Tại Bảo tàng mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, quận 1) đang diễn ra một triển lãm khá đặc biệt - triển lãm ảnh Chùa Việt Nam - nơi gửi gắm lòng tin của nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet.
Tại Bảo tàng mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, quận 1) đang diễn ra một triển lãm khá đặc biệt - triển lãm ảnh Chùa Việt Nam - nơi gửi gắm lòng tin của nhiếp ảnh gia người Pháp Nicolas Cornet.
Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ với quan khách mối quan tâm về chùa Việt Nam. |
49 bức ảnh tại triển lãm chỉ là một phần nhỏ trong hơn 20 ngàn bức ảnh mà Nicolas Cornet đã ghi nhận lại trong ống kính qua gần 3 năm rong ruổi từ Bắc chí Nam, đến thăm gần 100 đền, chùa.
Đến Việt Nam lần đầu vào năm 1987 và hơn 30 năm qua, Nicolas Cornet - với công việc của một nhà nhiếp ảnh, phóng viên ảnh cho nhiều tờ báo và tạp chí châu Âu - thường xuyên đi lại giữa châu Âu và châu Á, trong đó Việt Nam là nơi anh đặc biệt gắn bó và chia sẻ nhiều sự quan tâm. Có vợ là người gốc Việt và 2 con trai vẫn được gọi bằng những cái tên Việt là Lưu và Thao, không chỉ học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt mà Việt Nam cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của Nicolas Cornet.
Hơn 30 năm vác máy đi khắp dải đất hình chữ S, Nicolas Cornet chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc đã tạo ra bao nhiêu đổi thay trên cảnh quan đất nước, ở phố thị cũng như nông thôn. Những biến thiên mạnh mẽ đó là chất liệu để anh thực hiện các triển lãm cá nhân: Việt Nam, cuộc sống trỗi dậy, Hà Nội và người Hà Nội, các bộ sách ảnh Hà Nội, Vietnam, A sense of place…
Lần này là triển lãm và ra mắt bộ sách ảnh Chùa Việt Nam (song ngữ Anh - Pháp, dày 250 trang). Nicolas Cornet chia sẻ: “Năm 2014, đến thăm lại vài ngôi chùa nổi tiếng ở miền Bắc mà tôi thích đang trong quá trình trùng tu, tôi nhận thấy kiến trúc truyền thống và nhiều nét đẹp mỹ thuật của những ngôi chùa này đang bị phá hủy. Quan tâm đến lịch sử văn hóa và kiến trúc của Việt Nam thì số phận của các đền chùa và ý nghĩa của nó trong đời sống của người dân đương nhiên là một chủ đề cuốn hút đối với tôi. Tôi quyết định phải thực hiện ngay một quyển sách ảnh để mọi người có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp di sản của những ngôi chùa Việt Nam. Cũng là lưu giữ những giá trị di sản quý giá từ văn hóa truyền thống cho những đứa con mang dòng máu Việt của mình, và cho cả những đứa trẻ trên quê hương người vợ Việt của tôi”.
Khác với những tác phẩm cùng đề tài thường khai thác yếu tố tâm linh, ảnh của Nicolas Cornet tập trung thể hiện vẻ đẹp kiến trúc, mỹ thuật điêu khắc, nghệ thuật tạo hình tượng Phật; những đặc trưng riêng của các chùa ở 3 miền Bắc - Trung - Nam, các chùa Khmer, chùa của cộng đồng người Hoa… Cùng với đó là nhịp sống thường nhật tại những ngôi chùa và sự gắn bó mật thiết với cộng đồng, làng xã. Như một phong cách xuyên suốt, Nicolas Cornet kể câu chuyện đời thường về những nơi chốn đi qua bằng hình ảnh theo một cách rất riêng và bao giờ cũng thể hiện tình cảm gắn bó với Việt Nam.
Qua dự án, Nicolas Cornet không chỉ chia sẻ nỗi lo về sự mai một các di sản vật thể lẫn phi vật thể khi cuộc sống trỗi dậy quá mạnh mẽ mà chúng ta chưa kịp thích nghi. Anh cũng bắt tay vào một giải pháp cụ thể: chia sẻ những kỳ quan của quá khứ mà chúng ta ngưỡng mộ, minh chứng cho sự giàu có của một nền văn hóa phong phú, từ đó khơi dậy lòng tự hào, sự hiểu biết và ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản.
Ninh Lộc