Văn hóa

Giải Cánh diều 2016: Phim Vệ sĩ Sài Gòn được tham dự nhưng đạo diễn không được tranh giải

Trong danh sách 19 phim chiếu rạp được dự thi giải Cánh diều 2016, Vệ sĩ Sài Gòn (đạo diễn Ken Ochiai) là một phim đình đám, nhưng không được phép tranh giải phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất, vì đây là sản phẩm của người nước ngoài.

Poster phim Vệ sĩ Sài Gòn.
Poster phim Vệ sĩ Sài Gòn.

Trong danh sách 19 phim chiếu rạp được dự thi giải Cánh diều 2016, Vệ sĩ Sài Gòn (đạo diễn Ken Ochiai) là một phim đình đám, nhưng không được phép tranh giải phim hay nhất và đạo diễn xuất sắc nhất, vì đây là sản phẩm của người nước ngoài. Theo dự kiến, giải Cánh diều 2016 sẽ trao tại Nhà hát quân đội (TP.Hồ Chí Minh) vào tối 9-4, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1.

Trong tiêu chí áp dụng với tác phẩm chiếu rạp dự giải thưởng có quy định: “Phim điện ảnh là phim sản xuất để chiếu ra rạp và có độ dài tối đa không quá thời lượng một suất chiếu rạp. Không nhận dự thi phim Việt hóa kịch bản nước ngoài”. Cho nên những phim Việt như Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp… dù có chất lượng rất tốt, đúng tiêu chí chung của Cánh diều đề ra, nhưng do “Việt hóa kịch bản nước ngoài”, nên không có cửa để tranh giải.

Tiêu chí chung của Cánh diều là “Đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”. Một phim như Em là bà nội của anh, dù Việt hóa kịch bản từ phim Hàn Quốc, nhưng đáp ứng được hết các tiêu chí của giải thưởng, đặc biệt là “giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực”.

Danh sách 19 phim chiếu rạp của giải Cánh diều 2016

Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn)

Sút (đạo diễn Việt Max)

Tấm Cám: Chuyện chưa k(đạo diễn Ngô Thanh Vân)

Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng)

Chạy đi rồi tính (đạo diễn Nam Cito - Bảo Nhân)

Fan cuồng (đạo diễn Charlie Nguyễn)

Truy sát  (đạo diễn Ngô Quốc Cường)

Nàng Tiên có năm nhà (đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu)

Lộc phát (đạo diễn Lê Bảo Trung)

Sài Gòn, anh yêu em (đạo diễn Lý Minh Thắng)

Bảo mẫu siêu quậy 2 (đạo diễn Lê Bảo Trung)

Sứ mệnh trái tim (đạo diễn NSƯT Đỗ Đức Thịnh)

Chờ em đến ngày mai  (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ)

12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (đạo diễn Vũ Ngọc Phượng)

Phim trường ma  (đạo diễn Vũ Thái Hòa)

Cao thủ ẩn danh  (đạo diễn Lê Khắc Hoài Nam)

Tik, Tak anh yêu em  (đạo diễn Trần Kamy)

Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu (đạo diễn Nguyễn Hoàng Phúc)

Vệ sĩ Sài Gòn (đạo diễn Ken Ochiai).

Khái niệm “Việt hóa” cũng khá phức tạp, vì bây giờ có rất nhiều phim Việt “dùng chiêu” tổng hợp kịch bản quốc tế thành kịch bản của mình, nhưng không chú thích rõ, thì vẫn được tranh giải. Dù xét tận ngọn nguồn, đây cũng là một dạng Việt hóa, thậm chí nghiêm trọng hơn, đạo kịch bản phim.

Đây là chưa nói, một phim như Vệ sĩ Sài Gòn, ngoài đạo diễn và vài cá nhân khác là người nước ngoài, thì hoàn toàn là một phim Việt Nam. Mà hiện nay phần lớn đoàn phim Việt Nam đều có các cá nhân nước ngoài tham gia sản xuất, nhất là các khâu, như: quay phim, âm thanh, âm nhạc, họa sĩ phim trường, thiết kế trang phục, hậu kỳ, kỹ xảo…

Tiêu chí xét giải cho cá nhân có ghi rõ: “Trao cho cá nhân là người Việt (kể cả người Việt mang quốc tịch nước ngoài, và người nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam) tham gia thực hiện các phim có chủ sở hữu (hoặc đồng sở hữu) thuộc Việt Nam sản xuất”. Đạo diễn Ken Ochiai rất yêu mến Việt Nam - giống như đạo diễn Jordan Vogt-Roberts vì yêu mến mà đến đây làm phim Kong: Đảo đầu lâu, nay trở thành đại sứ du lịch Việt Nam - làm phim cho Việt Nam, do chưa kịp có quốc tịch, mà không được tranh giải đạo diễn xuất sắc, thì hơi oan uổng và cứng nhắc.

Theo đăng ký cập nhật đến hết ngày 13-3, số lượng tác phẩm đăng ký dự giải gồm 118 phim, 5 công trình nghiên cứu - lý luận phê bình điện ảnh. Trong danh sách này có 19 phim chiếu rạp, 20 bộ phim truyền hình (tổng thời lượng: 523 tập), 13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn.

Những phim chiếu rạp trội hơn về chất lượng và thông điệp nói chung có thể thấy là Sài Gòn anh yêu em, Bao giờ có yêu nhau, 12 chòm sao vẽ đường cho yêu chạy, Tấm Cám: Chuyện chưa k… Mùa trao giải năm nay ít phim hơn mùa trước, nhưng việc xét giải không vì thế mà ít gay cấn, vì lý do đầu tiên là không có phim do Nhà nước sản xuất, ban giám khảo sẽ khỏi phải “lăn tăn” chuyện cân đối này kia. Năm 2016 đã có gần 50 phim Việt ra rạp, chủ yếu do tư nhân sản xuất, mùa trao giải chỉ xét khoảng 40% trong số đó, nghĩa là đã có “sự chọn lọc tự nhiên” khá đáng kể.

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  651,625       1/909