Văn hóa

Nhạc sĩ Trần Viết Bính: Con ong chăm chỉ

Sáng tác nhạc cho thiếu nhi vốn là niềm đam mê của nhạc sĩ Trần Viết Bính.

Nhạc sĩ Trần Viết Bính (bìa trái) trong một chuyến dạy hát cho trẻ em dân tộc ở Tà Lài.
Nhạc sĩ Trần Viết Bính (bìa trái) trong một chuyến dạy hát cho trẻ em dân tộc ở Tà Lài.

Năm 1946 khi mới 12 tuổi, ông đã viết ca khúc thiếu nhi đầu tiên Nhớ núi Voi. Năm 1963, bài hát Chúng em đã gặp chị Võ Thị Sáu của ông được đội văn nghệ Vàng Anh TP.Nam Định biểu diễn cho bác Hồ nghe. Tên tuổi ông vụt sáng với ca khúc Hạt gạo làng ta (phổ thơ Trần Đăng Khoa). Chính bài hát nổi tiếng này đã giúp ông nhận Giải thưởng nhà nước về âm nhạc năm 2017.

* Tình yêu trẻ thơ

Mấy chục năm qua, nhạc sĩ Trần Viết Bính tạm gác lại đam mê viết ca khúc thiếu nhi để sáng tác những ca khúc mang nặng suy tư cho người lớn và làm phong trào văn hóa văn nghệ. Năm 2018, bước vào tuổi 85, ông mới trở lại thú vui sáng tác nhạc thiếu nhi, vừa để thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, vừa để bớt đi nỗi trăn trở: trẻ em thời nay quá thiếu những ca khúc phù hợp lứa tuổi. Chưa tới 2 tuần, nhạc sĩ sáng tác liền 20 ca khúc thiếu nhi luôn cả phần đệm piano. Có ngày ông viết liền 4 ca khúc. Dường như ca từ và giai điệu nằm sẵn đâu đó trong một góc xanh tươi của tâm hồn nhạc sĩ, chỉ đợi đúng thời điểm là tuôn ra ào ạt.

Thật vui và xúc động khi biết rằng mùa hè 2018, ở những ngôi trường xinh của Đồng Nai sẽ vang lên những bài hát thiếu nhi mà tác giả của nó là “con ong chăm chỉ Trần Viết Bính” - người nhạc sĩ da mồi, tóc bạc…

Những ngày cuối tháng 4 và đầu tháng 5-2018, khi những cơn mưa đầu mùa dữ dội trút xuống, nhạc sĩ Trần Viết Bính bắt đầu hành trình công phu: dạy hát cho thiếu nhi cơ sở. Nói công phu, vì ông phải thuê taxi đi Xuân Lộc, Tân Phú, Long Khánh dạy hát, như cách ông hài hước là ngày nào cũng “tốn một cục tiền xe”. Nhạc sĩ mang theo phần nhạc đệm đã thu sẵn, nhưng ở những điểm xa như Tà Lài (huyện miền núi Tân Phú) công việc dạy hát vẫn rất khó khăn vì trẻ em dân tộc Chơro, Mạ… tiếp thu chậm, lại không có phòng thu âm. Thế nhưng, tình yêu trẻ thơ và sự hỗ trợ của cộng đồng đã giúp ông hoàn thành được tâm nguyện là hoàn tất CD gồm 20 ca khúc thiếu nhi do chính trẻ em trong tỉnh hát - món quà mùa hè của nhạc sĩ dành cho tuổi thơ.

* Thấu cảm và đồng điệu

Ca khúc của nhạc sĩ Trần Viết Bính viết cho trẻ em bài nào cũng duyên dáng, dễ hát, dễ nghe, dễ thuộc. Chỉ loanh quanh trong 8 nốt nhạc (tính cả nốt quãng tám) nhưng mỗi bài hát là một bức tranh với những gam màu tươi sáng. Này là bài Chơi bập bênh với những hình ảnh gần gũi đáng yêu “Bập bênh bập bênh bạn lên tôi xuống. Bập bênh bập bênh/ bạn xuống tôi lên”. Bài Gấu bông nhà em ẩn sau mỗi nốt nhạc là nụ cười hồn hậu của ông nhạc sĩ cao tuổi: “Gấu là em bé bé nhất trong nhà. Nên được ông bà cha mẹ rất yêu”.

Sáng tác cho trẻ em có cái khó riêng, phải làm sao để trẻ… không chán. Muốn vậy, người viết phải thấu cảm và đồng điệu với tâm hồn trẻ thơ. Nói cách khác, người lớn phải nhìn, ngắm, suy nghĩ, cảm nhận thế giới qua lăng kính vừa đơn giản lại vừa tinh khôi của trẻ. Nhạc sĩ Trần Viết Bính đã làm được điều đó. Các ca khúc của ông ngắn gọn, mô tả sinh hoạt của trẻ em ở nhà, ở trường được lồng một cách khéo léo, nhẹ nhàng những bài học dạy kỹ năng sống, dạy phép ứng xử cho thiếu nhi.

Không đao to búa lớn, không lên gân lên cốt, ông dặn các bé tham gia giao thông phải “Đi trên vỉa hè không bị xe đè.  Vâng lời cô giáo qua đường nhớ trông đèn đỏ, phải đợi đèn xanh mới qua” (Nhớ lời cô dặn). Ông khen ngợi chú ong chăm chỉ và phê bình chú mèo lười “Có con mèo lười vì mải chơi máy tính… ong đi tìm mật tung tăng khắp nơi” (Ong chăm, mèo lười). Những đề tài “nặng ký” đầy tính chính trị nhằm giáo dục thiếu nhi tình yêu đối với quê hương đất nước cũng được nhạc sĩ Trần Viết Bính thể hiện rất gần gũi, dễ tiếp nhận: “Nu na nu nống. Con cháu Tiên Rồng. Chúng ta phải nhớ, ở trên Biển Đông. Có hai quần đảo Trường Sa, Hoàng sa“ (Đồng dao Trường Sa, Hoàng Sa). Có lẽ chính sự trong sáng hồn nhiên, giàu chất thơ của ca từ kết hợp với giai điệu rộn ràng, tươi tắn mà ca khúc của nhạc sĩ Trần Viết Bính dễ dàng thấm sâu vào tâm hồn con trẻ.

Tuyển tập ca khúc và CD Tiếng hát thiếu niên nhi đồng minh họa hình ảnh các ca sĩ nhí biểu diễn cho thấy tấm lòng ưu ái, trân trọng trẻ em và phong cách làm việc chuyên nghiệp của nhạc sĩ Trần Viết Bính. Chỉ một ca khúc Hái sim chín, nhạc sĩ cũng cất công về tận Trường tiểu học Tà Lài xa xôi để dạy hát cho các cháu Ka Thụy, Ka Diệp là người dân tộc Mạ, vì ông cho rằng như thế bài hát mới đến đúng đối tượng phù hợp. Nhạc sĩ không tiếc tiền, không tiếc công sức bởi đi tới đâu ông cũng được trẻ em, người lớn hân hoan chào đón.

Hoàng Ngọc Điệp

Đồng Nai

© 2021 FAP
  788,597       1/937