Văn hóa

Khi bác sĩ là nhà thơ

Đầu năm 2018, bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Không ít người ngạc nhiên vì nghề bác sĩ đã vất vả, lại là người đứng đầu một trung tâm y tế tuyến huyện đang phát triển mạnh mẽ như Trảng Bom thì lấy thời gian đâu mà làm thơ.

4 tập thơ của bác sĩ - nhà thơ Nguyễn Đức Phước.
4 tập thơ của bác sĩ - nhà thơ Nguyễn Đức Phước.

Tôi đã mang câu hỏi này để mở đầu câu chuyện với bác sĩ - nhà thơ Nguyễn Đức Phước. Vị bác sĩ này cười và điềm đạm cho biết, ông yêu thơ và làm thơ từ năm 18 tuổi, cộng tác hàng trăm bài thơ với nhiều tờ báo lớn, nhỏ trong nước, đoạt nhiều giải thưởng về thơ. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay từ khi lên làm quản lý bệnh viện rồi trung tâm y tế, công việc quá nhiều, ông đã tạm ngưng cộng tác để tập trung cho công việc chuyên môn.

* Có duyên với “nàng thơ”

Bác sĩ Phước cho biết “tạm ngưng cộng tác” chứ không phải ngưng sáng tác. Với ông, thơ là duyên, là niềm vui, giúp thư giãn, lấy lại thăng bằng sau những lo toan bộn bề của công việc, cuộc sống. Những lúc cảm xúc tràn về, ông vội ghi chép lại, đến khi rảnh mới hoàn thiện tác phẩm nên việc sáng tác không mất quá nhiều thời gian.

Từ năm 18 tuổi, Nguyễn Đức Phước đã làm thơ và khi ấy thơ của ông chỉ là những bài thơ “con cóc”, mộc mạc, chân phương. Đến năm 1992, khi là sinh viên Trường đại học y dược TP.Hồ Chí Minh, ông mạnh dạn gửi thơ cộng tác với Tuyển tập thơ văn Áo Trắng lúc ấy do Nhà xuất bản Trẻ thực hiện. Không ngờ, thơ của chàng sinh viên y khoa liên tục được báo chọn đăng. Từ đó, thơ của Nguyễn Đức Phước được nhiều bạn trẻ biết đến với những bài thơ mượt mà về tình yêu quê hương, đất nước, tình cảm học trò.

Suốt 10 năm cộng tác thơ cho Áo Trắng đã tạo động lực cho Nguyễn Đức Phước gắn bó với thơ. Tuy nhiên, nơi giúp cho Nguyễn Đức Phước thực sự trưởng thành trong thơ chính là cái nôi từ Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tại đây, ông được học hỏi, sáng tạo và định hình phong cách thơ của mình là thơ tình từ  thành công vang dội với bài thơ Đa tình đoạt giải tư Giải thưởng Thơ tình của Báo Văn nghệ năm 2006-2007: Tôi mang cái thói đa tình/ Thương em hiu quạnh một mình đêm mưa/ Dáng gầy hắt mảnh phên thưa/ Xuân qua đông lại bốn mùa gió lay...

* Da diết với thơ tình

Từ đây, nội dung chủ đạo trong thơ Nguyễn Đức Phước là thơ tình. Nếu như trong công việc, bác sĩ Phước là người mạnh mẽ, thẳng thắn, quyết đoán thì trong thơ tình yêu của bác sĩ thể hiện ở 2 chữ  “đa tình” mãnh liệt, có chút gì đó dở dang, nuối tiếc: Nợ em bếp lửa đêm đông/ Trái tim rét buốt nuốt dòng lệ vơi/ Nợ em nợ một nụ cười/ Giữa đời trắc trở, giữa lời dại khôn... (Nợ).

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nguyễn Khánh Hòa cho biết để được vào Hội Nhà văn Việt Nam phải có một số tác phẩm thơ đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và được hội đồng chuyên môn đánh giá chất lượng tác phẩm tốt. Dù bộn bề công việc nhưng bác sĩ Phước vẫn đam mê sáng tác, có nhiều bài thơ được giới chuyên môn đánh giá cao, tên tuổi bước đầu được ghi nhận trên thi đàn Việt Nam.

Bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Phước đã có 4 tập thơ xuất bản là: Sông Thiêng, Lời biển, Đêm khát, Lục bát. Thơ của Nguyễn Đức Phước không theo một khuôn khổ nhất định vì nhà thơ luôn tìm tòi, đổi mới theo hướng hiện đại, thơ không chỉ có vần điệu mà còn có cả nhạc. Ngoài thể thơ lục bát, cách thể hiện chính trong thơ Nguyễn Đức Phước vẫn là thể thơ tự do theo thi pháp hiện đại: nén chữ, nén lòng: “Người đàn bà chờ chồng/ Người đàn bà chờ chồng người khác/ Gặm nhấm đêm” (Đêm khát). Nhà thơ còn hay dùng cách thả chậm 2 câu thơ cuối khiến nhiều trái tim yêu thơ thổn thức: Bỗng quên một kiếp lưu đày/ Mà không đổi được một ngày cho em (Bỗng quên).

Nhà thơ Nguyễn Đức Phước nói đùa: “Rất may vợ tôi không ghen với “nàng thơ”, không ghen với những người trong thơ nên tôi mới tự nhiên sáng tác. Đó là những cung bậc cảm xúc đã qua, ai cũng có tình yêu một thời tuổi trẻ, cũng có những dang dở, day dứt, khổ đau. Làm thơ cũng là một cách để mình trải lòng hơn với người, với đời, làm cho lòng dịu lại, giảm những căng thẳng, áp lực của cuộc sống hàng ngày”.

Nhận xét về thơ Nguyễn Đức Phước, cố nhà thơ Thu Bồn đã từng viết: “... Anh chữa bao nhiêu nỗi đau thân xác của bệnh nhân nhưng còn nỗi đau trần thế này làm sao anh chữa nổi? Thôi đành đến với thơ vậy. Mọi thứ tìm được trong nội tạng con người là những tế bào, nhưng tế bào cũng chỉ là đất thôi. Tâm hồn đâu có nhìn được bằng kính hiển vi. Bác sĩ Nguyễn Đức Phước trở thành nhà thơ vì anh đã tìm được chìa khóa mở cánh cửa ấy. Điều đó làm ta gần gũi và yêu mến thơ anh”.

* Nặng tình với nghề y

Với bác sĩ Phước, thơ là duyên, còn nghề y là nghiệp. Hơn 10 năm qua, từ khi nhận chức vụ Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom (nay là Trung tâm y tế huyện Trảng Bom), bác sĩ Phước cùng Ban giám đốc đã tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao tay nghề chuyên môn, nâng cao chất lượng phục vụ, làm hài lòng bệnh nhân.

Bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom (thứ 2 từ trái qua), tại lễ kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam.
Bác sĩ, nhà thơ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom (thứ 2 từ trái qua), tại lễ kết nạp hội viên mới của Hội Nhà văn Việt Nam.

Theo đó, bác sĩ Phước luôn chú trọng phát triển các kỹ thuật cao như: phẫu thuật chấn thương - chỉnh hình, mổ bắt con, mổ nội soi ruột thừa, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng, nội soi tai mũi họng... Ngoài ra, trung tâm còn tự đầu tư mua máy CT scanner, X.quang kỹ thuật số... để hỗ trợ công tác khám, chữa bệnh. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tăng đáng kể. Trung bình mỗi ngày có 800-900 bệnh nhân khám ngoại trú, ngày cao điểm từ 1,1-1,2 ngàn bệnh nhân (trước đây chỉ khoảng 500 bệnh nhân); khoảng 200 bệnh nhân điều trị nội trú/ngày (trước chỉ khoảng 150-160 bệnh/ngày).

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết Trung tâm y tế huyện Trảng Bom là đơn vị đi đầu trong các trung tâm y tế tuyến huyện về việc tạo chuyển biến trong chất lượng khám, chữa bệnh, phát triển các kỹ thuật chuyên khoa.  Đặc biệt, trong tình hình chung của các cơ sở y tế công lập tuyến huyện đều thiếu bác sĩ thì Trung tâm y tế huyện Trảng Bom là đơn vị duy nhất có đủ bác sĩ. Đây là nỗ lực rất lớn, của tập thể cán bộ, bác sĩ, nhân viên của trung tâm nói chung và của bác sĩ Nguyễn Đức Phước nói riêng.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  631,197       2/1,087