Văn hóa

Sức mạnh thần thánh nào phải vô biên…

Hè này, chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf sẽ kỷ niệm 30 lần gặp gỡ bạn nhỏ với vở kịch thiếu nhi Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần... bị bắt. 17 năm trời với 30 số, Ngày xửa ngày xưa đã bước vào tuổi... trăng tròn và hứa hẹn sẽ tiếp tục... bẻ gãy sừng trâu!

Hè này, chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu Idecaf sẽ kỷ niệm 30 lần gặp gỡ bạn nhỏ với vở kịch thiếu nhi Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần... bị bắt. 17 năm trời với 30 số, Ngày xửa ngày xưa đã bước vào tuổi... trăng tròn và hứa hẹn sẽ tiếp tục... bẻ gãy sừng trâu!

Một cảnh trong vở kịch Hoàng tử - Công chúa và 9 vị thần… bị bắt. Ảnh: T.Trọng
Một cảnh trong vở kịch Hoàng tử - Công chúa và 9 vị thần… bị bắt. Ảnh: T.Trọng

* Những hoàng tử, công chúa đất Việt dũng cảm, thông minh

Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần… bị bắt sẽ chính thức biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành (TP.Hồ Chí Minh) vào ngày 20-5, kéo dài đến hết 25-6. Vở diễn vào các ngày cuối tuần, mỗi ngày 2 suất.

Sau nhiều năm dẫn dắt các khán giả nhí chu du thế giới, năm nay Ngày xửa ngày xưa đưa các em trở về đất Việt thời cổ. Hoàng tử - Công chúa và 9 vị thần… bị bắt (tác giả: Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh) lấy bối cảnh ở vùng đất Phong Châu, nơi được sự phù hộ của thần mặt trời, thần mặt trăng và các vị tiểu thần: thần núi, thần rừng, thần nước, thần lửa, thần gió.

Các vị thần này được vua và hoàng hậu ban cho quyền trượng. Riêng thần bóng đêm vì không được trao quyền trượng nên ông đâm ra ghen tức và quyết định bắt cóc 5 vị hoàng tử, công chúa, gồm: Thiên Bảo, Thiên Quý, Thiên Vân, Thiên Kim và Thiên Minh. Từ đây một hành trình gian nan bắt đầu với các hoàng tử và công chúa bé nhỏ. Họ đã trốn thoát như thế nào? Trên con đường tìm về với cha mẹ họ đã gặp phải những khó khăn, nguy hiểm ra sao? Họ có thể vượt qua và trưởng thành để xứng đáng là những người kế tục ngai vàng?...

Vì là số đặc biệt nên năm nay Idecaf có sự đầu tư khá lớn cho vở Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần… bị bắt. Các diễn viên chủ lực qua các mùa Ngày xửa ngày xưa tập trung khá đông đảo, như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Bạch Long, Đình Toàn, Lê Khánh, Đức Thịnh, Tuấn Khải, Thanh Vân… bên cạnh các diễn viên trẻ Don Nguyễn, Dương Lâm, Quốc Trung, Nam Trung… Cảnh trí, trang phục hoàn toàn mới và lung linh để… hớp hồn các khán giả nhí. Có những màn dựng đầy màu sắc và mang tính hành động cao để lôi cuốn các bạn nhỏ, như: màn đánh trống, thi triển võ công giữa các hoàng tử - công chúa với phe của thần bóng đêm, cảnh dẫn nước từ núi cao về thung lũng…

Kịch bản tạo được sự hấp dẫn, gây tò mò từ đầu đến cuối vở diễn. Mỗi tình huống được khai thác để những công chúa - hoàng tử nhỏ ứng phó như thế nào với thử thách, từ đó khơi gợi để họ bộc lộ được sự dũng cảm, trí thông minh. Những màn hóa phép của các vị thần sẽ khiến các bé lóa mắt, nhưng trên hết những người thực hiện muốn các bé nhận ra rằng sức mạnh thần thánh không phải là vô biên. “Đâu phải lúc nào loài người cũng dựa vào quyền năng của thần thánh mà có lúc thần thánh cũng phải dựa vào năng lực của con người!” - đó là lời bộc bạch của vị thần rừng khi ông bất lực trước những cánh rừng bị tàn phá, đất bị xói mòn, khô cằn và lâm vào cảnh hạn hán kéo dài. Con người tự gây ra thì bây giờ trước chuyện sống còn họ phải nỗ lực tự cứu mình thôi!

* Hè 2017, thiếu vắng kịch thiếu nhi…

Đã giữa tháng 5, khi năm học gần kết thúc báo hiệu mùa hè, mùa nghỉ ngơi của bọn trẻ đã đến. Nhưng đến giờ phút này, thông tin về những vở kịch mùa hè dành cho các bé vẫn rất lặng lẽ. Chắc chắn nhất mới chỉ có Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần… bị bắt của Idecaf và vở kịch xiếc Bạch Tuyết và… 7 chú hề của Nhà hát nghệ thuật Phương Nam (dự kiến biểu diễn vào ngày 19-5).

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc sân khấu Idecaf, khẳng định: “Mảnh đất kịch dành cho thiếu nhi rất màu mỡ” vì hiện còn rất thiếu. Nhưng ai sẽ là người gieo trồng? Trước đây, cũng có vài sân khấu nỗ lực làm kịch hè cho thiếu nhi, như: sân khấu kịch Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh… nhưng rồi đó cũng chỉ là nỗ lực trong 1 giai đoạn và không thể duy trì được lâu dài.

Dựng kịch cho thiếu nhi để hay và thu hút các em thật ra rất khó, phải có sự đầu tư về công sức, kinh phí. Nghệ sĩ biểu diễn phải thật “cứng” nghề và hết sức linh hoạt. Chứng kiến các nghệ sĩ của Idecaf sau mỗi buổi diễn thở không ra hơi mới thấy chơi với con nít… hao hơi tốn sức cỡ nào. Nhảy múa, ca hát, làm trò liên tục. Sân khấu gần như không ngừng vận động, bởi lơi nhịp chút xíu là khán giả nhí sẽ lơ là, mất tập trung ngay. Cảnh trí lúc nào cũng phải thật lung linh, huyền ảo. Và các cô chú thực hiện vở diễn cũng phải hết sức… rành tâm lý con nít. Phải thoại sao cho tụi nhỏ hiểu được và thấy mắc cười, phải liên tục đẩy vào vở diễn những trò chơi, hành động thiệt trẻ con để các khán giả nhí thấy mình trong đó và bị cuốn theo, đi theo các nhân vật trong vở diễn suốt gần 3 giờ đồng hồ.

Chính vì sự khó khăn đó và đầu tư kinh phí quá lớn nên nhiều sân khấu hiện vẫn còn ngại ngần. Vậy là trên hành trình 17 năm nay, Idecaf vẫn gần như một mình một con đường. Mừng cho một chương trình như Ngày xửa ngày xưa đã trở thành thương hiệu, nhưng vẫn thấy băn khoăn vì những phụ huynh có con em nhỏ vẫn còn quá ít sự lựa chọn cho con trẻ mỗi độ hè về…

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  800,864       2/888