Văn hóa

Nghi thức - nhạc lễ trong cúng đình ở Đồng Nai

Đồng Nai là vùng đất đ­ược khai phá sớm ở Nam bộ, gắn liền với quá trình di dân của ng­ười Việt vào phía Nam trong những buổi đầu mở cõi. Cùng với quá trình di dân, nhạc lễ cũng xuất hiện để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt tinh thần, tâm linh của người dân, đồng thời phục vụ cho tầng lớp quan lại của triều đình và các nghi thức tôn giáo.

 Nghi thức tế lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Thanh THÚY
Nghi thức tế lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Thanh THÚY

Là địa phương hội tụ và giao lư­u văn hóa giữa các dân tộc, nghi thức và nhạc lễ trong cúng đình của ng­ười Việt ở Đồng Nai mang giá trị văn hóa độc đáo. Nhạc lễ là âm nhạc chuyên dùng trong lễ nghi, thờ cúng thời phong kiến. Đây là thể nhạc của những tập tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian người Việt, thể hiện những tâm tư, tình cảm của cộng đồng lưu dân Việt đến khai phá khẩn hoang ở Đồng Nai. Nhạc lễ thường sử dụng trong các buổi tế lễ, cúng vái, ma chay, gồm 4 hình thức chính: quan (dùng trong những cuộc vui mừng, đón tiếp khách), hôn (dành cho đám cưới, hỏi), tang (dành cho ma chay), tế (dùng trong cúng tế thành hoàng và các nghi lễ ở đình).

* Kế thừa và có bản sắc riêng

Theo các nhà nghiên cứu, nhạc lễ Nam bộ nói chung và Đồng Nai nói riêng đồng thời bắt nguồn từ nhạc cung đình, chủ yếu là nhạc cung đình triều Nguyễn. Nhạc cung đình lan tỏa vào vùng đất phương Nam và trở thành hạt nhân, thành nguyên mẫu cho sự xuất hiện và phát triển nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ. Người dân Nam bộ vẫn coi ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đại) là người góp công khai sáng và hoàn chỉnh nhạc lễ, nhạc tài tử. Chẳng hạn, bài mở đầu trong cúng tế ở nhạc cung đình là bài Tam luân cửu chuyển, còn nhạc lễ Đồng Nai là Ba hồi chín chập, tất cả đều có 3 lớp, mỗi lớp đều được diễn tấu gồm 3 đoạn nhạc lặp lại; nhưng những nét nhạc cụ thể thì ở nhạc lễ Đồng Nai điệu Ba hồi chín chập có tiết tấu đa dạng hơn, phong phú hơn.

Tuy nhiên, nhạc lễ Đồng Nai có nét riêng là sử dụng dàn nhạc ngũ âm chứ không phải bát âm dù cũng có 2 phe: văn (2 đàn cò, 2 đàn gáo, 1 sáo, 1 song lang, 1 trống nhỏ và võ (đôi trống đực và cái, 1 kèn trung, 1 thanh la nhỏ, 1 chũm chọe, 1 cái bồng, trống cơm, đẩu).

Trong lễ cúng kỳ yên, khi thực hiện nghi thức cúng lễ nhất thiết phải có Ban lễ nhạc. Trước đây, nhạc công thường có 11 người, sử dụng các loại nhạc cụ: 1 cặp phệt, 2 đàn gáo, 2 đàn cò, 1 trum, 1 bạt, 1 trống cơm, 3 trống con, 1 kèn thau, 1 đồng lố. Ngày nay, số lượng nhạc công trong ban nhạc lễ thường chỉ có 4 người, mỗi người có thể sử dụng được từ 2-3 loại nhạc cụ. Các loại nhạc cụ tượng trưng cho ngũ hành như: lố, bạc, đẩu thuộc Kim; kèn mộc, trống, trống cơm thuộc Mộc; kèn nước thuộc Thủy; đàn cò thuộc Hỏa; trống bồng thuộc Thổ. Nhìn chung, nhạc lễ của Đồng Nai không chỉ thể hiện nét chung được thừa hưởng từ nhạc cung đình, nhạc cổ truyền, nhạc dân gian ở miền Bắc, miền Trung, mà trong đó còn phát triển mạnh mẽ tư tưởng triết học về âm dương, ngũ hành… tạo ra những nét riêng độc đáo.

Thời gian đầu, do kinh tế và các hoạt động tinh thần của những người di cư chưa ổn định nên vai trò và vị trí của nhạc lễ chưa rõ rệt. Từ năm 1802 (vua Gia Long lên ngôi) trở đi, nhạc lễ có nhiều bước phát triển, nhất là từ năm 1852 vua Tự Đức ban hành hương ước sắp xếp lại bộ máy hành chính, trong đó cắt cử hương chức lo việc lễ hội đình đám. Nhưng cột mốc quan trọng có thể tính từ năm 1885 khi nhạc sư Nguyễn Quang Đại vào định cư ở Nam bộ đã tập hợp, hệ thống lại các bài bản và mang thêm những nét mới của nhạc cung đình, nhạc lễ đã được phát triển mạnh trong dân gian.

Có thể nói, nhạc lễ Nam bộ là sự kết tinh những tinh hoa cổ truyền và tài năng, óc sáng tạo của người dân trên vùng đất mới. Đồng thời, nhạc lễ Nam bộ chịu ảnh hưởng của sự tác động của việc giao lưu văn hóa giữa các dân tộc bản địa và trong khu vực. Nhạc lễ Nam bộ là thể nhạc dành cho nghi lễ nhưng lại phổ biến trong dân gian, mang đầy đủ các đặc điểm của âm nhạc dân gian như: các bài bản thường vô danh, không có tên tác giả, không có bản phổ gốc; được lưu truyền theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, không được đào tạo có hệ thống quy trình, quy phạm kiểu nhà trường; có tính dị bản; người biểu diễn nhạc lễ hoàn toàn mang tính chất nghiệp dư, đối tượng thưởng thức nhạc lễ là công chúng rộng rãi.

* Nghi thức trong cúng đình

Lịch sử hình thành vùng đất Đồng Nai nằm trong quá trình hình thành và phát triển chung của Nam bộ, do vậy các nghi thức cúng tế và các lễ hội của đình Đồng Nai về cơ bản cũng giống như đình Nam bộ, tuy nhiên điểm khác biệt là tuy có bài bản giống nhau nhưng không gò bó theo một khuôn mẫu. Cũng những nghi thức ấy nhưng mỗi đình có cách thể hiện khác nhau, biểu hiện ở màu sắc quần áo, cờ, lọng...

Hàng năm, mỗi đình ở Đồng Nai đều có nhiều ngày lễ hội. Có thể nói, lễ hội chính là phần hồn của đình, trong đó phần lễ trội hơn phần hội. Do các đình ở Đồng Nai thường phối thờ nhiều vị thần nên có nhiều lễ cúng, chia thành 2 loại: tạp tế là các lễ nhỏ, không mở hội, cúng đơn giản. Long trọng nhất là lễ cúng kỳ yên. Đây là lễ chính của đình, gọi là lễ vía thần nhưng thực chất là lễ hội nông nghiệp để cầu an (quốc thái dân an, phong điều võ thuận). Mỗi đình có ngày cúng kỳ yên riêng, tập trung trong 3 tháng đầu năm hoặc 3 tháng cuối năm âm lịch.

Lễ hội thường diễn ra trong 3 ngày, gồm 3 lễ chính: Túc yết, Đàn cả, Tiền hiền - hậu hiền. Ngoài ra còn các nghi lễ khác như: rước sắc thần, xây chầu đại bội, tống phong… là những lễ thức phụng sự trong 3 lễ chính.

Lễ kỳ yên có quy định khá nghiêm ngặt về thành phần nhân sự tham gia tế tự. Những người trong ban tế tự được tuyển chọn, phân công phải là những người cao niên, có uy tín, đạo đức tốt, gia đình viên mãn để “hài lòng” thần linh. Thành phần tham gia tế tự gồm: chánh niệm hương, chánh bái, bồi bái, đông hiến và tây hiến, chấp sự viên, thị lập, thầy lễ, học trò lễ. Ngoài ra còn có đào thài, ban nhạc lễ, lính hầu, thủ từ… Tất cả đều mặc lễ phục cổ truyền theo quy định, nhất nhất thực hiện phận sự một cách nghiêm túc, trang trọng.

Lễ vật dâng cúng thần ngoài hoa trái, nhang đèn nhất thiết phải có các thức mặn (thịt luộc, rau, mắm muối, món xào, món kho), trong đó ở bàn La liệt phải có món xôi (nấu từ nếp nguyên, không có đậu; các bàn thần khác có thể có đậu) và thịt sống. Theo tục lệ, trong lúc nấu xôi cúng trong nhà không được “lộn xộn”, không đứng che bóng mặt trời rọi vào mâm xôi; khi rước xôi đến đình không được bưng mà phải đội, khiêng để tỏ lòng trân trọng. Còn thịt sống nhằm để thần hưởng sự tinh nguyên từ lòng thành của người dân, thường thì heo tế phải để nguyên con, cạo sạch lông, tư thế quỳ hướng đầu về phía bàn thần. Trước kia, người ta chọn heo cúng là heo đen tuyền, điều này chưa rõ lý do, nhưng kỵ cúng heo lang.

Lễ Túc yết là lễ trực ra mắt thần trước khi vào lễ chính thức, bắt đầu vào buổi sáng hoặc chiều tùy theo mỗi đình, thực hiện theo bài bản quy định. Lễ Đàn cả tiến hành vào ngày thứ 2 của lễ hội, giờ hành lễ bắt đầu từ lúc 0 giờ (giờ âm dương giao hòa), nghi thức như lễ Túc yết, chỉ khác ở chỗ lễ sinh xướng “tạ thần” thay cho “nghinh thần” khi hành lễ tấn tước. Lễ Tiền hiền - hậu hiền nhằm tạ ơn các vị “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ” và các vị có công với làng, với đình.

Khá thú vị, là lễ Tống phong, nhằm mục đích tống ôn dịch, đuổi tà khí ra khỏi làng, thực hiện sau khi vãn chầu đại bội, có sự tham gia của thầy pháp hoặc thầy chùa. Sau khi đốt văn cúng và vàng mã, lễ vật cúng (thịt luộc, xôi, gạo, mắm, vàng mã…) được đặt lên bè chuối hình thuyền, có hình nhân binh tướng đứng hầu rồi đưa ra sông thả. Trẻ con (thời đó thường là trẻ chăn trâu) có “đặc quyền” vớt và ăn lễ vật cúng ấy. Đặc biệt, trong lễ cúng ở bàn thờ Thần nông thường dọn khoanh thịt nọng (vuông thịt ở cổ heo) và xôi chè, bánh trái cho trẻ chăn trâu giành nhau ăn, nếu không xảy ra giành giật, giằng co nhau thì là điềm xấu.

Vào dịp cúng lễ lớn, hội đình thường tổ chức rước hát bội (tuồng) để thực hiện việc hát chầu cúng thần, tham gia vào nghi lễ cúng tế và diễn các tiết mục xây chầu - đại bội. Còn lễ thỉnh sắc là nghi thức rước sắc từ nơi cất giữ sắc thần (Nhà việc, nhà ông Thủ sắc…) về đình để thực hiện việc cúng tế, sau lễ lại cử hành lễ hồi sắc để đưa sắc thần về nơi giữ.

Nhìn chung, các loại hình diễn xướng trong nghi lễ cúng đình ở Đồng Nai là tổ hợp các tiết mục có tính trình thức dân gian, mang đậm phong cách hát bội mà chức năng  thực hành nghi lễ là nhằm biểu hiện những nhận thức về thế giới và xã hội của chế độ phong kiến và ảnh hưởng của Nho giáo.

Lâm Nhân - Huỳnh Tới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  787,571       1/919