Văn hóa

Để học sinh hiểu thêm về nguồn cội

"Đất nước ta có 18 Vua Hùng. Vua Hùng đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Đây là đất Tổ của dân tộc Việt Nam…" – đó là phần kể chuyện về truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân của em Trần Quang Huy (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Hà Huy Giáp, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa)...

“Đất nước ta có 18 Vua Hùng. Vua Hùng đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Đây là đất Tổ của dân tộc Việt Nam…” – đó là phần kể chuyện về truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân của em Trần Quang Huy (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Hà Huy Giáp, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) khi lần đầu tham gia hội thi Kể chuyện “Các đời Vua Hùng” năm 2018 và đã dành được những tràng vỗ tay tán thưởng từ hàng ghế khán giả.

Xuyên suốt 2 ngày của hội thi, mọi người không chỉ cổ vũ cho Trần Quang Huy mà còn dành nhiều tình cảm cho 74 thí sinh kể chuyện cùng hơn 1,5 ngàn học sinh tham gia đóng vai minh họa.

hần dự thi của học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) tham gia Hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng” năm 2018
Phần dự thi của học sinh Trường THCS Võ Trường Toản (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) tham gia Hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng” năm 2018

Người nghe, người xem tán thưởng không chỉ bởi các em “thuộc bài”, mà là ở chỗ dù còn nhỏ tuổi song các em đã hiểu được cội nguồn, mạnh dạn trình bày trước đám đông với lòng tự hào về truyền thống dân tộc mình.

* Một cách tìm hiểu nguồn cội

Cũng theo em Trần Quang Huy, trong câu chuyện về truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân mà em kể tại hội thi, em nhớ từng chi tiết, lời thoại của nhân vật trong câu chuyện. Cụ thể, như đoạn thoại giữa Mẹ Âu Cơ và Cha Lạc Long Quân lúc phân chia các con và căn dặn hễ gặp khó khăn thì thông báo cho nhau.

Những địa điểm tổ chức Lễ Giổ Tổ Hùng Vương có mở cửa đón người dân đến dâng hương tại Đồng Nai trong mùng 10-3: đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú), đền Thánh Trần Hưng Đạo (phường Xuân Trung, TX.Long Khánh), đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (phường Bình Đa, TP.Biên Hòa), di tích đình Hưng Lộc (xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất), Chùa Bửu Phong (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa), đền thờ Trần Hưng Đạo (phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa)...

 “Học lịch sử mà có hoạt cảnh sân khấu, được nhập vai vào nhân vật, em thấy rất vui, dễ nhớ, dễ thuộc. Các bạn diễn phụ họa với em ai cũng thích”- Trần Quang Huy, nói.

Sự hào hứng khi được tham gia kể về cội nguồn dân tộc cho người khác nghe không chỉ đến với những học sinh lần đầu tới hội thi, mà còn với những thí sinh đã nhiều lần góp mặt tại sân chơi nhân Ngày Giỗ tổ Hùng Vương do Phòng Văn hóa – thông tin TP.Biên Hòa, Thành Đoàn Biên Hòa, Phòng GD-ĐT thành phố và Trung tâm Văn miếu Trấn Biên phối hợp tổ chức.

Em Đỗ Nguyễn Duy Duyên (lớp 8, Trường THCS Võ Trường Toản, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) đã có 3 lần tham gia hội thi. Mỗi năm, cô giáo chọn cho Duyên cùng các bạn múa hoạt cảnh một câu chuyện trong sự tích về các Vua Hùng để tham gia hội thi. 3 năm liên tiếp Duyên được tập 3 câu chuyện khác nhau.

“Năm 2018, em tập kể câu chuyện sự tích bánh chưng – bánh dày, nhưng em vẫn nhớ rõ 2 câu chuyện trước của mình là sự tích quả dưa hấu và Sơn Tinh – Thủy Tinh. Ngoài kể chuyện, đóng vai nhân vật, cả nhóm còn thể hiện bài múa với trang phục thời các Vua Hùng. Nên mỗi lần được chọn tham gia hội thi là ai cũng thích, tranh nhau để có mặt trong đội thi.”- em Đỗ Nguyễn Duy Duyên, cho biết.

Theo đánh giá của ban tổ chức, những năm gần đây, hội thi thu hút ngày càng nhiều các trường tiểu học và THCS cử học sinh tham gia. Nếu như năm 2016, chỉ có 56 trường với hơn 900 học sinh tham gia thì năm 2017 đã tăng lên 70 trường với 1,3 ngàn học sinh minh họa cho tiết mục. Năm 2018, số lượng tăng lên đột biến với 75 trường cùng 1,5 ngàn học sinh.

hần dự thi của học sinh Trường THCS Trường Sa (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tham gia Hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng” năm 2018
Phần dự thi của học sinh Trường THCS Trường Sa (phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) tham gia Hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng” năm 2018

Ông Đoàn Châu Hưng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) người đã đồng hành với hội thi trong vai trò ban giám khảo, cho hay: đây là tín hiệu rất đáng mừng vì hội thi đã và đang lan tỏa sâu rộng, tạo hứng khởi cho học sinh đối với việc học, tìm hiểu sử nước nhà.

* Học sinh trải nghiệm thực tế

Bên cạnh hội thi kể chuyện “Các đời Vua Hùng”, hàng năm cứ đến dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, các trường học được vinh dự mang tên Hùng Vương trong tỉnh cũng thực hiện nhiều hoạt động để học sinh trải nghiệm, thể hiện câu chuyện lịch sử của dân tộc.

Tại Trường THCS Hùng Vương (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa), mỗi dịp Giỗ Tổ, nhà trường lại tổ chức Lễ dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương. Theo Thầy Trần Như Long, Hiệu trưởng nhà trường, đây là truyền thống của thầy và trò nhà trường qua nhiều thế hệ. Mỗi dịp Giỗ Tổ, học sinh đóng vai trò chủ đạo khi thực hiện sân khấu hóa một câu chuyện về các đời Vua Hùng, dâng hương lên tượng Vua Hùng trong khuôn viên nhà trường, các em cùng thấy cô cùng ăn cái bánh chưng - bánh dày. Đây là một cách giáo dục truyền thống yêu nước, yêu nguồn cội được nhà trường chú trọng, cách làm này cũng tạo hứng khởi lớn đối với học sinh.

Tương tự, tại Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom), trong dịp này, tất cả giáo viên, học sinh của trường có mặt đông đủ để xem các tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh sân khấu về sự tích các đời Vua Hùng do học sinh tự xây dựng, tập luyện và biểu diễn. Sau đó, thầy và trò mới cùng nhau dâng hương tưởng nhớ công ơn dựng nước và giữ nước của tổ tiên với lòng thành kính do ban giám hiệu tổ chức.

Cũng tại huyện Trảng Bom, sáng ngày 25-4 (mùng 10-3 âm lịch) tại Công viên văn hóa Hùng Vương (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) sẽ diễn ra lễ khánh thành giai đoạn một công trình, đồng thời tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào sáng Mùng 10-3 âm lịch. Ngoài các đại biểu, dự kiến sẽ có hơn 1 ngàn học sinh các trường trong huyện được mời đến tham gia các hoạt động văn hóa nhân ngày Giỗ Tổ. Song song đó, nhiều phụ huynh trong huyện Trảng Bom cũng sẽ cố gắng đưa con em mình đến tham gia ngày giỗ chung.

“Những năm trước, do đường xa nên tôi không dẫn con đến Biên Hòa hay đi Long Khánh dâng hương nhân dịp Giỗ Tổ. Năm nay thì khác, cả nhà tôi sẽ đến Công viên văn hóa Hùng Vương cách nhà chỉ hơn 3km để cho các con được nhìn không khí ngày Giỗ Vua Hùng” – chị Nguyễn Thị Hoa (30 tuổi, ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) nói.

Bài và ảnh: Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  632,736       14/1,312