Văn hóa

Xây dựng gia đình văn hóa từ mỗi nhà

Nếu như năm 2000 - năm đầu triển khai công tác xây dựng gia đình văn hóa, toàn tỉnh chỉ có trên 59% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa thì đến cuối năm 2017 đã có 98,78% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Phùng Thị Bình (ở ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) sắp xếp hàng hóa tại cửa hàng. Ảnh: N.SƠN
Ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Phùng Thị Bình (ở ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) sắp xếp hàng hóa tại cửa hàng. Ảnh: N.SƠN

Bà Đặng Thanh Thủy, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, nhận định bên cạnh sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành, kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của mỗi gia đình văn hóa.

* Nỗ lực từ mỗi “tế bào” của xã hội

20 năm trước, cô gái bán chôm chôm Ngô Thị Đặng và chàng sĩ quan Bùi Duy Đại (ở ấp 5, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) về chung một nhà, và cho đến nay vẫn giữ được ngọn lửa hạnh phúc, trở thành điểm tựa vững chắc cho các con.

Bà Đặng cho biết ông Đại là bộ đội, những năm trước làm việc ở huyện Long Thành nên thường xuyên vắng nhà. Trong khi đó, bà ở nhà nội trợ nên mọi việc trong nhà từ cơm nước, chăm sóc đến việc đưa đón, dạy các con học đều do một tay bà thu vén. Bù lại những ngày thứ bảy, chủ nhật được về nhà, chồng bà luôn dành toàn thời gian chia sẻ công việc với vợ, chơi với các con.

Ông Đại chia sẻ mặc dù thời gian ở cạnh nhau không nhiều, nhưng cũng như những cặp vợ chồng khác ông bà cũng không tránh khỏi những lúc bất đồng, giận dỗi. Phương pháp hiệu quả được ông vận dụng nhiều năm nay chính là “vợ giận thì chồng bớt lời”, đợi vợ bình tĩnh lại rồi ông mới nói chuyện phải trái.

Từ ngày 20 đến ngày 22-6, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đăng cai tổ chức Ngày hội gia đình các tỉnh Đông Nam bộ lần thứ IX-2018. Tham dự ngày hội, Đồng Nai có 3 gia đình đến từ TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất tham gia các phần thi: tự giới thiệu, năng khiếu và thể thao.

Nhiều gia đình không chỉ xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con tốt, ổn định kinh tế gia đình, làm tròn trách nhiệm và nghĩa vụ công dân còn tích cực đóng góp vào sự phát triển của địa phương. 

Từng trải qua những năm tháng khó khăn, lam lũ nên hơn ai hết vợ chồng ông Nguyễn Anh Tuấn và bà Phùng Thị Bình (ở ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) hiểu hơn ai hết giá trị của hạnh phúc gia đình. Ông Tuấn kể công việc của ông không ổn định nên sau khi 2 con ra đời, vợ ông hết thời gian nghỉ thai sản mà không kiếm được người trông, ông đã nghỉ việc ở nhà chăm sóc con, quán xuyến việc nhà để vợ yên tâm đi làm công nhân. Cả gia đình chỉ có một nguồn thu nhập chính nên nhiều lúc cũng thiếu trước hụt sau.

Từ khi các con lớn hơn, vợ chồng ông bà có điều kiện cải tạo vườn, chuyển sang trồng bưởi, kinh doanh phòng trọ và tạp hóa… kinh tế gia đình  được cải thiện, có điều kiện cho con du học và giúp đỡ những người xung quanh bằng những phần quà cho người nghèo, những suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giảm tiền phòng trọ cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn… góp phần hoàn thành xây dựng nông thôn mới của địa phương.

* Đưa phong trào đến gần đời sống

Bà Đặng Thanh Thủy cho biết, năm 2010, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa tỉnh nhằm tập hợp các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tập trung triển khai thực hiện phong trào tại địa phương, trong đó có phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Sở Văn hóa - thể thao và du lịch với vai trò là chủ nhiệm chương trình 4 - xây dựng gia đình văn hóa đã phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập ban chủ nhiệm và tham mưu xây dựng tiêu chí công nhận gia đình văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh và có sự điều chỉnh theo từng năm, từng giai đoạn.

Không riêng ngành văn hóa mà hầu hết các ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh đều vào cuộc triển khai thực hiện phong trào. Tiêu biểu, Hội Liên hiêp phụ nữ các cấp có phong trào xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân với phong trào gia đình nông dân hạnh phúc; Hội Cựu chiến binh với phong trào gia đình hội viên gương mẫu… Tại các ấp, khu phố, ban vận động thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa và thực hiện đúng quy trình bình xét công nhận gia đình văn hóa hàng năm.

Có thể nói, qua hơn 17 năm triển khai thực hiện, phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đã có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, ngày càng đi vào nề nếp. Tỷ lệ hộ gia đình tham gia và đạt danh hiệu gia đình văn hóa tăng qua các năm.

Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường cùng với lối sống thực dụng hiện nay cùng các sản phẩm văn hóa độc hại tràn lan trên mạng đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào các gia đình, nhiều giá trị đạo đức gia đình đang có biểu hiện xuống cấp… Vấn đề xây dựng gia đình văn hóa đang đứng trước những thách thức đòi hỏi không ngừng nâng cao chất lượng của phong trào.     

Do đó, theo bà Đặng Thanh Thủy, mỗi gia đình cần nhận thức sâu sắc ý nghĩa của việc xây dựng gia đình văn hóa, mỗi thành viên phát huy tốt những giá trị truyền thống gia đình. Người lớn trong gia đình phải làm gương, không để những vấn đề tiêu cực bên ngoài có cơ hội tràn vào. Đối với các ngành chức năng, bên cạnh công tác tuyên truyền đưa phong trào đi vào đời sống người dân, tiếp tục hoàn thiện tiêu chí công nhận gia đình văn hóa gắn với thực tế địa phương, đồng thời đổi mới quy trình bình xét, công nhận gia đình văn hóa...

(Trang báo này được thực hiện có sự phối hợp của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch)

Nga Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  630,870       2/1,071