Văn hóa

Hiệu quả từ các trại sáng tác

Mỗi năm, từ các trại sáng tác thực tế, văn nghệ sĩ Đồng Nai đã cho ra đời hàng trăm tác phẩm có chất lượng. Không ít tác phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ đến công chúng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người Đồng Nai.

Nhóm văn nghệ sĩ Đồng Nai sinh hoạt tác phẩm tại Trại sáng tác ở Đà Nẵng tháng 3 vừa qua.
Nhóm văn nghệ sĩ Đồng Nai sinh hoạt tác phẩm tại Trại sáng tác ở Đà Nẵng tháng 3 vừa qua.

Năm 2017, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tổ chức 5 trại sáng tác và chuyến đi thâm nhập thực tế trong và ngoài tỉnh cho trên 200 lượt văn nghệ sĩ thuộc 7 chuyên ngành (văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, văn nghệ dân gian và múa). Tại các trại viết này, trên 600 tác phẩm được thai nghén và ra đời đạt chất lượng tốt, đồng hành với đời sống nhân dân, mang hơi thở cuộc sống đương đại.

* Tác phẩm từ cuộc sống

Trại sáng tác về đề tài nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã  duy trì từ năm 2009 đến nay. Các tác phẩm từ trại sáng tác đã phản ánh đa diện bức tranh nhiều màu sắc ở các vùng nông thôn đang chuyển mình, lột xác. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh  tổ chức các nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm các hội viên thuộc 7 bộ môn, thâm nhập thực tế tại nhiều địa phương, cơ sở. Đây là cơ hội để các văn nghệ sĩ nắm bắt, trải nghiệm, quan sát nhiều hơn cuộc sống lao động vất vả nhưng sôi nổi, tích cực của bà con nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Trại sáng tác Đồng Nai xây dựng nông thôn mới năm 2017 được xem như một vụ mùa bội thu: 50 tác giả tham dự trại đã cho ra đời 299 tác phẩm văn xuôi, thơ, nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh và trong đó có 128 tác phẩm được nghiệm thu, đăng tải trên các phương tiện thông tin của Hội. Sau trại sáng tác, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn phối hợp xuất bản tập Những cung đường mới có ý nghĩa rất lớn trong việc quảng bá rộng rãi các tác phẩm đến với bà con nông dân tại cơ sở cũng như công chúng yêu văn học nghệ thuật.

Trại viết về thiếu nhi và dân tộc thiểu số có thời gian thực tế không nhiều, nhưng kết quả đạt được ngoài mong đợi. Các tác giả đã lao động nghệ thuật nghiêm túc, đầy trách nhiệm. Chính vì thế, trại đã phát huy được vai trò là “bà đỡ” cho những đứa con tinh thần. 187 tác phẩm thuộc các lĩnh vực phản ánh đời sống vật chất, tinh thần, ước mơ, khát vọng, vui buồn của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần khuyến khích, cổ vũ bà con nỗ lực hơn trên hành trình xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc… Nhiều tác phẩm văn học được đánh giá cao như: Khi đàn chim trở về của nhà văn Lê Đăng Kháng; Trăng ở rừng cao của nhà văn Nguyễn Trí; Hành trình đi tìm con chữ của nhà văn Hoàng Đình Nguyễn; chùm thơ của các nhà thơ Lê Thanh Xuân, Đàm Chu Văn, Hạnh Vân, Đỗ Minh Dương, Phạm Thanh Quang…

Được tổ chức lần thứ 2 sau thành công của mùa đầu tiên năm 2016, Trại sáng tác văn học nghệ thuật trẻ Đồng Nai năm 2017 có 42 tác giả (tuổi dưới 35) tham gia. Đây là trại viết với mục đích phát hiện các tài năng sáng tác trẻ, bồi dưỡng lâu dài, tạo nguồn tài năng phát triển văn học nghệ thuật tỉnh nhà, khuyến khích lực lượng sáng tác trẻ. Trại viết đã quy tụ được những cây bút trẻ  đầy triển vọng như: Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Văn Ánh Ngọc, Trần Thị Hiếu, Lê Vũ Anh Đào, Nguyễn Quang Minh…

* Làm mới cảm xúc

Chiến khu Đ anh hùng là trại sáng tác viết về đề tài chiến tranh cách mạng nhưng Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã làm mới cảm xúc của người sáng tác trong mảng đề tài không mới này, khi tổ chức cho các văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế một số di tích lịch sử, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử thuộc Chiến khu Đ ở Đồng Nai và 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước. 104 tác phẩm đạt chất lượng về tư tưởng và nghệ thuật đã được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, dự kiến tổng hợp và in tuyển tập vào năm 2018 này.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả các trại sáng tác văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã đề ra một số giải pháp đổi mới hình thức tổ chức. Mỗi trại sáng tác có thể dài ngày hơn, tổ chức những trại sáng tác riêng tùy theo đặc thù mỗi ban chuyên ngành. Song song đó, Hội xây dựng kế hoạch in sách để kịp thời quảng bá các tác phẩm được sáng tác trong các trại sáng tác.

Gần đây nhất, 15 văn nghệ sĩ Đồng Nai đã tham gia Trại sáng tác văn học nghệ thuật do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch tổ chức tại Nhà sáng tác Đà Nẵng (từ ngày 25 đến 29-3). Theo đánh giá của lãnh đạo Hội, đây là trại sáng tác khá thành công, vượt chỉ tiêu về số lượng tác phẩm; chất lượng tác phẩm tương đối tốt cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật. 66 tác phẩm là 66 cung bậc cảm xúc của các văn nghệ sĩ tại trại viết này. Không chỉ lay động trước phong cảnh hữu tình, nên thơ của Đà Nẵng, các nhà thơ còn lắng mình trước quá khứ bi hùng của cuộc chiến tranh cách mạng, là sự hoài vọng về những vẻ đẹp trong lịch sử…

Nhà văn Nguyễn Trí hoàn thành ngay tại trại viết 2 truyện ngắn Nước chảy trên sôngPhản sư phản ánh góc tối của đời sống; nhà văn Trần Thu Hằng mượn tên một loài hoa phong lan - Hoàng Thảo để viết về cuộc chiến đấu chống tội phạm thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt của các chiến sĩ công an nhân dân (truyện ngắn Hoàng Thảo). Nhạc sĩ Đoàn Quang Trung sáng tác 2 ca khúc được đánh giá là rất ấn tượng: Một chiều quê hươngHuyền thoại Siva. Nghệ sĩ Nguyễn Bích Ngọc góp vào trại sáng tác 2 kịch bản dài: Nghĩa tình đồng đội Nhảy tàu. Nhóm tác giả mỹ thuật hoàn thành 6 bức tranh phản ánh Huyền sử Mỹ Sơn, lột tả sống động nét văn hóa độc đáo, cảnh đẹp “trầm mặc” của vùng đất miền Trung, của nơi có tháp cổ và những điệu múa Apsara… Các nghệ sĩ nhiếp ảnh bội thu với 36 tấm ảnh nghệ thuật ghi lại những khoảnh khắc chân thực, tuyệt đẹp của thiên nhiên, cảnh vật và cuộc sống.

Một số nét chấm phá để thấy rằng việc tổ chức các trại sáng tác văn học nghệ thuật là cần thiết, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ được thâm nhập thực tế, cọ xát, trải nghiệm nhiều lĩnh vực, nhiều mảng màu tối sáng của cuộc sống, từ đó khơi nguồn cảm xúc sáng tạo. Nhiều tác phẩm có chất lượng được thai nghén và ra đời từ các trại sáng tác này và góp phần phục vụ người dân, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng cao của xã hội, khôi phục văn hóa đọc đang dần mai một. Đây cũng là hình thức giúp các văn nghệ  sĩ có cơ hội gần nhau, tạo sự gắn kết, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên.

Kim Hạnh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  790,606       1/1,025