Văn hóa

Khi phóng sự chạm đến trái tim bạn đọc

Dù là báo Đảng địa phương, nhưng suốt quá trình hơn 40 năm hình thành và phát triển, bên cạnh việc chú trọng đưa thông tin thời sự chuẩn xác, nhanh nhạy, Ban Biên tập Báo Đồng Nai qua các thời kỳ đều luôn nhất quán quan điểm đầu tư, đẩy mạnh thể loại phóng sự.

Dù là báo Đảng địa phương, nhưng suốt quá trình hơn 40 năm hình thành và phát triển, bên cạnh việc chú trọng đưa thông tin thời sự chuẩn xác, nhanh nhạy, Ban Biên tập Báo Đồng Nai qua các thời kỳ đều luôn nhất quán quan điểm đầu tư, đẩy mạnh thể loại phóng sự.

Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh (giữa) cùng các phóng viên Báo Đồng Nai tác nghiệp tại Khu di tích Căn cứ Tà Thiết (tỉnh Bình Phước) trong đợt thực hiện loạt phóng sự về đường Hồ Chí Minh năm 2009.
Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh (giữa) cùng các phóng viên Báo Đồng Nai tác nghiệp tại Khu di tích Căn cứ Tà Thiết (tỉnh Bình Phước) trong đợt thực hiện loạt phóng sự về đường Hồ Chí Minh năm 2009.

Bằng chứng cho sự ưu ái này là từ nhiều năm nay, Báo Đồng Nai luôn dành vị trí đặc biệt để đăng phóng sự, trong mỗi đợt cải tiến tờ báo, Ban Biên tập luôn chú trọng đẩy mạnh thể loại này bằng cách: tăng thêm trang phóng sự số cuối tuần, củng cố nội dung phóng sự để thu hút bạn đọc, chăm chút phần hình thức để trang báo sống động hơn… Phóng sự vì thế trở thành thế mạnh của báo khi có nhiều cây viết chuyên viết phóng sự, số lượng bài phóng sự của Báo Đồng Nai lên đến hơn 250 tác
phẩm/năm.

* Nhà báo đặt cái tâm vào từng con chữ

Nhà báo Đinh Kim Tuấn, Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai, cho hay nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin của bạn đọc báo chí hiện đại, những năm qua, Báo Đồng Nai tự “làm mới” mình bằng các phóng sự ảnh. Tới đây, báo sẽ đẩy mạnh thể loại phóng sự truyền hình để phát trên Báo Đồng Nai online. Xu hướng báo chí mới này đòi hỏi tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên của báo phải nỗ lực học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ nhiều hơn nữa…

Để bài phóng sự “đứng” được trong trang báo, trong lòng độc giả, các nhà báo đã không ngại nắng mưa, đêm ngày để tỏa ra cuộc sống rồi từ đó quan sát, tìm kiếm đề tài, tác nghiệp thu thập thông tin dữ liệu trong điều kiện khắc nghiệt, và thể hiện bài viết bằng cảm xúc của nhà báo.

Đó là nhà báo Đoàn Phú hôm trước len lỏi vào những cánh rừng xa xôi, cùng ăn cùng ở với cán bộ kiểm lâm, hôm nay đã theo chân người gác đường ray xe lửa suốt đêm khuya, và ngày mai có thể sẽ lặn ngụp trên từng con nước với ngư dân để cảm nhận hết từng “khúc sông - đời người”. Đó là nhà báo Tùng Minh - Thanh Hải đóng giả cặp tình nhân thuê phòng trọ để thu thập thông tin chứng cứ về những thân phận trẻ em, người già bị ngược đãi, chăn dắt ăn xin khắp phố phường. Đó là những nhà báo trẻ như Thanh Hải, Đăng Tùng đã thể hiện được phong cách phóng sự riêng của mình bằng các phóng sự viết về thân phận con người trong cuộc mưu sinh như: các PG, shipper, người “chăn” kiến, du mục nơi đồng hoang…

Rõ ràng thực tiễn cuộc sống vô cùng phong phú và đầy ắp ân tình đã giúp các nhà báo có nhiều cơ hội trải nghiệm và tác nghiệp. Tuy vậy, chỉ với những nhà báo có vốn sống, tư duy nhạy bén và tinh tế mới có thể chắt lọc được những đề tài “đắt giá” cho riêng mình.

Như nhà báo Đoàn Phú chia sẻ: “Chỉ tính riêng vùng Mã Đà sơn cước, tôi cảm nhận giữa bạt ngàn xanh màu núi rừng là từng số phận con người, là những đổi thay… do đó, đã có lúc tôi viết hoài về vùng đất này mà không hết đề tài. Vì càng đi về vùng ấy, càng sống với bà con, tôi càng có những cảm xúc mới cho bài viết của mình”...

* Nâng tầm phóng - sự

Nhà báo Thanh Thúy, người đi nhiều - viết khỏe về nhiều địa danh trên thế giới, cho hay nếu người đi du lịch bình thường thì chỉ tham quan, thưởng lãm đơn thuần rồi viết bài, miêu tả lại. Bài viết khi đó chỉ có chất “phóng”. Còn với góc nhìn của nhà báo, cần phải tìm ra chất “sự” từ việc tìm hiểu đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và vùng đất mới. Từ đó rút ra những nhận định riêng gắn với địa phương mình đang sống. Đó mới là chất “sự”, nâng tầm cho bài phóng sự.

Nhà báo Thanh Thúy bên tượng sáp Nữ hoàng Anh ở Bảo tàng Madame Tussauds (Hà Lan). ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà báo Thanh Thúy bên tượng sáp Nữ hoàng Anh ở Bảo tàng Madame Tussauds (Hà Lan). ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà báo Thanh Thúy dẫn chứng, khi đến tham quan làng cổ ở Nhật Bản hay Hàn Quốc, cần phải liên hệ với làng cổ Phú Hội ở huyện Nhơn Trạch. Những liên hệ này phải thể hiện rõ chính kiến của nhà báo thông qua những đánh giá, phân tích, đề xuất các điều kiện để phát triển làng cổ ở Đồng Nai.

Nhà báo Thanh Thúy còn chia sẻ, để có thêm hiểu biết về văn hóa, về đất nước, con người nhiều nơi, trong khi nhiều người Việt Nam ít đến tham quan bảo tàng, thì chị đã thu xếp lịch trình chuyến đi và tự bỏ một số tiền không nhỏ để đến tham quan các bảo tàng, nơi lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa của vùng đất mà chị đi qua.

Đồng quan điểm này, nhà báo Bùi Thuận, một cây viết phóng sự có tiếng ở Đồng Nai, năm nay đã 68 tuổi vẫn đều đặn có phóng sự đăng trên Báo Đồng Nai, nhấn mạnh: đành rằng phóng sự thiên về cảm xúc nhưng không thể viết theo kiểu đi - thấy và tả được. “Kinh nghiệm trên 40 năm viết báo của tôi cho thấy, trước mỗi chuyến đi tôi luôn dành nhiều thời gian nghiên cứu tư liệu về địa lý, văn hóa, đặc biệt là các nhân chứng lịch sử của vùng đất đó. Khai thác được các nhân chứng càng độc đáo, bài phóng sự của tôi càng dễ đi vào lòng người…” - nhà báo Bùi Thuận cho hay.

* Một thể loại khó của báo chí

Nhiều nhà nghiên cứu báo chí - truyền thông cho rằng không phải nhà báo nào cũng có thể viết phóng sự và không phải nhà báo viết phóng sự nào cũng cho ra đời những tác phẩm hay. Nói lên điều này để thấy việc Báo Đồng Nai “sở hữu” một đội ngũ phóng viên - biên tập viên - cộng tác viên chuyên viết phóng sự, có nhiều bài phóng sự ghi lại dấu ấn, tạo dư luận xã hội… là điều vô cùng quý.

Theo nhà báo Trần Huy Thanh, Tổng biên tập Báo Đồng Nai, trong chiến lược phát triển của mình thời gian qua, Báo đã tăng số lượng trang phóng sự, đẩy mạnh nội dung các phóng sự có chiều sâu, mang đậm các giá trị nhân văn. Muốn làm được điều đó phải có những cây bút chủ đạo, đó là những nhà báo viết phóng sự có thâm niên. Bên cạnh đó, Báo Đồng Nai luôn chú trọng lực lượng kế thừa, những phóng viên trẻ như Thanh Hải, Đăng Tùng, Hải Quân được đào tạo bài bản, có tố chất, chịu khó rèn luyện đã dần dần khẳng định mình qua từng trang phóng sự.

“Viết phóng sự cần có tố chất và phải được rèn luyện, hướng dẫn. Do đó, ở Báo Đồng Nai, Ban Biên tập luôn tạo “đất” để khuyến khích phóng viên viết phóng sự. Quá trình viết, phóng viên được đánh giá, rút kinh nghiệm cấp phòng, cấp cơ quan. Chúng tôi cũng mời các chuyên gia, nhà báo nổi tiếng về giảng dạy, bồi dưỡng nghiệp vụ để thể loại này ngày càng đặc sắc trên mặt báo” - Tổng biên tập Báo Đồng Nai Trần Huy Thanh tự hào chia sẻ.

Hôm nay 31-5, Báo Đồng Nai ra mắt tuyển tập phóng sự Đồng Nai đi và đến, tập hợp 100 phóng sự trên Báo Đồng Nai những năm gần đây.

Lâm Viên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  631,462       1/1,104