Văn hóa

Thiêng liêng chùa cổ

Trong dòng chảy của lớp người mở cõi ở Đồng Nai, lưu dân khi chọn vùng đất mới làm quê hương, sinh cơ lập nghiệp cũng mang theo tập quán về đời sống tâm linh. Hệ thống cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã hình thành ngay từ buổi ban đầu khai phá, hình thành các khu dân cư, trong đó phải kể đến những ngôi chùa cổ gắn liền với lịch sử ra đời của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Tháp mộ của Thiền sư Nguyên Thiều ở chùa Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) - một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đồng Nai.
Tháp mộ của Thiền sư Nguyên Thiều ở chùa Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) - một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đồng Nai.

Hầu hết các chùa cổ ở Đồng Nai đều có đặc điểm chung là khởi đầu từ am/chùa nhỏ, xây dựng đơn sơ bởi buổi đầu đời sống người dân địa phương còn khó khăn; sau này khi kinh tế phát triển, người dân đã đóng góp xây dựng chùa ngày càng khang trang, thậm chí đạt đến trình độ mỹ thuật nhất định. 3 ngôi chùa Việt được cho là hình thành sớm nhất ở Đồng Nai, đó là: Long Thiền (phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa), Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) và Bửu Phong (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa).

* Gắn liền lịch sử mở cõi

Theo Hòa thượng Thích Minh Chánh, nguyên Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, chùa Quốc Ân Kim Cang do Thiền sư Nguyên Thiều (dòng Lâm Tế đời pháp thứ 33) xây dựng năm 1695, 3 năm trước khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn lập dinh Trấn Biên. Còn theo tài liệu của Thiền phái Trúc Lâm thì chùa Long Thiền do Tổ sư Thành Nhạc (dòng Lâm Tế đời pháp thứ 34, đệ tử của Thiền sư Nguyên Thiều) khai sáng vào năm 1664 (tức trước cả chùa Quốc Ân Kim Cang), trong khi đó tiểu sử của Tổ sư Thành Nhạc lại ghi chép hòa thượng viên tịch ngày 17 tháng Chạp năm Bính Thân (năm 1776), cách sau đó đến 112 năm.

Về chùa Bửu Phong, nguyên là một am tranh do Hòa thượng Bửu Phong dựng nên năm 1616 - về niên đại thì ra đời trước cả chùa Long Thiền và chùa Quốc Ân Kim Cang, tuy nhiên đây chỉ là truyền khẩu. Đến khoảng năm 1679, một nhóm dân binh người Hoa thuộc hạ của Trần Thượng Xuyên khi đến lập nghiệp ở Biên Hòa có đến chùa tá túc, sau đó xây dựng lại chùa bằng gạch ngói, thỉnh Hòa thượng Thành Trí (đệ tử của Thiền sư Nguyên Thiều) làm trụ trì. Theo truyền thuyết này, mạn phép suy đoán trường hợp chùa Long Thiền cũng tương tự, ban đầu là am/chùa nhỏ sau đó được Tổ sư Thành Nhạc xây dựng thành chùa.

Ở Cù lao Phố còn một ngôi chùa nổi tiếng, đó là chùa Chúc Thọ, dân gian thường gọi là chùa Thủ Huồng. Theo Đại Nam nhất thống chí, Thủ Huồng tên thật Võ Hữu Hoằng, sống ở châu Đại Phố, huyện Phước Chính, phủ Phước Long (nay là xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) khoảng năm 1755. Ông là người dựng nhà bè có đầy đủ bếp núc, gạo, củi, đồ ăn miễn phí cho người lỡ độ đường, chờ con nước, từ đó hình thành địa danh Nhà Bè. Ông cũng đóng góp kinh phí xây dựng chùa Chúc Thọ, vì vậy suy đoán chùa ra đời khoảng giữa thế kỷ 18.

Cả 3 ngôi chùa cổ này đều gắn liền với quá trình phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, thể hiện sự hỗn dung trong văn hóa của người dân vùng đất mới. Ở chùa Bửu Phong hiện còn một tượng đá cổ thể hiện thần ảnh của Ấn Độ giáo. Chùa Bửu Phong do nhóm người Hoa xây dựng, trùng tu, đặc biệt là đợt xây dựng lớn vào năm 1829 của Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm nên chùa có lối kiến trúc và trang trí hài hòa giữa Trung Hoa và Việt Nam. Ở sườn núi trước chùa có một giếng cổ, tương truyền do Nguyễn Ánh sai quân đào để lấy nước trong thời gian tránh sự truy đuổi của quân Tây Sơn, nên có tên là giếng Gia Long.

Còn chùa Quốc Ân Kim Cang, theo các bô lão trong thời gian ở Trấn Biên (1698-1670), Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên lui tới đàm đạo về Phật pháp với Thiền sư Nguyên Thiều. Nơi đây hiện còn 2 ngôi tháp, một là tháp mộ của Thiền sư Nguyên Thiều (mất năm 1728), một là tháp Phổ Đồng, còn gọi là tháp Công chúa, theo truyền thuyết là nơi chôn cất Công nữ Ngọc Vạn - người có công rất lớn trong việc mở rộng bờ cõi đất nước về phía Nam và hình thành vùng đất Nam bộ.

Chùa Long Thiền là một trong những ngôi chùa cổ có kiến trúc đẹp, các họa tiết, hoa văn trang trí được điêu khắc, chạm trổ, đắp nổi các đề tài hoa - điểu, nhật - nguyệt, tứ linh, bát tiên, lý ngư hóa long… rất công phu, tinh tế, mỹ thuật. Trong khuôn viên chùa cũng có bảo tháp của Tổ sư Thành Nhạc và 2 ngôi mộ cổ của vợ chồng vị quan có công trong việc khai hoang lập ấp cho dân, xây dựng chùa.

Một ngôi chùa khác không thể không nhắc đến, đó là ngôi chùa đất sét nằm trong quần thể di tích danh thắng Núi Chứa Chan - Chùa Gia Lào (huyện Xuân Lộc). Tương truyền, chùa do Công nữ Ngọc Vạn đóng góp xây dựng trong giai đoạn bà về sống ở Bà Rịa sau khi chán cảnh tranh đấu trên chính trường Chân Lạp. Tuy chưa có tư liệu chính thức về năm xây dựng, nhưng suy đoán có thể chùa ra đời trước năm 1695 (là năm xây dựng chùa Quốc Ân Kim Cang).

* Nhiều truyền thuyết đẹp

Vùng đất Cù lao Phố (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cũng có nhiều ngôi chùa cổ gắn liền với quá trình phát triển rực rỡ của thương cảng Nông Nại đại phố. Ngôi chùa xây dựng sớm là chùa Ông (Thất phủ cổ miếu), khai tạo vào năm 1684. Đây cũng là ngôi chùa do cộng đồng người Hoa xây dựng đầu tiên ở Nam bộ, gắn với cộng đồng di dân do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu định cư ở Biên Hòa năm 1679.

Chùa Bửu Phong (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) - một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đồng Nai.
Chùa Bửu Phong (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) - một trong những ngôi chùa cổ đầu tiên ở Đồng Nai.

Theo ghi chép của Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí, chùa Ông là một công trình kiến trúc “Miếu điện nguy nga, có tô đắp tượng lớn, cao hơn một trượng; phía sau là Quan Âm điện. Ngoài bao tường gạch, có bốn con lân đá ngồi bốn góc. Miếu này cùng với Hội quán Phước Châu ở đầu phía tây đường lớn và Hội quán Quảng Đông ở phía đông là ba ngôi đền lớn”. Trải qua nhiều lần trùng tu, đến nay chùa vẫn giữ nguyên lối kiến trúc ban đầu. Chùa là tập hợp đỉnh cao nghệ thuật của các thế hệ nghệ nhân thuộc làng nghề chạm khắc đá Bửu Long. Ngoài các sản phẩm đá, là các bao lam cột, khám thờ, hương án điêu khắc gỗ thiếp vàng đa dạng về thủ pháp tạo hình và đặc biệt phong phú về đề tài, từ hoa - điểu, thảo trùng, linh vật đến các nhân vật tiên thánh...

2 ngôi chùa cổ khác ở Cù lao Phố là Hoàng Ân và Đại Giác thì gắn liền với những huyền tích đẹp. Chùa Hoàng Ân được xây dựng năm 1726, ban đầu chỉ là ngôi chùa nhỏ đơn sơ. Một đêm nọ, sư trụ trì vì lòng hảo tâm đã đón nhận đôi vợ chồng nghèo chẳng may mắc bệnh hủi. Mấy năm sau đôi vợ chồng này qua đời, nhà sư chôn cất tử tế, khi liệm thì thấy người chồng thiếu mất ngón chân còn người vợ thiếu ngón tay (do bệnh hủi). Không ngờ 20 năm sau, có đôi vợ chồng trẻ thuộc hoàng tộc viếng chùa mà người chồng cũng thiếu ngón chân, người vợ thiếu ngón tay - chính là hậu thân của đôi vợ chồng bệnh hủi năm xưa. Cảm tạ ơn đức của nhà chùa đối với mình ở kiếp trước, đôi vợ chồng trẻ đã cúng dường, xây dựng chùa khang trang. Câu chuyện sau đó được truyền tụng trong dân gian như bài học về lòng nhân ái, từ bi của con người.

Tương tự như trường hợp của chùa Long Thiền, theo tài liệu của Giáo hội Phật giáo Đồng Nai, chùa Đại Giác được Hòa thượng Thành Đẳng (đệ tử của Thiền sư Nguyên Thiều) xây dựng vào năm 1665. Tuy nhiên, theo tiểu sử thì Hòa thượng Thành Đẳng sinh năm 1686 và mất năm 1769 thì không phù hợp, do đó cũng tạm suy đoán Hòa thượng Thành Đẳng chỉ tiếp nhận trụ trì sau này và xây dựng chùa kiên cố hơn.

Theo truyền thuyết, năm 1779 Công nữ Ngọc Anh, con gái thứ 3 của Nguyễn Ánh trên đường trốn chạy sự truy đuổi của quân Tây Sơn từng nương náu ở chùa Đại Giác, nên sau khi lên ngôi vua Gia Long đã cho trùng tu chùa và cúng pho tượng phật lớn bằng gỗ mít. Công chúa Ngọc Anh cũng cúng chùa tấm biển “Đại Giác tự” sơn son thếp vàng, bên phải khắc: Tiên triều Hoàng nữ đệ tam công chúa Nguyễn Thị Ngọc Anh.

Chùa cũng gắn với câu chuyện tình lãng mạn giữa công chúa Ngọc Anh với Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành (còn gọi là Hòa thượng Liên Hoa), tăng cang ở chùa Thiên Mụ (TP.Huế). Là người mộ đạo, công chúa thường đến chùa nghe Hòa thượng Thiệt Thành giảng kinh, sau đó thầm yêu đơn phương nhà sư. Để tránh chuyện tình cảm “tréo ngoe”, Hòa thượng Thiệt Thành xin vào trụ trì chùa Sắc Tứ Từ Ân (ở Gia Định), sau đó về chùa Đại Giác. Vì yêu, công chúa Ngọc Anh cũng vượt đường xa từ Huế vào Đồng Nai để gặp mặt người thương. Muốn chấm dứt mối nghiệt duyên, Hòa thượng Thiệt Thành đã tự hóa (chết), công chúa Ngọc Anh sau đó cũng mất tại Đồng Nai. Năm 2010, trong khi xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đơn vị thi công phát hiện một ngôi mộ cổ ở đoạn ngang qua khu vực Cầu Xéo (thị trấn Long Thành). Kết quả khai quật cho thấy chủ nhân ngôi mộ thuộc tầng lớp quý tộc, là người Hoàng gia, theo suy đoán của PGS-TS.Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh, thành viên nhóm khai quật, người trong mộ có thể là công chúa Ngọc Anh.

Thanh Thúy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  787,817       1/922