nhiều bí ẩn

PGS.TS Phạm Đức Mạnh kể, ngay khi ngôi mộ vừa được phát lộ, các thành viên trong nhóm rất hứng thú bởi quy mô và bề thế của ngôi mộ. Dù trải qua hàng trăm năm trong lòng đất, nhưng mộ vẫn còn giữ nguyên cấu trúc thành bao với trụ biểu đài sen, bình phong tiền án đắp nổi “tứ linh” (long - lân - quy - phụng) và phong cảnh cặp nai dưới gốc đa, hậu chẩm đắp phù điêu “lưỡng long triều dương” (đôi rồng chầu mặt trời). Đặc biệt, bia mộ có khắc chữ “Hoàng” bằng chữ Hán, biểu thị người nằm trong mộ thuộc dòng dõi hoàng tộc. Đây là ngôi mộ duy nhất ở Nam bộ có khắc chữ Hoàng trên bia. “Trước đây ở Nam bộ chỉ mới phát hiện ở Gò Công (Tiền Giang) có mộ ông nội và thân phụ của Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng (cha đẻ Thái hậu Từ Dũ, ông ngoại vua Tự Đức) trong một số viên gạch xây dựng có ấn ký chữ Hoàng, nhưng không được khắc lên bia như mộ cổ Cầu Xéo” - ông Mạnh cho biết.

Nhóm khảo cổ ghi chép lại văn bia mộ cổ Cầu Xéo (ảnh trái).
Nhóm khảo cổ ghi chép lại văn bia mộ cổ Cầu Xéo (ảnh trái).

Nhận xét đầu tiên của nhóm là phỏng đoán ngôi mộ thuộc về bậc quý tộc của Nam bộ bởi lớp quách bao bên ngoài (theo kiểu trong quan ngoài quách) được làm bằng hợp chất ô dước phổ biến ở khu vực Đông Nam bộ, giống như rất nhiều ngôi mộ cổ ở Cù Lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Tuy nhiên, phần quách đã bị đào băm nham nhở, dọc cạnh hông bên phải (tính từ đầu ngôi mộ) rãnh hẹp dài gần 3m, sâu 1,5-1,8m - là dấu hiệu của nạn đào trộm mộ, nhưng có lẽ do thành quách quá dày và cứng khiến kẻ trộm mộ nản lòng, nên mộ không có dấu hiệu bị xâm hại bên trong.

Lúc nắp quan được mở, mọi người càng thú vị khi phía trên thi hài phủ đầy lá sen. PGS.TS Phạm Đức Mạnh cho biết chỉ có ở khu vực Đàng Trong và Nam bộ, các nhà khảo cổ học mới ghi nhận thấy hiện tượng cổ nhân dùng lá sen đắp thi hài người quá cố, cụ thể là ở mộ hợp chất Diên Sơn (tỉnh Khánh Hòa) của Hiền sĩ Nội sử trí quan văn nhân Nguyễn Bình Hữu khai quật năm 1988 có 3 lá sen lớn đậy thi hài. Riêng ở mộ cổ Cầu Xéo, lá sen được phủ đầy kín từ đầu đến chân thi hài, toàn bộ lá sen đã ngã màu đen, mục nát theo thời gian nhưng vẫn còn nguyên dạng.

Các nhà khoa học thực hiện nghi lễ trước khi nghiên cứu thi hài trong mộ cổ Cầu Xéo Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai (ảnh phải).
Các nhà khoa học thực hiện nghi lễ trước khi nghiên cứu thi hài trong mộ cổ Cầu Xéo Nguồn: Bảo tàng Đồng Nai (ảnh phải).

Bất ngờ nhất của đoàn khảo cổ, đó là phát hiện người chôn trong mộ có giới tính nữ, bởi thường phụ nữ được biểu tượng là phụng (phượng), như mộ bà Võ Thục Nhân trong khuôn viên Viện Pasteur (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) đắp “song phượng”, trong khi đó hậu chẩm mộ Cầu Xéo lại đắp phù điêu “lưỡng long triều dương” theo nghệ thuật trang trí cung đình lăng tẩm triều Nguyễn, thường chỉ dành cho nam giới. Ngay cả nấm mồ không đắp nhỏ theo kiểu “mu rùa” thường thấy, như mộ của phu nhân Trần Thị Hiệu (quận 5, TP.Hồ Chí Minh), mà lại bề thế đồ sộ theo hình “voi phục” như các ngôi mộ quý ông ở Nam bộ, cụ thể là mộ của Thiếu bảo Cần chánh điện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức (tại phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa).

Thi hài phụ nữ ước khoảng 50-60 tuổi, cao gần 1,5m, răng nhuộm đen, phía dưới đầu có rắc thủy ngân để bảo quản, thân mặc nhiều lớp gấm vóc hồng tía đính tổng cộng 16 chiếc khuy áo bằng vàng, hai chân gác trên một gối hình vuông có vỏ da màu đen, bàn chân mang hài mũi thon cong tựa như cánh hoa, có thêu kim tuyến chỉ vàng tinh tế. Các đồ tùy táng gồm: bộ đồ ngoáy trầu bạc mạ vàng, thiết kế kiểu dáng giống đồ hoàng tộc, túi gấm đựng răng, ngực rắc hạt lúa, đặc biệt là phía dưới chân thi hài có khoảng 1,5-2kg trái lạ không ai biết. “Có nhiều điều rất lạ và hấp dẫn. Như bộ đồ ngoáy trầu từng được phát hiện ở mộ phụ nữ quý tộc Nam bộ chỉ có 2 chĩa, bộ ở mộ Cầu Xéo lại có đến 3 chĩa. Còn số trái lạ trong mộ, nhiều nhà khoa học trong nước không biết là giống quả gì, chúng tôi gửi mẫu sang Úc các nhà khoa học ở đấy cũng “bó tay”. Sau này, chúng tôi hỏi các bậc bô lão trong vùng, được phán đoán là trái nguyệt quế (còn gọi là nguyệt quý) là loại trái trước đây có trồng ở địa phương” - ông Mạnh kể lại.

Người trong mộ là công chúa Ngọc Anh?

Do bia mộ đã bị thời gian mài mòn nhiều nội dung quan trọng (quốc hiệu, danh tự và thân phận chủ nhân, năm sanh, năm mất) chỉ còn sót lại 4 chữ Hán viết nét mềm lối chân phương “Phu nhân chi mộ”, nên không thể nào xác định được thân thế chủ nhân ngôi mộ. “Với những đặc điểm “phá cách” từ kiến trúc đến điêu khắc trang trí, đồ kiểu “ngự dụng” trong quan tài, có thể xác thực khả năng thân phận mộ chủ chính người trong hoàng tộc nhà Nguyễn. Hơn nữa, chắc chắn phải có lệnh vua ban mộ mới được xây dựng với quy cách uy nghi, bề thế bậc nhất Nam bộ như thế. Tham khảo từ kết quả kiểm định C14, có thể tạm tin mộ được xây dựng trong khoảng cuối thời Gia Long, đầu thời Minh Mạng” - PGS.TS Phạm Đức Mạnh cho biết.

Trong hoàng tộc triều Nguyễn, người phụ nữ nào “lưu lạc” đến tận Đồng Nai, khi mất được chôn cất trọng hậu đến như thế?

Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, khu vực Biên Hòa - Long Thành - Bà Rịa có thế địa đẹp nên được chọn làm nơi an táng của nhiều quý tộc, như: Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa), Châu Văn Tiếp - một trong ngũ hổ tướng của Gia Long (Bà Rịa). Mới đây, ngành khảo cổ phát hiện tại khu vực cạnh mộ cổ Cầu Xéo có ngôi mộ cổ mà trên bia có chữ “Trấn Biên”. Đây là ngôi mộ duy nhất ở Nam bộ có khắc địa danh này.

PGS.TS Phạm Đức Mạnh cho biết, sau nhiều năm tra cứu lịch sử, trong chính sử triều Nguyễn rất ít nhắc tới các hoàng nữ nhưng trong các dã sử, huyền sử đều nhắc đến một phụ nữ hoàng tộc có liên quan đến xứ Đồng Nai, đó là công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh, con gái thứ ba của vua Gia Long. Tương truyền, thời Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã đến đất Đồng Nai và nương náu ở chùa Đại Giác (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa). Con gái thứ ba của Nguyễn Ánh tên là Ngọc Anh, tuy tuổi còn nhỏ nhưng thường ăn chay, tụng kinh niệm Phật và thích tìm hiểu triết lý nhà Phật... Khi Nguyễn Ánh tiếp tục bôn tẩu, Ngọc Anh xin được ở lại chùa Đại Giác, đến lúc Nguyễn Ánh lên ngôi (năm 1802) công chúa Ngọc Anh mới trở về Huế. Khi Minh Mạng lên ngôi (1820), vua cho tu sửa chùa Đại Giác, công chúa Ngọc Anh đã gửi phụng cúng một bức hoành phi lớn khắc ba chữ “Đại Giác Tự” thiếp vàng, bên mặt có khắc: “Tiền triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh”.

Cũng theo truyền thuyết, công chúa Ngọc Anh vì thầm thương kính thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành mà xin vua Minh Mạng rời kinh vào chùa Đại Giác, đến nơi nhập thất của thiền sư. Tình yêu đơn phương với người xuất gia không thành, công chúa sau đó cũng mất tại Đồng Nai. “Từ dã sử kết hợp với suy luận qua cuộc khai quật, tôi cho rằng người nằm trong mộ là công chúa Ngọc Anh. Tất cả cũng chỉ mới dừng ở suy đoán bởi thân phận chủ nhân ngôi mộ Cầu Xéo đến nay vẫn còn rất bí ẩn. Chúng tôi đang nhờ các nhà khoa học “phục hồi” chân dung của vị chủ nhân ngôi mộ bằng cách dựa vào cấu trúc xương hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Đồng Nai, mong rằng sẽ sớm biết được dung mạo của người phụ nữ bí ẩn này” - PGS.TS Phạm Đức Mạnh nói.

Thanh Thúy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  662,231       15/1,008