Văn hóa

Hồi ức ở R của cố nhà văn Lê Văn Thảo

Ở R - Chuyện kể sau 50 năm được nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016) viết xong tháng 4-2015, nhưng căn bệnh ung thư hiểm ác đã khiến ông không thể nhìn thấy tác phẩm của mình được ấn hành, cũng như khi được trao giải B Sách hay - Giải thưởng sách quốc gia mới đây.

Ở R - Chuyện kể sau 50 năm được nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016) viết xong tháng 4-2015, nhưng căn bệnh ung thư hiểm ác đã khiến ông không thể nhìn thấy tác phẩm của mình được ấn hành, cũng như khi được trao giải B Sách hay - Giải thưởng sách quốc gia mới đây.

Nhà văn Lê Văn Thảo khi còn làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Nhân
Nhà văn Lê Văn Thảo khi còn làm Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: H.Nhân

Mở đầu Ở R - Chuyện kể sau 50 năm, Lê Văn Thảo viết: “Một bạn trẻ hỏi tôi R là gì? Có phải ở rừng không? Ờ, nói rừng cũng được, tôi đáp”.

Ở R - Chuyện kể sau 50 năm đúng là chuyện ở rừng bắt đầu từ năm 1962 khi chàng sinh viên khoa Toán Lê Văn Thảo rời Sài Gòn lên chiến khu. Nhưng ở R không chỉ là chuyện ở rừng mà là chuyện của những con người được nhà văn kể lại sau nửa thế kỷ.

Lê Văn Thảo học toán, viết văn khá muộn so với bạn bè cùng thời, mãi đến năm 1972 mới in tập truyện đầu tay Đêm ở Đồng Tháp Mười. Nhưng Lê Văn Thảo viết bằng cả cuộc đời từng trải, và văn tài của ông được ghi nhận bằng giải thưởng Nhà nước năm 2007, giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012. Và Ở R - Chuyện kể sau 50 năm hoàn thành năm 2015 như thêm một lần cho thấy sự chậm mà chắc chắn của ngòi bút Lê Văn Thảo.

R trong hồi ký của Lê Văn Thảo là tên gọi tắt của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, đóng ở phía Bắc tỉnh Tây Ninh giáp biên giới Campuchia. Tại đây, ông sống cùng với những người bạn trong tiểu ban văn nghệ là những văn nghệ sĩ nổi tiếng như: Lê Anh Xuân, Lư Nhất Vũ, Lê Giang, Nguyễn Chí Hiếu, Lý Văn Sâm, Trang Thế Hy, Xuân Hồng…

Thời đó, các ông đã tổ chức cuộc sống rất chỉn chu. Lê Văn Thảo kể: “Nhiều người tưởng cuộc sống chúng tôi ở trong rừng là tạm bợ, sẽ ngạc nhiên nếu một lần dạo qua các khu căn cứ của chúng tôi. Xu hướng con người cũng như mỗi sinh vật luôn muốn tô điểm chỗ ở của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Không chỉ hội trường, nhà bếp công cộng, từng nhà riêng cũng được chăm chút trang hoàng. Nhà của vợ chồng Lê Giang - Lư Nhất Vũ đầy giò phong lan. Nguyễn Chí Hiếu là họa sĩ nhiều năm học ở Liên Xô ngành trang trí thiết kế, “chơi” một căn nhà theo kiểu ibba của Nga với những súc gỗ cây dầu lông da rạn nứt tuyệt đẹp, chất thành vách nhà, khiến các cơ quan lân cận tổ chức thành đoàn đi tham quan”.

Một số giai thoại về những văn nghệ sĩ và tác phẩm nổi tiếng của họ cũng được tiết lộ trong Ở R - Chuyện kể sau 50 năm. Chẳng hạn bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo của Xuân Hồng. Lê Văn Thảo nhớ lại: “Năm 1966, anh Xuân Hồng sang cơ quan chúng tôi chơi ít tháng trước khi lên đường ra Bắc. Một hôm anh đến chỗ tôi và Lê Anh Xuân. Biết tôi đang biên tập Tạp chí Văn Nghệ Giải Phóng, anh hỏi tôi có thấy bài thơ nào hay đưa anh phổ nhạc. Tôi nói may quá, tôi vừa nhận được bài thơ ở Tây Nguyên, rõ là của một chiến sĩ, viết trên tờ giấy học trò, chữ xiêu vẹo lem luốc, tên bài thơ là Sóc Bom Bo, lời lẽ rất thật thà chất phác. Tôi đưa anh bài thơ. Mấy năm sau bài hát được phát, rất nổi tiếng, tôi chỉ biết vậy thôi, đâu còn nhớ tác giả bài thơ là ai”.

“Mãi về sau này một nhạc sĩ nói với tôi có nghe nói bài hát phổ từ một bài thơ nhưng không biết tên tác giả. Tôi nói đúng như vậy, và ngoài anh Xuân Hồng, người thứ hai biết điều đó là tôi. Tôi nói ra không phải về vấn đề bản quyền, anh Xuân Hồng chắc cũng đã quên mất, tôi cũng không để ý, ở trong rừng có in ấn gì đâu. Điều tôi muốn nói là anh chiến sĩ chắc đã chết, nếu không anh đã tìm đến Hội Nhạc sĩ. Và điều đó cũng thật đẹp, anh đã không còn nữa, nhưng lời thơ của anh được mọi người hát mãi” - Lê Văn Thảo kể.  

Bình Lợi

Đồng Nai

© 2021 FAP
  788,611       1/937