Văn hóa

Mong có nhiều sân khấu hơn cho nhạc dân gian

Năm 2017, tỉnh Đồng Nai có quyết định công nhận ông Lê Văn Lợi (nghệ danh Năm Lợi, ngụ phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) là nghệ nhân dân gian và trở thành một trong 5 người được công nhận danh hiệu này tại Đồng Nai từ trước đến nay.

Dành gần cả cuộc đời theo nghiệp đờn ca tài tử, nghệ nhân Năm Lợi được xem là người có công truyền dạy và góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, thực hành nhạc lễ ở Đồng Nai nói riêng và các tỉnh, thành Đông Nam bộ nói chung.

Trải qua nhiều thăng trầm, đờn ca tài tử Nam bộ vẫn có dòng chảy riêng, tuy âm thầm lặng lẽ nhưng lại có sức sống bền bỉ trong đời sống người dân Nam bộ. Trong đó, những nghệ nhân như ông Năm Lợi là những người đã tiếp lửa từ thế hệ trước và truyền cho thế hệ sau mà không vụ lợi điều gì. Ở góc độ một nghệ nhân, ông cho biết mình không mong gì hơn việc có nhiều không gian biểu diễn cho đờn ca tài tử nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung.

* Mất 5-6 năm để học chơi nhạc lễ

 Nhạc lễ, theo GS.Trần Văn Khê là loại nhạc có gốc tích từ cung đình, sau này du nhập và phổ biến trong dân gian. Loại nhạc này khá ít người theo được. Vì sao ông có cơ duyên với nó?

- Đờn ca tài tử nói chung và nhạc lễ Nam bộ đã gắn bó với tôi từ khi còn rất nhỏ do ảnh hưởng từ truyền thống gia đình, từ ông nội đến cha tôi đều chơi và theo đuổi loại hình nhạc lễ này. Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu theo cha chơi nhạc lễ tại các buổi cúng, ma chay, lễ hội ở địa phương rồi sau đó nhạc lễ dần dần thấm vào máu của mình.

Tuy nhiên, đã từng có giai đoạn khoảng hơn 20 năm tôi phải ngừng chơi nhạc lễ do ảnh hưởng bởi chiến tranh, rồi bận bịu mưu sinh với cơm áo gạo tiền bằng nghề sửa chữa các thiết bị điện tử. Đến năm 1996, tôi mới bắt đầu chơi lại. Do bị gián đoạn thời gian khá dài như vậy nên tôi gần như phải học lại từ đầu để tìm lại cảm hứng, tìm hiểu và kết hợp giữa cách chơi truyền thống với hiện đại, để rồi tiếp tục gắn bó với loại hình nhạc lễ cho tới bây giờ...

 Nhạc lễ so với các loại hình âm nhạc khác khó hơn hay dễ hơn? Thông thường phải mất bao nhiêu năm và luyện tập ở mức độ nào để trở thành người chơi nhạc lễ chuyên nghiệp?

- Nhạc lễ là thể loại nhạc thường được sử dụng trong dịp: lễ hội, cúng thần, cúng đình, chùa, tang chế... gắn liền với các loại nhạc cụ cổ truyền. Tính chất nhạc lễ thường đòi hỏi sự trang nghiêm, bài bản cao, không thiên về tính giải trí như đờn ca tài tử. Hơn thế nữa, khi vô bài, dứt bài hay chuyển từ bài nhạc lễ này sang bài nhạc lễ kia đòi hỏi sự đồng bộ, ăn khớp giữa các dụng cụ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa những thành viên trong ban nhạc lễ.

Bản thân tôi may mắn được gia đình hoàn toàn ủng hộ việc tham gia các ban nhạc lễ, chơi đờn ca tài tử. Tình yêu và tâm huyết với nhạc lễ, với đờn ca tài tử đã giúp tôi vượt qua những khó khăn, thử thách khi gắn bó với bộ môn này. Thời gian tới, tôi vẫn tiếp tục dành nhiều thời gian cho công tác truyền dạy những kinh nghiệm, “ngón đàn” của bản thân cho con cháu, các bạn trẻ thực sự đam mê, muốn tìm hiểu về nhạc lễ cổ truyền nói riêng và bộ môn đờn ca tài tử nói chung.

Bài bản, âm điệu trong nhạc lễ tuy mang tính chất nghiêm nghị nhưng ẩn sâu bên trong lại mang hàm ý biểu thị cho những cảm xúc gần gũi với con người, những trạng thái vui, buồn trong cuộc sống. Ngoài những bài nhạc lễ đậm chất buồn như: Xuân Nữ, Nam Ai, còn có các bài nhạc lễ thể hiện âm hưởng lạc quan, bi hùng như: Ngũ Đối Hạ, Nam Xuân và Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung). Tùy vào những trường hợp, mục đích cụ thể mà có sự kết hợp các bài nhạc lễ phù hợp...

Dàn nhạc lễ gồm: trống, kèn, bộ gõ, đàn...  Để có thể là thành viên trong các ban nhạc lễ, người chơi phải biết chơi gần như tất cả các nhạc cụ này. Quá trình vừa học vừa luyện tay nghề thường khoảng 5-6 năm để người chơi có thể chơi đúng nhạc, đúng bài bản. Tuy nhiên, để thực sự “phiêu” và tạo được dấu ấn riêng thì đòi hỏi tố chất, sự chuyên cần và niềm đam mê của mỗi người.

 Theo ông, sự tồn tại của nhạc lễ trong đời sống cộng đồng ngày nay như thế nào?

- Nhạc lễ cổ truyền Nam bộ hiện còn chủ yếu phục vụ trong các đám giỗ, ma chay, cúng kiếng, một số lễ hội địa phương... Hiện nay, số lượng ban nhạc lễ còn mang tính truyền thống, nguyên sơ ban đầu không còn nhiều. Nhạc công chơi trong một ban nhạc lễ khi xưa phải có đủ bát âm (tức là phải có 8 người tương ứng), nhưng nay thì giảm xuống chỉ còn khoảng 4 người/ban nhạc lễ, một số trường hợp còn phải kiêm nhiệm khi chơi.

Các loại nhạc cụ cũng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng thay đổi của người nghe. Ngoài các nhạc cụ truyền thống như: kèn, đàn cò, đàn nguyệt, trống, mõ thì hiện nay dàn nhạc lễ có thêm một số loại nhạc cụ hiện đại như: đàn guitar, trống... Trang phục của những nhạc công thường phải là áo dài khăn đóng nhưng hiện nay trong một số trường hợp có thể đơn giản hơn.

* Phải tâm huyết mới có thể theo nghề

 Theo đuổi “ngón đàn”, lời ca gần trọn một đời, theo ông điều gì là thách thức nhất trong việc giữ gìn bản sắc âm nhạc dân tộc?

- Đó là sự hài hòa giữa đam mê và điều kiện kinh tế. Để theo đuổi được đam mê thì người chơi, nghệ sĩ cần có điều kiện kinh tế đảm bảo. Đã có nhiều trường hợp có năng khiếu và đam mê với nhạc lễ nhưng chỉ theo học hoặc làm nghề được một thời gian rồi chuyển sang nghề khác kiếm sống vì có thu nhập cao và ổn định hơn.

 Ở góc độ một nghệ nhân lâu năm trong nghề, ông có đề xuất gì để giữ gìn và phát triển âm nhạc dân tộc như đờn ca tài tử thu hút khán giả, nhất là giới trẻ hơn nữa?

- Các cơ quan chức năng, quản lý cần quan tâm hơn nữa tới các bộ môn nghệ thuật truyền thống, tạo điều kiện để có nhiều sân chơi, các chương trình giao lưu về đờn ca tài tử, nhạc lễ... Hơn thế nữa, tôi cũng hy vọng có thêm nhiều địa điểm để giảng dạy, tạo ra môi trường giữ gìn truyền thống, nhân rộng các mô hình phát triển nhạc cổ truyền, có định hướng cụ thể, lâu dài và mang tính kết nối cao. Trên thực tế, những thành viên Câu lạc bộ đờn ca tài tử Đồng Nai như tôi thường xuyên phải thay đổi, tìm kiếm các địa điểm cố định để tổ chức giao lưu, truyền dạy về đờn ca tài tử cũng như nhạc lễ trong suốt thời gian qua.

 Trong bối cảnh cơm áo gạo tiền trở thành áp lực lớn trong cuộc sống, khó mà đòi hỏi người trẻ phải tâm huyết với lời ca, “ngón đàn” khi bộ môn này chưa nổi tiếng trên diện rộng như các bộ môn nghệ thuật khác. Có cách nào để những người trẻ chú tâm hơn?

- Thực sự thì số lượng người chơi nhạc lễ, hiểu về nhạc lễ hiện nay không nhiều. Để giới trẻ có thể hiểu, chơi được nhạc lễ là cả một quá trình dài và đòi hỏi họ phải thực sự đam mê. Người chơi phải có đủ kiên nhẫn, nếu không thường sẽ bỏ giữa chừng. Hơn nữa, truyền thống gia đình cũng có ảnh hưởng tới sự đam mê, cảm nhận của những người trẻ với nhạc cổ truyền nói chung và phần nhạc lễ này nói riêng. Nếu như những người trẻ được nghe, được tiếp xúc nhiều với nhạc lễ từ nhỏ thì sẽ dễ cảm, dễ học hơn.

Tôi chỉ mong sao số lượng người nghe được, hiểu được nhạc lễ tăng lên để khi biểu diễn sẽ nhận được nhiều sự đồng điệu, có thêm động lực trình diễn các “ngón đàn” mình tâm huyết. Tôi cũng mong muốn đờn ca tài tử sẽ được đưa vào giới thiệu và dạy tại các trường học nhiều hơn nữa để giới trẻ có thêm cơ hội tiếp cận với loại hình nghệ thuật này.

 Xin cảm ơn ông!

Vi Lâm - Hải Quân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  788,642       1/937