Văn hóa

Tín ngưỡng tôn giáo ở Đồng Nai xưa

Vùng đất mới Đồng Nai là địa bàn sinh tụ và cư trú của nhiều dân tộc với các tín ngưỡng tôn giáo. Các cộng đồng cư dân không chỉ mang theo tín ngưỡng tôn giáo truyền thống từ bản quán mà còn tiếp nhận có chọn lọc các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo từ nhiều hướng, vì thế tín ngưỡng tôn giáo ở Đồng Nai có sự hỗn dung và tạo thành sắc thái riêng.

Nghi thức tắm Phật ở Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) -  một ngôi chùa Phật giáo nguyên thủy.
Nghi thức tắm Phật ở Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) - một ngôi chùa Phật giáo nguyên thủy.

Hiện nay, Đồng Nai là địa bàn đa tôn giáo với sự có mặt của hầu hết các tôn giáo lớn như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Hồi giáo… Trong đó, Phật giáo và Công giáo có mặt từ khá sớm, gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của vùng đất và có đông tín đồ nhất.

* Chuộng tinh thần từ bi, hỉ xả

Ở Đồng Nai, Phật giáo được truyền theo nhiều hướng và nhiều thời điểm khác nhau. Những tài liệu khảo cổ tìm thấy ở Đồng Nai chứng tỏ thời kỳ trước và sau công nguyên, văn hóa - tín ngưỡng tôn giáo ở Ấn Độ trong đó có Phật giáo đã ảnh hưởng đến vùng đất này qua việc buôn bán bằng đường biển. Đến thời kỳ nhà Trần, Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thiền phái Trúc Lâm (năm 1293). Sau đó tiếp đến giai đoạn nhà Minh đô hộ nước ta và Lê Lợi khởi nghĩa đuổi quân Minh lập nên nhà Lê. Trước những biến động lịch sử đó, nhiều thiền sư, phật tử thuộc thiền phái Trúc Lâm đã đến Đồng Nai qua ngã Chiêm Thành, Chân Lạp. Ở Trung Quốc trong giai đoạn rối rắm từ cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành thời nhà Minh (năm 1630) cho đến lúc nhà Thanh lập quốc, nhiều nhà sư Phật giáo và Phật tử người Hoa cũng tị nạn đến Đồng Nai, trong đó “danh chính ngôn thuận” và đông đảo nhất là cuộc định cư của nhóm Trần Thượng Xuyên (năm 1679).

Do tính cách rộng mở, phóng khoáng, lưu dân Đồng Nai xưa dù có sự khác biệt về tôn giáo nhưng lương - giáo vẫn đoàn kết, gắn bó, tương thân tương trợ lẫn nhau để sinh tồn trong buổi đầu khó khăn. Khác với ở miền Bắc người theo đạo thường tập hợp thành xóm, làng tách riêng với người ngoài đạo, ở Đồng Nai các giáo họ không phải là “lãnh địa” khép kín, người Công giáo sống xen kẽ với Phật tử và người theo các đạo khác một cách chan hòa, cởi mở. Truyền thống này được giữ vững đến nay.

Có thể nói, người Việt khai hoang lập ấp đến đâu thì tín ngưỡng Phật giáo được loan truyền đến đó. Trước khi Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh định danh vùng đất Trấn Biên thuộc cương thổ Đại Việt, thì từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh vùng đất Đồng Nai đã từng là một trong những cái nôi của Phật giáo Đàng Trong. Do triết lý Phật lý là từ bi, hỉ xả, bình đẳng, nêu cao tinh thần cứu khổ cứu nạn nên được người dân vùng đất Đồng Nai tiếp nhận sâu rộng, trở thành mảng văn hóa đậm nét trong văn hóa truyền thống của địa phương. Nhiều tông môn, hệ phái của Phật giáo có mặt tại Đồng Nai như: Nguyên thủy (Sthaviravāda), Bắc tông (Mahayana), Nam tông (Theravada), Mật tông (Vajrayana), Tịnh độ tông (Pure Land), Thiền tông (Dhyana)…

Trong số những vị cao tăng có công tích hoằng hóa và xiển dương Phật giáo ở Đồng Nai, có thể kể đến Thiền sư Nguyên Thiều (1648-1728). Thiền sư là người Trung Quốc, thuộc phái Lâm Tế đời thứ 33, sang Việt Nam truyền đạo vào vào năm 1677. Ông là vị Tổ truyền phái Lâm Tế ở khu vực miền Trung,  đóng góp nhiều công đức trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo ở Đàng Trong. Khoảng năm 1693 thiền sư vào Đồng Nai hoằng hóa cho những lưu dân người Việt và người Hoa đã đến làm ăn sinh sống, sau đó xây dựng chùa Kim Cang ở ấp Bình Thảo, thuộc dinh Trấn Biên (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu). Một số đệ tử của thiền sư là những cao tăng đương thời cũng xây dựng, khai sáng và trụ trì các chùa ở Đồng Nai, như: Minh Vật Nhất (Tri trụ trì chùa Kim Cang), Thành Đẳng Minh Lương (trụ trì chùa Đại Giác), Thành Nhạc Ẩn Sơn (khai sơn chùa núi Châu Thới, trụ trì chùa Long Thiền), Thành Trí Pháp Thông (trụ trì chùa Bửu Phong)… Đồng Nai còn có sự truyền thừa của thiền phái Tào Động tuy có chậm hơn so với thiền phái Lâm Tế, mà một trong những cao tăng tiêu biểu là thiền sư Pháp Thông Thiện Hỷ (khai sơn chùa Long Ẩn năm 1733).

Cùng với sự xuất hiện của Phật giáo là chùa chiền, cơ sở thờ tự. Hiện nay Đồng Nai còn nhiều ngôi chùa cổ gắn liền với giai đoạn mở cõi như: Bửu Phong (xây dựng năm 1616), Long Thiền (năm 1664), chùa Ông (năm 1684), Kim Cang (năm 1695). Trong thời các chúa Nguyễn, có 2 ngôi chùa ở Đồng Nai được sắc tứ (vua ban sắc), đó là chùa Vạn An ở thôn Phước An (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và chùa Hộ Quốc ở thôn Đắc Phước, huyện Phước Chánh (nay thuộc phường Tân Vạn, TP.Biên Hòa). Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (năm 1802) đã ban cho chùa Kim Cang 3 pho tượng Phật và bức hoành phi “Kim Cang tự”, trùng tu chùa Đại Giác (xây dựng năm  1665) và cúng pho tượng Phật A Di đà bằng gỗ cao 2,5m, nên người dân còn gọi là chùa Phật Lớn.

* Vượt qua thử thách

Tương tự, Biên Hòa - Đồng Nai là một trong những địa bàn được Công giáo tổ chức truyền giáo sớm ở Đàng Trong, từng có những giáo sĩ Thừa sai nổi tiếng đương thời hoạt động ở đây. Việc truyền giáo tại đây bắt đầu từ năm nào chưa được xác định rõ, nhưng theo Lịch sử Công giáo Nam bộ (thế kỷ XVI-XVII-XVIII), trong thư gửi Ban giám đốc Chủng viện truyền giáo Paris ngày 4-7-1710, Giám mục phó giáo phận Đàng Trong Labbé viết: “Có một miền gọi là Dou-nai nằm ở giữa Cao Miên và Chiêm Thành, đây là vùng đồng bằng khá tốt, đất rộng và dài, rừng rậm cây to, nơi mà người Đàng Trong đến lập nghiệp từ 35 hay 40 năm nay. Tôi nghĩ là đã có hơn 20 ngàn người Đàng Trong tới đây, trong số đó có ít nhất 2 ngàn người Công giáo. Cách đây 13 hay 14 năm có một cha Dòng Tên người Bồ Đào Nha (Pires) đến đây, ông đã xây một nhà thờ khá lớn…”.

Nhà thờ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) trong quá trình xây dựng năm 1872 (theo tư liệu của Giáo phận Xuân Lộc).
Nhà thờ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) trong quá trình xây dựng năm 1872 (theo tư liệu của Giáo phận Xuân Lộc).

Theo tài liệu của Giáo phận Xuân Lộc, từ năm 1630 một số giáo dân đến vùng đất Bến Gỗ (lúc ấy thuộc Thủy Chân Lạp, nay thuộc xã An Hòa, TP.Biên Hòa) sinh sống và hình thành nên các họ đạo. Năm 1692, Đức Cha Francois Perez quy tụ các họ đạo này và lập nên Giáo xứ Bến Gỗ (ngày 9-9-1659, Giáo hoàng Alexander VII qua Sắc chỉ Super Cathedram quyết định thiết lập ở Việt Nam 2 giáo phận tách ra từ giáo phận Macao, và chọn 2 người thừa sai thuộc Hội Thừa sai Paris làm Đại diện Tông tòa. Giáo phận Đàng Trong từ sông Gianh trở vào Nam, trong đó có Đồng Nai). Thời gian đầu, Giáo xứ Bến Gỗ dựng một nhà thờ tạm để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện. 

Còn theo tài liệu của các giáo họ, từ năm 1615 các cha Dòng Tên đến truyền giáo tại các khu vực phía Nam và hình thành nên các họ đạo, trong đó có họ đạo Đá Lửa, đồng thời lập một nhà nguyện tạm để làm nơi dâng lễ và cầu nguyện tại đây. Năm 1778, Đức Cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) đến bảo trợ họ đạo này và đổi tên họ đạo Đá Lửa thành Tân Triều (nay thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu), và lập chủng viện tại đây.

Như vậy, có thể phỏng đoán từ khoảng giữa đầu thế kỷ 17 Công giáo đã theo chân lưu dân truyền vào Đồng Nai. Người Công giáo khi đến đây đã theo đạo rồi chứ không phải đến Đồng Nai rồi mới theo đạo. Ban đầu giáo dân hình thành các họ đạo, sau đó các giáo phận mới thành lập. Những họ đạo đầu tiên được nhắc đến là: họ đạo Bến Gỗ - nơi có nhà thờ đầu tiên của Hội Thừa sai Paris ở Nam bộ; họ đạo Tân Triều - nơi đặt trụ sở của đại diện Tông tòa Đàng Trong và chủng viện.

Thời gian đầu Công giáo phát triển ở Đồng Nai khá hạn chế, nguyên nhân là do nhà Nguyễn cấm đạo, nhất là dưới thời các vua Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1862). Các lưu dân Công giáo thời ấy vào vùng đất mới ngoài yếu tố về kinh tế còn có mục đích trốn tránh sự bức hại tôn giáo. Tuy nhiên, việc ngăn cấm đạo xuất phát từ yếu tố chính trị chứ không phải do kỳ thị tôn giáo.

Đến năm 1862, nhà Nguyễn ký Hòa ước Nhâm Tuất nhượng lại vùng lãnh thổ Nam kỳ gồm 3 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường cho Pháp, từ đó trở đi đạo Công giáo bắt đầu phát triển. Ở Biên Hòa, các nhà thờ lớn bắt đầu mọc lên như: nhà thờ Tân Triều xây dựng lại năm 1873, nhà thờ Bến Gỗ xây dựng lại vào năm 1882; nhà thờ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) xây dựng mới bằng gạch ngói năm 1872 (theo tư liệu của Giáo phận Xuân Lộc)… Năm 1954, 40% giáo dân miền Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định Genève mà Biên Hòa - Đồng Nai là điểm đến chủ yếu. Đây là cột mốc quan trọng của Công giáo ở Đồng Nai. Năm 1969, tỉnh Biên Hòa có 164.144 giáo dân, 133 giáo xứ và 105 giáo họ, 175 linh mục, 3 dòng tu nam và 8 dòng tu nữ với 865 tu sĩ.

Tịnh Hà

Đồng Nai

© 2021 FAP
  787,279       1/934