Văn hóa

Hồn thiêng sông núi Bạch Đằng Giang

Cảnh chen chúc, giẫm đạp, xếp hàng dài khi tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc mùa lễ hội đã làm tôi rất ngại khi người thân rủ đến thăm di tích Bạch Đằng Giang (ở xã Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng).

Tuy nhiên, vì lời cam đoan đây là một địa điểm rất đặc biệt, đi rồi sẽ thấy thích và muốn quay trở lại mà tôi thử tìm đến…

Du khách chụp hình lưu niệm bên bãi cọc mô phỏng lại bãi cọc Bạch Đằng năm xưa trong Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Du khách chụp hình lưu niệm bên bãi cọc mô phỏng lại bãi cọc Bạch Đằng năm xưa trong Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Nằm ngay cửa sông Bạch Đằng, cách trung tâm TP.Hải Phòng khoảng 20km, Khu di tích Bạch Đằng Giang không quá rộng nhưng với cách thiết kế, bố trí các công trình kiến trúc hài hòa trong một không gian mở và cái cách giữ gìn khu di tích đã tạo nên sự khác biệt so với các khu du lịch tâm linh khác, mang lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.

* “Chứng nhân” 3 trận đánh lịch sử

Qua bãi gửi xe rộng, thoáng là cổng lớn chào mừng đến với khu di tích lịch sử. Con đường chính dẫn vào phía trong khá rộng, sạch sẽ, rợp bóng cây. Ven đường không có cảnh hàng quán, nạn ăn xin bát nháo như nhiều điểm du lịch khác.

Nơi giáo dục tinh thần yêu nước

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lần đến thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang vào ngày 14-11-2017 đã bày tỏ mong muốn Khu di tích Bạch Đằng Giang không chỉ là nơi tham quan, tưởng nhớ công lao to lớn của các anh hùng dân tộc mà còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giữ gìn, bảo vệ độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Điểm đầu tiên khách thường dừng chân đó là nhà trưng bày. Vào đây, khi xem sơ đồ diễn biến từng trận đánh, mọi người sẽ hiểu rõ hơn về 3 trận thủy chiến vang dội trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc của Đức vương Ngô Quyền vào năm 938 chống quân Nam Hán, vua Lê Đại Hành vào năm 981 chống đại quân nhà Tống, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn vào năm 1288 chống quân Nguyên Mông. Thích thú nhất là mọi người tận mắt nhìn thấy những cây cọc Bạch Đằng - “nhân chứng” lịch sử của chiến thắng Bạch Đằng năm xưa được bảo tồn nguyên trạng.

Điều thú vị là trong cả 3 trận đánh vang dội trong lịch sử đều dựa vào vị thế hiểm yếu của sông Bạch Đằng, cùng sử dụng một chiến thuật để đánh trận nhưng cả 3 lần quân giặc đều thất bại thảm hại. Cụ thể, lợi dụng con nước của sông Bạch Đằng sáng lên chiều xuống, các vị vua, tướng lĩnh ngày xưa đã đóng các cọc gỗ được đẽo nhọn cắm dưới cửa sông chạy dọc ra biển. Khi nước dâng cao, quân ta dụ địch chạy vào cửa sông, tiến vào bãi cọc, khi thủy triều xuống mới quay thuyền lại đánh thẳng vào đội thuyền của địch. Trong khi rút quân, thuyền của địch bị đâm vào các cọc nhọn làm chìm tàu, cháy tàu. Một số quân giặc bỏ chạy lên bờ rơi vào trận phục kích liền bị quân ta tiêu diệt, bắt sống. 

Nhiều người đến đây, nhất là các học sinh, sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa từng trận đánh. Đặc biệt là đại thắng Bạch Đằng năm 938 của Đức vương Ngô Quyền được ghi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc như một chiến công chói lọi, chấm dứt nền thống trị hơn ngàn năm của các đế chế phong kiến phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc Việt Nam.

* Ấn tượng với du lịch “5 không”

Một trong những ấn tượng khi đến với Khu di tích Bạch Đằng Giang chính là du lịch “5 không”: không thu phí dịch vụ (miễn phí vé vào cổng, giữ xe, vệ sinh, nước uống), không hàng quán kinh doanh, không hoạt động mê tín, không người ăn xin, không xả rác bừa bãi.

Du khách tham quan Khu di tích Bạch Đằng Giang.
Du khách tham quan Khu di tích Bạch Đằng Giang.

Điều đáng nói, dù không thu phí các dịch vụ nhưng thái độ của nhân viên khu di tích rất lịch sự, bãi giữ xe có phát vé và được hướng dẫn tận tình, các nhà vệ sinh, khu vực xung quanh khá sạch sẽ…Điều này làm cho khu di tích trở nên trang trọng, tôn nghiêm hơn và khác biệt hẳn nhiều khu du lịch tâm linh khác .

Tôi rất thích cảm giác bình yên khi đi vào sâu trong khu di tích, trên đường đi một bên là hàng cây cổ thụ rợp bóng mát ven sông, xen kẽ những dãy bonsai được tạo đủ kiểu dáng đẹp mắt và một bên là các khu đền thờ 3 nhà cầm quân lẫy lừng của dân tộc: Vua Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Đức vương Ngô Quyền có kiến trúc theo dáng cổ, hướng ra sông Bạch Đằng. Ngoài ra, trong khu di tích còn có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Việt Nam.

Điểm nhấn của khu di tích cũng là điểm được du khách dừng chân lâu nhất chính là quảng trường nổi, với 3 pho tượng đồng tạc Đức vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, mỗi pho tượng cao 11m sừng sững, uy nghi hướng thẳng ra sông Bạch Đằng lộng gió. Dưới cửa sông là bãi cọc mô phỏng lại bãi cọc Bạch Đằng năm xưa khiến du khách trầm trồ, ngưỡng mộ. Ai đến đây cũng thắp nén hương, cúi đầu tưởng nhớ các vị anh hùng tài ba của dân tộc, vong linh những binh sĩ đã làm nên các trận đại thắng oanh liệt chống quân xâm lược, góp phần giành lại nền độc lập cho Tổ quốc.

Trên đường trở ra cổng để về, tôi nghe tiếng đọc kinh ở một ngôi chùa trên núi (cũng nằm trong khu di tích) vang vọng xuống bờ sông Bạch Đằng cảm giác như mình đang nghe âm thanh bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt với một tâm thế rất đỗi tự hào: Sông núi nước Nam, vua Nam ở; Rành rành định phận tại sách trời; Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm; Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời…

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  631,365       1/1,094